A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cúc Phương, kho báu thuở hồng hoang (Bài 2): Những người với "ba không"

VHO- Gửi lời chào Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp, xe lăn bánh đưa chúng tôi tiến về Trạm kiểm lâm Số 1, Trạm Đăn, nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng. Ở Cúc Phương, các trạm kiểm lâm được đánh số tự nhiên, nhưng một số trạm sẽ có tên phụ theo tên của các bản Mường xưa, như một cách để tôn vinh cộng đồng bản địa đã “nhường” màu xanh cho rừng già. Đăn là một trong hàng chục cái tên như thế !

Trạm kiểm lâm Số 1 - Trạm Đăn nơi 6 cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm sinh sống và làm nhiệm vụ trong điều kiện "ba không"

 Giữa khoảng xanh bao la, suốt cả bốn mùa Trạm Đăn neo mình vào những dải mây bạc cất lên từ bên kia thung lũng. Bò lên đến nơi, mọi người đều đã đi “tuyến” làm nhiệm vụ, chỉ còn Trạm trưởng Đỗ Tiến Dũng (1969) cùng kiểm lâm viên Đỗ Đình Hiền (1990) đứng đợi trên con dốc từ bao giờ!

“Người rừng” chính hiệu

Nằm cách cửa rừng 20 cây số, Trạm Đăn là nơi 6 cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm viên gắn bó, tìm vui công việc trong điều kiện sống “ba không”: Không điện lưới, không sóng điện thoại, không mạng Internet để làm nhiệm vụ bảo vệ, quản lý gần 6.000 ha rừng. Do tách biệt với cuộc sống bên ngoài nên vị khách nào lần đầu ghé thăm cũng thầm nghĩ họ là những “người rừng” chính hiệu!

Ở đây, nếu ai đóđược về nghỉ sẽ kiêm luôn nhiệm vụ đi chợ. Thực phẩm mua dùng trong vài ngày. Gian khổ thành quen, anh em trong trạm sáng tạo ra cách bọc thịt vào túi nilon, đem ra ngâm dưới con suối chảy vắt qua trạm. Suối chính là tủ lạnh, là điều hòa nhiệt độ, là vòi hoa sen, là lavabo rửa mặt và kiêm luôn chiếc máy phát nhạc cho cán bộ, chiến sĩ trực trạm. Lắng tai một lúc, Trạm trưởng Đỗ Tiến Dũng cười: “Nghe mãi mà không chán, dù rằng quanh năm chiếc máy ấy chỉ chạy đúng một bài”.

Trạm trưởng Đỗ Tiến Dũng người đã có 30 năm làm nhiệm vụ trong rừng

Chiều chiều, khi những vạt nắng cuối ngày không còn đủ sức để len qua 5 tầng tán lá rừng, mỗi kiểm lâm viên bỗng chốc trở thành những chú đom đóm giữa đại ngàn, bởi ánh sáng phát ra từ những chiếc đèn pin đội đầu. Cẩn thận bật công tắc tất cả các ngọn đèn còn lại, kiểm lâm Đỗ Đình Hiền kể: “Hàng chục năm qua, mọi thứ đều diễn ra như thế. Quen bóng tối đến mức vá áo, khâu quần cũng chẳng cần đến đèn điện”. Còn chưa hết kinh ngạc, anh khoe với tôi chiếc áo rách vai sau lần đi tuần tra rừng mới được cẩn thận khâu lại. Ngắm nghía từng đường kim, mũi chỉ đều tăm tắp, tôi tự nhủ, cólẽ những chiến sĩ kiểm lâm đang đứng trước mặt tôi là những người đàn ông đảm đang “bậc nhất” mảnh đất này.

Đêm thứ hai ở rừng, nén nỗi nhớ nhà, tôi ngước mắt nhìn những ánh sao đang cài trên đỉnh núi xa mờ. Bất giác, Trạm trưởng Đỗ Tiến Dũng bật cười kể, hồi mới vào nghề, cónhững đêm trực trạm nhìn ánh sao vời vợi trên đỉnh đầu, tớ cũng nghĩ ngôi sao kia sao mà lẻ loi giống mình. Bây giờ quen rồi, tớ không nghĩ như vậy nữa, bởi ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi mấy chục anh em của Hạt cũng vất vả, vò võ một mình tại các trạm như thế!

