Bệnh viện Thể thao Việt Nam tổ chức Ngày hội tri ân
Phát biểu tại Ngày hội, TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Phương châm của Bệnh viện là bệnh nhân chính là người nhà của mình, nỗi đau của bệnh nhân chính là nỗi đau của mình, do đó toàn bộ các cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế đều có tinh thần chăm sóc bệnh nhân như người nhà, luôn tận tình, chia sẻ và động viên bệnh nhân lạc quan, tuân thủ điều trị để nhanh chóng khỏi bệnh.
Ban lãnh đạo Bệnh viện Thể thao Việt Nam tặng quà tri ân bệnh nhân và VĐV
“Năm vừa qua là một năm khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng nhờ bệnh nhân, VĐV đến khám tại Bệnh viện cùng với đội ngũ y tế, nhân viên đã tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh nên Bệnh viện vẫn an toàn. Bên cạnh đó, Bệnh viện luôn coi người bệnh là người thầy thuốc lâm sàng vì chỉ qua thực tiễn lâm sàng thì các y bác sĩ, nhân viên y tế mới có thể nâng cao được kiến thức, học hỏi đáp ứng công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân”, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam chia sẻ.
Tham dự Ngày hội, bà Đỗ Thị Khoa (61 tuổi, Hà Nội) đang điều trị tại Khoa Nội tổng hợp bày tỏ xúc động khi được các bác sĩ chăm sóc tận tình. Bà bị đau khớp gối đã lâu, đi lại rất khó khăn, nhưng chỉ sau mấy ngày điều trị tại Bệnh viện, bà hầu như không còn đau nữa, bà rất mừng vì sắp được ra viện.
Kỹ thuật viên siêu âm đầu gối cho cầu thủ đội tuyển bóng đá
Đang điều trị phục hồi chức năng tại Khoa Y học thể thao – Vật lý trị liệu, cầu thủ Nguyễn Ngọc Tú (18 tuổi, CLB Bóng đá nam Viettel) cho hay đã điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện 1 tháng bởi bị dập dây chằng chéo. Hằng ngày, chàng cầu thủ trẻ được các kỹ thuật viên siêu âm, matsage, vật lý trị liệu phục hồi chấn thương. “Trước em có nhiều đồng đội trong CLB đã đến để chữa trị chấn thương, nhưng đây là lần đầu tiên em điều trị tại đây. Em được bác sĩ, kỹ thuật viên siêu âm đầu gối, và hướng dẫn các bài tập, nhiều khi rất đau nhưng được các cô chú động viên, khích lệ để em cố gắng luyện tập, trở về với CLB”, cầu thủ đội bóng Viettel chia sẻ.
Nhiều bệnh nhân phục hồi chức năng khớp gối trước và sau mổ
Tại Khoa Y học thể thao – Vật lý trị liệu có khoảng hơn 10 bệnh nhân đang luyện tập dưới sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên. Theo Kỹ thuật viên Trưởng Nguyễn Văn Triển, đa phần người bệnh điều trị tại Khoa là bị đứt dây chằng do chấn thương trong chơi thể thao, tai nạn xe máy, phục hồi chức năng trước hoặc sau phẫu thuật. Khoa được trạng bị nhiều máy vật lý trị liệu, xoa bóp, tập vận động, đặc biệt là máy Biodex hỗ trợ chuyên sâu về đứt dây chằng, hầu như các Bệnh viện khác không có. Hằng năm, Khoa đón tiếp rất nhiều VĐV đội tuyển quốc gia tới điều trị, tập luyện. Tùy tình trạng chấn thương và thể trạng của mỗi người để có những phác đồ điều trị khác nhau. Thông thường phác đồ điều trị 6 – 8 tuần, nhưng cũng có bệnh nhân phải điều trị tới 8-12 tuần mới có thể trở lại tập luyện thể thao.
Máy tập đầu gối Biodex tại Bệnh viện
Tại Bệnh viện cũng có không ít người cao tuổi bị đau khớp gối do viêm hoặc tràn dịch khớp. Theo TS.BS Võ Tường Kha, thời tiết lạnh giá khiến người cao tuổi, bệnh nhân bị đau khớp gối nhiều hơn. Đối với người bình thường, nhiệt độ giảm sâu khiến việc lưu thông, tuần hoàn máu và dinh dưỡng kém đi, sức đề kháng cũng bị ảnh hưởng nên nguy cơ mắc bệnh, chấn thương khi vận động, tập thể dục không đúng cách cũng tăng lên. “Do đó, người dân nên tập thể dục thể thao vào thời điểm có ánh sáng mặt trời. Trước khi tập phải khởi động kỹ, hoặc dùng các loại dầu, tinh dầu có tính chất ấm nóng, xoa vào các khớp . Tập theo nguyên tắc từ nhẹ đến nặng, từ ít đến nhiều, để tránh bị chấn thương. Dùng khẩu trang để ngăn ngừa việc hít phải khí lạnh gây bệnh lý về đường hô hấp và vừa để phòng dịch bệnh. Đội mũ, đi găng, tất chân, áo khoác để giữ ấm cho các bộ phần đầu, cổ, tay, chân… để máu được lưu thông tốt, tránh bệnh đột quỵ và các bệnh liên quan”, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam khuyến cáo.
Q.HOA