Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Chuẩn bị chốt việc đăng ký dự thi
Học sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội (năm học 2021-2022)
Theo quy định, ngày 13.5, học sinh lớp 9 các trường THPT nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 tại trường các em đang học lớp 9. Nhưng tới ngày 23.5, học sinh sẽ được xem lại danh sách dự tuyển tại trường THCS để kiểm tra lần nữa toàn bộ thông tin cá nhân, nguyện vọng, điểm ưu tiên… Nếu phát hiện có sai sót, phải báo để trường sửa chữa. Tới ngày 31.5, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố chính thức số lượng học sinh dự tuyển vào các trường THPT công lập; và ngày 13.6, học sinh sẽ nhận phiếu báo dự thi lớp 10. Kỳ thi diễn ra trong các ngày 17, 18 và19.6. Sáng 17.6, học sinh đến điểm thi học quy chế thi, kiểm tra thông tin dự thi và báo cáo sai sót (nếu có) cho điểm thi. Ngày 18.6, thí sinh dự thi Ngữ văn và Ngoại ngữ. Ngày 19.6, thísinh dựthi Toán. Những thísinh có nguyện vọng dự thi vào trường chuyên sẽ thi trong các ngày tiếp theo.
Năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm thi, điểm chuẩn trong một ngày để tránh gây hoang mang, xáo trộn trong tuyển sinh. Theo đó, dự kiến ngày 9.7, Sở này sẽ công bố điểm bài thi các môn của thí sinh, bàn giao phiếu báo kết quả thi cho các cơ sở giáo dục để phát cho thí sinh; đồng thời công bố điểm chuẩn xét tuyển vào các trường THPT chuyên và không chuyên công lập.
Hà Nội vẫn quy định mỗi học sinh tham dựkỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ có 3 nguyện vọng xét tuyển vào các trường THPT công lập không chuyên. Ngoài ra, các em có thể đăng ký nguyện vọng vào trường chuyên, vào chương trình song bằng tú tài… Với 3 nguyện vọng khối không chuyên, thí sinh đăng ký 2 nguyện vọng đầu trong cùng 1 khu vực tuyển sinh. Toàn TP Hà Nội có 12 khu vực tuyển sinh. Học sinh đăng ký nguyện vọng 1 và 2 tại khu vực tuyển sinh phù hợp với địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú (nếu chuyển vùng phải có đơn gửi phòng GD&ĐT). Riêng nguyện vọng 3 có thể đăng ký ở một khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh vàhọc sinh cần ghi nhớ nguyên tắc, thí sinh đã đỗ nguyện vọng 1 sẽ không được phép tuyển sinh theo nguyện vọng 2, 3. Điểm xét tuyển nguyện vọng 2 của mỗi trường cao hơn điểm chuẩn của trường đó 1,0 điểm. Điểm xét tuyển nguyện vọng 3 cao hơn điểm chuẩn của trường đó 2,0 điểm. Vì thế, khi lựa chọn trường đăng ký nguyện vọng, cần lưu ý nguyện vọng 1 phải là trường mà học sinh muốn nhập học nhất. Thí sinh có thể chọn các trường top đầu trong mỗi khu vực tuyển sinh, nếu thấy khả năng có thể đỗ. Nhưng nếu khả năng của thí sinh ít cơ hội hơn ở các trường top đầu thì nên chọn một trường top giữa (căn cứ vào điểm chuẩn hằng năm) để tăng thêm cơ hội. Khi chọn trường đăng ký nguyện vọng 2, phải lưu ý chọn trường có mức điểm chuẩn thấp hơn trường nguyện vọng 1 cách biệt ít nhất 2,0 điểm. Tương tự như vậy, chọn trường nguyện vọng 3 có mức điểm chuẩn thấp hơn trường nguyện vọng 1 khoảng 3-4 điểm. Vì nếu chọn các trường có điểm chuẩn gần sát nhau quá thì khi thí sinh đã trượt nguyện vọng 1, sẽ khó có cơ hội vào nguyện vọng 2 và 3 khi điểm xét phải cộng thêm 1-2 điểm.
Theo sở GD&ĐT Hà Nội, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập khối không chuyên sẽ bám sát kiến thức, kỹ năng của bậc THCS, chủ yếu lớp 9 và không ra vào nội dung Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn giảm tải. Trong đó, 85% nội dung câu hỏi rất cơ bản. Chỉ cần ôn tập kỹ kiến thức trên lớp, tập làm một số đề thi các năm trước để có kỹ năng làm bài, phân bổ thời gian hợp lý là thí sinh có khả năng đạt điểm 8-9. Vì tỷ lệ câu hỏi phân hóa (nâng cao) chỉ chiếm 1-1,5 điểm trong tổng điểm bài thi.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm nay sẽ thi môn gồm Toán, Ngữ văn (thi tự luận, thời gian 120 phút) và Ngoại ngữ (thi trắc nghiệm, 60 phút). Thí sinh dự thi vào trường chuyên sẽ thi thêm các môn chuyên.
Năm học 2021-2022, toàn TP có khoảng 129.000 học sinh được xét công nhận tốt nghiệp THCS, trong đó, khoảng 104.000 học sinh sẽ dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Có 60% trong số này sẽ được tuyển vào các trường THPT công lập (tương đương con số 77.000 em). Khoảng 27.000 học sinh sẽ học các trường tư thục và khoảng 12.900 học sinh sẽ học trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, học nghề…
Các trường ngoài công lập được xét tuyển học bạ Theo quy định của Hà Nội, các trường công lập tựchủ hoặc trường ngoài công lập được phép lựa chọn các phương thức: Xét kết quả thi, xét học bạ hoặc xét tuyển bằng cả hai hình thức này. Hiện đa số các trường ngoài công lập xét tuyển bằng học bạ ngay sau khi kết thúc năm học 2021-2022. Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu hơn 100 trường THPT ngoài công lập tại Hà Nội báo cáo điều kiện đảm bảo chất lượng. Những trường không đảm bảo các điều kiện theo quy định (cơ sở vật chất, giáo viên) sẽ không được giao chỉ tiêu tuyển sinh. |
TRIỆU ANH