Việt Nam ngày càng đầu tư nhiều nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 11.3 Bộ KH-ĐT và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố báo cáo Rà soát đầu tư và chi tiêu công cho Biến đổi khí hậu tại Việt Nam (CPEIR). Báo cáo đánh giá chi ngân sách nhà nước cho biến đổi khí hậu (BĐKH) của 6 bộ: Bộ NN&PTNT, Bộ TN-MT, Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, và Bộ KH-CN) cùng 28 tỉnh và thành phố Cần Thơ.
Báo cáo cho thấy ngân sách của các Bộ dành cho thích ứng với BĐKH tăng trong giai đoạn 2016 - 2020
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng, việc xây dựng và lập kế hoạch ngân sách nhằm triển khai, hiện thực hóa các chiến lược, chương trình, mục tiêu nhằm ứng phó với BĐKH là vô cùng quan trọng. Các kết quả đánh giá của báo cáo CPEIR sẽ rất hữu ích trong việc tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của hệ thống quản lý tài chính công, thúc đẩy sự chuyển đổi từ ngân sách dựa trên đầu vào sang ngân sách dựa trên đầu ra và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các can thiệp liên quan đến khí hậu của các Bộ, địa phương. Điều này góp phần vào việc thực hiện thành công các cam kết quốc tế ứng phó với BĐKH của Việt Nam cũng như xác định nhu cầu về đầu tư cho BĐKH, nâng cao hiệu quả, thiết lập cơ sở để huy động và đa dạng hóa các nguồn lực trong nước và quốc tế cho BĐKH.
Báo cáo cho thấy, Việt Nam đã phân bổ ngày càng nhiều nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổng chi ngân sách cho BĐKH của 6 bộ và 29 địa phương là gần 6,5 tỷ USD, tương đương 1,3 tỷ USD/ năm trong giai đoạn 2016-2020. Hơn 70% ngân sách cho BĐKH của các Bộ và hơn 90% ngân sách ở các tỉnh là dành cho chi tiêu thích ứng với BĐKH, phù hợp với các ưu tiên chính sách của Chính phủ về chi tiêu công trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, Bộ NN&PTNN và Bộ GTVT chiếm 80% tổng ngân sách cho BĐKH với các khoản chi tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn như thủy lợi và giao thông.
Ở cấp tỉnh, ngân sách bình quân cho BĐKH của 29 tỉnh, thành phố cũng tăng đều khoảng 53%, từ khoảng 700 triệu USD năm 2016 lên gần 1,1 tỷ USD năm 2020. Ngân sách cho BĐKH chiếm tỷ trọng tương đối ổn định trong tổng ngân sách cấp tỉnh, dao động trong khoảng 16% - 21% tổng ngân sách. Trong khi phân bổ ngân sách trong nước ổn định thì nguồn vốn ODA có xu hướng gia tăng. Chi tiêu cho BĐKH của các tỉnh thường tập trung chủ yếu vào các can thiệp cụ thể, ví dụ như lương thực, thực phẩm và nước, nước biển dâng, và phát triển rừng.
Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng vẫn có thể điều chỉnh tốt hơn ngân sách cho BĐKH phù hợp với các chính sách, giải pháp và hành động về tăng trưởng xanh và BĐKH. Chẳng hạn, ngân sách đầu tư của Bộ có thể lên tới 77% được phân bổ cho các hành động Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Một số khuyến nghị chính được đưa ra bao gồm các chiến lược và kế hoạch hành động về BĐKH và tăng trưởng xanh cần được phản ánh trong các mục tiêu và chỉ tiêu của các chính sách ngành cũng như kế hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - xã hội. Để làm được như vậy, cần xây dựng một hệ thống giám sát và báo cáo toàn diện để cải thiện việc lập ngân sách, giám sát, báo cáo và thông tin về chính sách, kế hoạch về BĐKH.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về những thách thức và cơ hội huy động các nguồn lực tài chính mới, các giải pháp phân bổ và chi tiêu ngân sách hiệu quả, giám sát kết quả phân bổ ngân sách cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư cho ứng phó với BĐKH. Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam và người dân đã và đang tăng cường phân bổ nguồn lực và chi tiêu ngày càng tăng cho thích ứng với BĐKH. Tuy việc điều này mới chỉ đáp ứng được một phần và cần có sự hỗ trợ của quốc tế và khối tư nhân. Do nguồn lực hạn hẹp nên việc lập kế hoạch và sử dụng sẽ phải gắn chặt với những ưu tiên đã được xác định để đảm bảo đạt được các kết quả tốt nhất trong ứng phó với BĐKH”.
X.QUANG