Sáng 19.8, Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19
Tính đến 6h ngày 19.8, Việt Nam có tổng cộng 649 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25.7 đến nay là 509 ca.
Biểu đồ số ca mắc theo ngày
Tối 18.8, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong của BN418. Đây là bệnh nhân thứ 26 tử vong tại Việt Nam.
BN 418 là bệnh nhân nam, 61 tuổi, địa chỉ p. Thanh Bình, Q. Hải Châu, Đà Nẵng, có tiền sử Covid-19, tăng huyết áp, suy thận mạn tính, đái tháo đường type 2, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Bệnh nhân đã được xét nghiệm âm tính 4 lần với SARS-CoV-2 vào các ngày 4.8, 10.8, 11.8, 12.8. Chiều ngày 12.8, bệnh nhân tử vong do các biến chứng của suy thận mạn tính tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến nay, số ca âm tính với SARS-CoV-2 1 lần trở lên là 100 ca, trong đó âm tính 2 -3 lần là 65 ca. Số ca tử vong là 26 ca. Số ca điều trị khỏi là 525 ca.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 18.8, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là hiện hữu và phải đặc biệt lưu ý, tiếp tục nâng mức cảnh báo ở các địa phương, nhất là những đô thị lớn, nơi tập trung đông người, mật độ dân số cao.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung cũng đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Tại cuộc họp, ý kiến thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, hiện nay mỗi tỉnh phòng chống dịch theo nhiều cách khách nhau, đề nghị phải có chỉ lệnh mới, để triển khai các biện pháp thống nhất, nghiêm ngặt, siết chặt "hệ thống phòng thủ", không để dịch bệnh xâm nhập vào cơ quan công quyền, cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học, các tuyến giao thông công cộng, đặc biệt là các địa điểm xung yếu như bệnh viện, trung tâm dưỡng lão, các cơ sở bảo trợ xã hội tập trung các nhóm yếu thế… đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Các chuyên gia kiến nghị Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, trao đổi, thống nhất các nội dung về kỹ thuật, pháp lý, cơ chế kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định mang tính bắt buộc chủ thuê bao di động cài đặt các ứng dụng (khai báo y tế điện tử, NCOVI, Bluezone) trên điện thoại thông minh (theo lộ trình phù hợp) để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", tất cả vì lợi ích chung của cộng đồng.
Trước thông tin gần đây xuất hiện tình trạng cơ sở y tế tư nhân tổ chức dịch vụ xét nghiệm Covid-19, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định đây là hoạt động không được phép. Các bệnh viện, cơ sở y tế đủ điều kiện xét nghiệm phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Các địa phương phải quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Q.HOA