Gia đình là điểm tựa

30 năm gắn bóvới rừng, 23 năm làm Trạm trưởng, 18 năm làm nhiệm vụ tại Trạm Đăn, đón không dưới 20 cái Tết ở trong rừng, hàng chục lần bị thương khi tuần tra, trong đó có 2 lần “hút chết” vì bị lâm tặc chống trả…, nghe Trạm trưởng Đỗ Tiến Dũng điểm lại những con số của cuộc đời mình, tôi buột miệng, vất vả hiểm nguy là thế, có khi nào các anh sờn lòng? Thủ lĩnh Trạm Đăn chắc chắn như đá núi, cây rừng: “Không em ạ!”. Gặng hỏi về những lần anh bị thương khi làm nhiệm vụ, tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu: “Thiệt thòi nhất phải là những người vợ ở nhà”. Đưa tay chỉ phía đằng xa, anh bảo đólà hướng huyện Nho Quan nơi vợ con anh sinh sống: “Bao nhiêu vất vả cũng đành để vợ một mình gánh vác”. Mấy chục năm gửi mình nơi rừng thiêng nước độc, sơn cùng thủy tận, cái gì cũng thiếu, chỉ gian khólà cóthừa, ấy vậy mà tôi thấy mắt anh đỏ khi nhắc đến gia đình…

Kiểm lâm viên Đỗ Đình Hiền nâng niu, trân quý chiếc đài radio chạy pin như báu vật

Hơn 10 năm gắn bóvới Cúc Phương, kiểm lâm viên Đỗ Đình Hiền nâng niu, trân quý chiếc đài radio đặt trên đầu giường như báu vật. Đó cũng là phương tiện thông tin duy nhất nối trạm với thế giới bên ngoài. Chiếc đài đó đã từng theo chân cha anh dọc ngang chiến trường miền Nam đánh Mỹ, rồi lại ngược Trường Sơn ra bảo vệ biên giới 6 tỉnh phía Bắc. Khi ở ngoài kia, người ta vẫn say sưa nói về công nghệ số, thì ở đây chiếc đài National chạy pin, được sản xuất từ những năm 60, vẫn theo anh trên những chặng đường gác rừng, giữ gìn màu xanh cho thế hệ mai sau.

Bậc cầu thang dẫn từ đường lên trạm là nơi anh hay ngồi say mê xoay xoay, vặn vặn nút dò sóng. Anh kể, bật đài lên chẳng quan trọng là chương trình gì, cứ nghe tiếng người là được rồi! Nhà cách trạm gần 50km, vợ kiểm lâm Đỗ Đình Hiền là cô giáo đang công tác tại Trường tiểu học Thị trấn Me. Lập gia đình được 4 năm, hai vợ chồng cócô con gái Đỗ Thảo Anh năm nay hơn 3 tuổi. Phải lâu lắm anh mới về nhà một lần. Đưa tay vuốt làn tóc mai của cô con gái qua tấm ảnh nhỏ, anh bảo: “Mỗi lần bố về, Thảo Anh thường hay dụi đầu vào chiếc áo xanh còn vương mùi mồ hôi của bố, dỗi hờn sao bố đi lâu về thế”.

Và khi tôi ngồi viết những dòng này, ánh đèn pin đội đầu từ phòng Trạm trưởng Đỗ Tiến Dũng vẫn hắt qua khe cửa sổ. Đêm nào cũng vậy, anh đều tỉ mẩn ghi chép nội dung công việc vào cuốn sổ nhỏ. Anh suy tư những gì tôi không rõ, nhưng lâu lâu anh lại lặng ngắm bức ảnh chụp cả gia đình đặt ngay ngắn trên bàn làm việc, khẽ cười. Bất giác tôi nhớ lại câu nói của kiểm lâm Đỗ Đình Hiền: “Điều khó nhất của nghề chính là vượt qua nỗi nhớ nhà. Nhưng khi đã vượt qua được rồi thì đó lại là điểm tựa để những người kiểm lâm yên tâm trên hành trình giữ màu xanh của đại ngàn”. 

Ông Nguyễn Trường Sơn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết: "Hạt kiểm lâm Cúc Phương hiện nay có 61 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại 14 trạm đặt trên địa bàn 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa; có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 22.000 ha rừng. Quá trình làm nhiệm vụ, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã bị các đối tượng xấu phản kháng, gây thương tích. Ngoài những người đã nghỉ hưu, trong Hạt vẫn còn 5 cán bộ, chiến sĩ đang hưởng chế độ thương binh nhưng vẫn quyết tâm bám rừng làm nhiệm vụ".

 

VŨ MỪNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip
Xem trước Hyundai Grand i10 sắp về VN, Ford Maverick gặt 80 nghìn đơn sau 1 tháng ra mắt