145 cơ sở lưu trú trên cả nước đăng ký tham gia làm nơi cách ly tập trung chống dịch
Khách sạn Grand Móng Cái (Quảng Ninh) là một trong những khách sạn đi đầu trong việc tiếp nhận khách du lịch phải cách ly 14 ngày
Trên hết là trách nhiệm với xã hội
Trước đó, ngày 5.3, theo yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ VHTTDL đã gửi văn bản tới 25 tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang đề nghị rà soát, lựa chọn một số cơ sở lưu trú du lịch phục vụ việc cách ly người Việt Nam và người nước ngoài từ các nước có dịch nhập cảnh vào Việt Nam lưu trú theo hình thức có trả phí. Dù hạn cuối để các địa phương hoàn thiện danh sách gửi Bộ VHTTDL tổng hợp, báo cáo Thủ tướng và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch là ngày 17.3. Tuy nhiên, đến ngày 21.3, vẫn còn 1 địa phương trong số 25 địa phương nói trên chưa nộp danh sách đăng ký các khách sạn sử dụng vào việc cách ly phòng chống dịch (có thu phí).
Các khách sạn được huy động vào việc cách ly từ 2- 5 sao, khi đăng ký có ghi mức giá ưu đãi cụ thể (gồm giá phòng ngủ và giá dịch vụ thiết yếu).
Hiện nay, khi dịch Covid-19 vào giai đoạn mới, liên tiếp có thêm bệnh nhân nhiễm dịch, đối tượng F2, F3, F4 phải cách ly nhiều; người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng dịch (buộc phải cách ly 14 ngày) ngày càng nhiều nên nhu cầu được cách ly tại các cơ sở lưu trú (kể cả trả phí) là rất lớn.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, hiện có khoảng 10 khách sạn đăng ký tham gia cách ly phòng chống dịch, đa số là khách sạn 3-4 sao, có những khách sạn tới 350 phòng.
Nhiều khách sạn ở Hà Nội cũng sẵn sàng tham gia vào việc này vì cũng có thêm doanh thu và quan trọng nhất là được đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, có những tập đoàn lớn, có khách chuyên gia đăng ký ở lâu dài, khách vẫn đang ở thì không thể đăng ký làm cơ sở cách ly vì sợ ảnh hưởng tới khách.
Khách du lịch phải khai báo y tế du lịch ở các cơ sở lưu trú trên toàn quốc. Ảnh Ngọc Trinh
Bên cạnh đó, việc sử dụng các cơ sở lưu trú tiếp nhận người cách ly phòng chống dịch cũng phải đảm bảo các tiêu chí theo Hướng dẫn “Cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19” tại Quyết định 878/QĐ-BYT ngày 12.3. Theo đó, tuân thủ các điều kiện như: Đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu (điện, nước, khu vệ sinh, nhà tắm); đảm bảo thông thoáng khí; đảm bảo an ninh, an toàn; đảm bảo phòng chống cháy nổ; tốt nhất nên riêng biệt với khu dân cư hoặc có hàng rào ngăn cách; thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển người được cách ly, tiếp tế hậu cần và vận chuyển chất thải đi xử lý; nếu có điều kiện thì trang bị tivi và internet cho từng phòng cách ly.
Bộ VHTTDL sẽ tổng hợp báo cáo danh sách này lên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để quyết định, lựa chọn, thiết lập cơ sở cách ly hoặc tổ chức thực hiện cách ly theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Giữ hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam
Hiện nay, nhiều cơ sở lưu trú, dù thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh vẫn gắng gượng đến phút cuối cùng, vừa phòng dịch, vừa đảm bảo sự an toàn của khách và bảo vệ hình ảnh đẹp của du lịch Việt Nam.
Tiễn đoàn khách quốc tế cuối cùng về nước, chị Phạm Thị Ngọc Trinh, chủ Út Trinh homestay và Mekong Travel (Vĩnh Long) cho biết: “Khi chia tay, đoàn khách Pháp 22 người rất xúc động và cảm ơn chúng tôi không ngớt. Thực sự, giữa lúc dịch bệnh như thế này, chúng tôi cũng rất lo sợ, doanh thu thì giảm gần như bằng 0 nhưng 3 cơ sở lưu trú (Út Trinh homestay, Út Bình homestay, Út Quỳnh homestay) của chúng tôi vẫn tiếp đón các vị khách đã tìm đến mình, giống như khi chưa có dịch. Không phải vì để “được đồng nào hay đồng ấy” mà chúng tôi muốn khách quốc tế giữ những hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam, về tình người giữa lúc khó khăn”.
