Người chuyển giới mong muốn được bình đẳng trong tiếp cận y tế
Tự uống, tự tiêm hoóc môn
Ngoại trừ làn da trắng trẻo, căng mịn thì Đ.N.M.C (sinh năm 1995, Phú Thọ) với mái tóc cắt cua, dáng người mập, giọng nói ồm ồm đi lại nhanh nhẹn khó có thể nhận ra gần hai năm trước cậu vẫn là một thiếu nữ. C. cho biết, cha mẹ sinh ra là nữ, nhưng em biết “phải là nam mới đúng” và đã quyết định tiêm hoóc - môn nam từ tháng 9.2017 để được sống là chính mình. Quyết định được đưa ra sau nhiều năm “vật vã” tìm bản ngã, vừa chia sẻ vừa đấu tranh với gia đình, bạn bè và ngay cả với bản thân.
Cảm giác mình là “con trai” từ khi còn học cấp III, lúc đó C. vẫn là một “cô gái” mới lớn nhưng lại chỉ thích bạn nữ. Rồi tự an ủi mình cảm giác đó là do tâm sinh lý thay đổi ở tuổi dậy thì nên C. “ép” mình trải qua hai mối tình với hai người bạn trai nhưng đều tan vỡ vì không cảm thấy hạnh phúc. “Đến năm thứ hai Đại học, em yêu một bạn nữ qua mạng ở Hải Phòng thì thấy rất hạnh phúc nhưng vẫn phải che giấu thân phận. Rồi một lần, bạn gái nói hôm sau sẽ lấy chồng Hàn Quốc - một người bằng tuổi bố cô ấy và không có tình yêu. Cô ấy nói rất đau khổ vì không được sống vì mình, vì tình cảm của mình. Sau khi sang tới Hàn Quốc thì chúng em cắt đứt quan hệ, nhưng đó cũng là lúc em hiểu rằng mình phải sống với hình hài của một cậu con trai”, C. chia sẻ.
Loại hoóc môn nam nhiều người chuyển giới mua trôi nổi trên thị trường
C. đã tự tìm hiểu và lên internet đọc những thông tin liên quan đến người chuyển giới, tham gia vào những nhóm LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới), rồi bắt đầu tiêm hoóc - môn nam mũi đầu tiên. “Vì là bất hợp pháp nên em không tìm được bác sĩ để khám và tư vấn về thuốc cũng như liều lượng sử dụng nên em dùng theo chỉ bảo, kinh nghiệm của những người chuyển giới đã dùng trước đó. May mắn cho em là đã không có hậu quả gì xảy ra”, C. tâm sự.
Nhớ lại thời điểm mũi tiêm đầu tiên, C. ở một mình trong phòng trọ bắt đầu chống chọi với cơn đau đầu dữ dội và người lạnh ngắt như bị sốt rét, lả đi vì mệt rồi tự gọi đồ ăn đến cho qua bữa. Cứ như vậy, cứ sau 3 tuần/mũi thì phản ứng phụ cua thuốc tăng trưởng hoóc môn giảm dần và đến bây giờ không còn nữa.
Không chỉ C. mà hầu hết những người chuyển giới đều chung hoàn cảnh không có bác sĩ tư vấn, khám, điều trị mà chủ yếu là tự truyền miệng và mua hoóc môn trôi nổi trên thị trường. Ai may mắn thì có y tá quen biết tiêm hộ, còn lại phải tự tiêm hoặc tự uống thuốc nên nguy cơ rủi ro cao vì sốc thuốc, phản ứng phụ, đôi khi tử vong.
Một nghiên cứu về người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TP.HCM cho thấy, hầu hết người chuyển giới tự điều trị nội tiết tố (hoóc môn) mua ở “chợ đen”. Rất ít người chuyển giới có điều kiện kinh tế mới có thể ra nước ngoài hoặc tìm đến các cơ sở không hợp pháp ở Việt Nam để thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Nhiều người đã chết hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe do tự điều trị nội tiết tố hay tự tiêm silicone.
Nhu cầu tiếp cận dịch vụ y tế bình đẳng
Nghiên cứu về Hiện trạng và nhu cầu đối với việc tiếp cận các dịch vụ y tế liên quan đến chuyển đổi giới tính tại Việt Nam (do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường -iSEE - thực hiện) đã cho thấy do việc mua bán, sử dụng hoóc môn và các dịch vụ phẫu thuật chuyển đối giới tính vẫn bị coi là “phi chính thức” nên các cơ sở y tế, bệnh viện tại Việt Nam chưa chú trọng vào việc xây dựng đội ngũ bác sĩ, y tá có chuyên môn về chuyển đổi giới tính.
Theo đó, chỉ có khoảng 25,2% những người đang sử dụng hoóc môn đến tiêm tại cơ sở y tế hoặc được người có chuyên môn tiêm cho. Việc không có dịch vụ khám và tư vấn chuyên môn trong việc sử dụng hooc-môn dẫn tới người chuyển giới không có đơn từ bác sĩ, không tiếp cận được với nguồn thuốc từ các bệnh viện. Có đến 59,6% người chưa từng được khám và tư vấn trước khi bắt đầu sử dụng hoóc - môn. Điều này khiến người chuyển giới phải đứng trước những hiểm nguy như sử dụng hoóc môn kém chất lượng, cường độ và liều lượng không thích hợp và đặc biệt là biến chứng, tai biến khi tiêm thuốc, đi phẫu thuật “chui” ở những cơ sở tạm bợ, không giấy phép, không đảm bảo điều kiện tối thiểu về y khoa...
Về mặt chuyên môn, Ths.BS Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật – Tọa hình – Thẩm mỹ (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, rủi ro của liệu pháp nội tiết tố với hooc môn nữ hóa là sỏi mật, huyết khối tĩnh mạch, tăng men gan, tăng cân, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, tăng prolactin máu… Trong khi đó, với hooc môn nam hóa sẽ là bệnh lý đa hồng cầu, rụng tóc, tăng cân, ngưng thở khi ngủ, tăng men gan, mỡ máu...
Đến nay Luật Chuyển đổi giới tính vẫn chưa được trình Quốc hội, đồng nghĩa với việc hàng trăm ngàn người chuyển giới vẫn tiếp tục phải chờ đợi và trì hoãn được hưởng các quyền công dân căn bản. Hằng ngày họ vẫn còn phải ẩn mình nếu không sẽ bị kì thị, phân biệt đối xử, thậm chí rủi ro bị đuổi việc luôn thường trực chỉ vì là người chuyển giới. Chỉ khi có hành lang pháp lý, những người chuyển đổi giới tính mới có cơ hội sống bình đẳng, tiếp cận dịch vụ y tế bình đẳng, có quyền kết hôn, và quyền được hưởng hạnh phúc trong một xã hội mà họ được công nhận.
THẢO LAM