Đoàn khách châu Âu trước khi rời Út Trinh homestay đã rất xúc động và ấn tượng với điểm đến Việt Nam. Ảnh Ngọc Trinh
Chị Trinh cũng chia sẻ: Công ty Mekong Travel đang cho anh em hướng dẫn viên tự cách ly 14 ngày tại Út Trinh homestay cho yên tâm vì có nhiều người tiếp xúc với khách nước ngoài. Trong thời gian cách ly tại homestay, hàng ngày có người đo thân nhiệt 2 lần, mỗi người có phòng riêng, ăn uống riêng, có chế độ tập thể dục… Hiện giờ, công ty đã cho nghỉ việc hết, thậm chí Ban giám đốc cũng nghỉ vì không còn khách. Có tới 95% khách của công ty là khách nước ngoài, chủ yếu thị trường châu Âu, Mỹ, Úc… Công ty cũng đang tính toán đến những kế hoạch mới để nhanh chóng hồi phục việc kinh doanh khi dịch được khống chế. Hôm nay, 21.3, Út Trinh homestay đã mở cửa trở lại để đón khách du lịch nội địa sau nhiều 5 ngày đóng cửa phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh toàn bộ 3 cơ sở lưu trú.
Trong những lúc dịch bệnh đang hoành hành như thế này, cần nhiều hơn nữa những người như chị Út Trinh ở những vùng miền vẫn còn khách lưu trú để khách nước ngoài có những ấn tượng tốt đẹp khi ở Việt Nam, để bảo vệ lực lượng lao động trong ngành Du lịch.
Trước đó, ở Quảng Ninh, hàng loạt các khách sạn đạt tiêu chuẩn sao trên địa bàn Móng Cái ngay trong dịp Tết và sau Tết đã đón hàng trăm người Việt Nam từ Trung Quốc trở về qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái thực hiện cách ly tập trung. Tại TP Hạ Long, khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao Bảo Minh cũng đã có công văn gửi các cấp chính quyền và các sở, ngành chức năng ủng hộ toàn bộ 124 phòng cùng các chi phí trong thời gian đón các đoàn khách đến cách ly tập trung. Thực tế, khách sạn Bảo Minh Radiant cũng đã đón rất nhiều lượt khách du lịch người nước ngoài cách ly tập trung và để lại những ấn tượng tốt đẹp với khách về hình ảnh Việt Nam an toàn, thân thiện.
Sun & Sea Resort- khu nghỉ dưỡng nằm ven hệ đầm phá Tam Giang, gần với biển Thuận An đã tình nguyện làm cơ sở cách ly ở Thừa Thiên Huế ngay khi tỉnh này phát hiện bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên (nữ du khách quốc tịch Anh, bệnh nhân 30, phát hiện nhiễm dịch Covid-19 tối 8.3).
Sun & Sea Resort (Thừa Thiên Huế) dùng làm nơi tiếp đón, cách ly 46 du khách quốc tế và 2 người Việt Nam.
Tính đến nay, khu nghỉ dưỡng này đang có 46 du khách quốc tế và 2 người Việt Nam (1 hướng dẫn viên và 1 lái xe) đang được cách ly, theo dõi.
Chia sẻ trên mạng xã hội, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Khi đưa du khách về cách ly ở Sun & Sea Resort, nhân dân quanh vùng lao xao phản đối; nhân viên xin nghỉ việc; khách đang lưu trú bỏ đi nơi khác. Chỉ còn giám đốc và một vài người ở lại, cùng ngành y tế và ngành du lịch, chính quyền địa phương lo công tác tiếp đón, chăm sóc khách...”
“Khi tôi điện thoại hỏi anh Trịnh Quang (ông chủ của Sun & Sea Resort về khó khăn của đơn vị, anh Quang nói rằng: Khó thì trăm bề nhưng người du lịch là khách đến chơi nhà mình, chẳng may gặp nạn thì mình phải dành những gì tốt nhất cho khách. Mình có khó khăn một chút rồi nó cũng qua thôi”, ông Định chia sẻ.
Hai du khách người Anh vừa hết hạn cách ly tại khách sạn Gold (TP.Huế) đã bày tỏ rằng: “Chúng tôi cảm thấy rất tốt, khách sạn và đội ngũ nhân viên ở đây rất tuyệt vời. Chúng tôi đã được chăm sóc chu đáo, các bạn là những người đáng yêu và tử tế. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc. Đất nước các bạn rất tuyệt, chúng tôi cảm ơn Việt Nam rất nhiều”.
Các du khách hết hạn cách ly vừa qua cũng mong muốn rằng trong thời gian tới, ở điều kiện an toàn hơn, họ sẽ thu xếp quay lại Huế để có cơ hội tham quan di sản, danh lam thắng cảnh và thưởng thức ẩm thực, khám phá nét đẹp văn hóa của vùng đất này.
THÚY HÀ- THÙY AN