Bay thẳng tới thiên đường du lịch Côn Đảo từ miền Bắc và miền Trung
Tọa đàm đã làm nổi bật tiềm năng, thế mạnh của Côn Đảo và gợi ý các giải pháp phát triển du lịch bền vững ở đây
Việc kết nối tới điểm đến đang nổi Côn Đảo cũng nhằm thực hiện tiếp chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2- thúc đẩy điểm đến. Giai đoạn này sẽ không kích cầu đại trà mà các điểm đến cụ thể sẽ góp phần hồi phục du lịch; xóa bỏ tâm lý e ngại của khách du lịch và chuẩn bị cho mùa du lịch cuối năm.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận trong 2 phiên. Phiên thứ nhất “Chốn thiên đường- điểm đến quan mà lạ”, xoay quanh tình hình phát triển du lịch Côn Đảo những năm gần đây; đánh giá những yếu tố tạo nên thứ hạng ngày càng cao của điểm đến du lịch này trên các bảng xếp hạng quốc tế. Từ đó, dự đoán xu hướng du lịch Côn Đảo sau đại dịch, đề xuất các giải pháp, sản phẩm đặc trưng của Côn Đảo.
Phiên thứ 2 với chủ đề “Bay thẳng tới Côn Đảo: Chào đón trải nghiệm du lịch nội địa hấp dẫn nhất 2020” đề cập đến những rào cản trong phương thức và khả năng tiếp cận đang cản trở đà phát triển của Côn Đảo như: hạ tầng sân bay, số lượng chuyến bay, cơ sở lưu trú. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận vai trò của doanh nghiệp đầu tư, nỗ lực và giải pháp của chính quyền địa phương, sự đồng hành của các bộ, ngành liên quan trong việc tháo gỡ các vấn đề của ngành Du lịch địa phương.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở VHTTDL Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết: “Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã xác định tập trung phát triển 4 mũi nhọn kinh tế: nông nghiệp, cảng biển, du lịch và ứng dụng công nghệ cao. Với Côn Đảo, vai trò của ngành Du lịch vô cùng quan trọng, đang đóng góp tới 80% GRDP cho địa phương. Chúng tôi đang mong muốn thu hút 65 dự án du lịch trên toàn bộ huyện đảo”.
Là 1 trong 49 khu vực tiềm năng để phát triển thành Khu du lịch quốc gia của Việt Nam, Côn Đảo sở hữu hệ sinh thái biển đảo đa dạng, phong phú vào bậc nhất cả nước, khu Ramsar được thế giới công nhận. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo: Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt với hệ thống nhà tù Côn Đảo hơn 100 năm, được ví như địa ngục trần gian, những câu chuyện về các chiến sĩ cách mạng và anh hùng Võ Thị Sáu… đã tạo nên sức hút thôi thúc nhiều người Việt tìm đến mảnh đất này, bất chấp những bất tiện về giao thông kết nối với đất liền… Tiềm năng hiện có của Côn Đảo được đánh giá là có đầy đủ lợi thế để phát triển du lịch bền vững, nổi trội là loại hình du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái biển đảo. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở Côn Đảo chưa xứng với tiềm năng và chúng tôi đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào Côn Đảo với định hướng phát triển bền vững, phù hợp với hệ sinh thái”
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nhấn mạnh về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh
Lượng tăng đến Côn Đảo tăng trưởng ổn định ở mức cao. Năm 2019, Côn Đảo đón gần 420.000 lượt khách du lịch, tăng 37% so với năm 2018. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, không có chuyện mua vé máy bay giá rẻ đến Côn Đảo. Nhu cầu đến Côn Đảo của du khách rất lớn. Dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng lớn đến lượng khách và phát triển du lịch của Côn Đảo. Tuy nhiên, sau giai đoạn giãn cách xã hội, nhất là từ tháng 5.2020 cho tới trước đợt dịch 2, tần suất khai thác các chuyến bay giữa TP.HCM/ Cần Thơ đến/đi Côn Đảo thuộc nhóm phục hồi nhanh nhất. Trong 8 tháng đầu năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch bệnh, địa phương vẫn đón trên 235.000 lượt khách.
Trước nhu cầu ngày càng tăng cao của khách du lịch nội địa và nhằm góp phần đánh thức những tiềm năng của thiên đường nghỉ dưỡng biển đảo Côn Đảo, hãng hàng không Bamboo Airways dự kiến đưa vào khai thác đường bay thẳng khứ hồi Hà Nội - Côn Đảo với tần suất 2 chuyến/ngày, các đường bay Vinh - Côn Đảo, Hải Phòng - Côn Đảo với tần suất 1 chuyến/ngày, tần suất chung sẽ tăng dần theo nhu cầu thực tế của khách hàng trong nước và quốc tế. 3 đường bay thẳng đến Côn Đảo sẽ được Bamboo Airways đưa vào hoạt động từ 29.9.2020, vé được mở bán từ 0h ngày 12.9.2020.
Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết: “Trong bối cảnh các thành phần của nền kinh tế đang bắt tay vào công tác chuẩn bị cho chiến dịch kích cầu thị trường giai đoạn 2, FLC và Bamboo Airways kỳ vọng hoạt động mở mới các đường bay đi/đến Côn Đảo sẽ giúp hành khách từ nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung có thể bay thẳng tới Côn Đảo với nhiều lựa chọn lịch trình và dịch vụ hơn. 3 đường bay mới tới Côn Đảo cũng sẽ thúc đẩy nền kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, đa dạng hóa sản phẩm du lịch tới Côn Đảo. Đồng thời, đóng góp thiết thực vào việc kích cầu du lịch nội địa, phục hồi thị trường du lịch sau dịch Covid-19 và thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội".
Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết sẽ tiếp tục kết nối các điểm đến, dịch vụ để khôi phục du lịch, phát triển bền vững thời gian tiếp theo
Chia sẻ về quan điểm của FLC và Bamboo Airways khi đầu tư vào Côn Đảo, ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết: Chúng tôi mong muốn kết nối địa phương có tiềm năng du lịch với nhau và cùng phát triển kinh tế Việt Nam. Trong đó, quan điểm của chúng tôi là phát triển du lịch phải đi liền với bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Từ nay đến cuối năm, Bamboo Airways sẽ đưa thêm 10 máy bay khai thác cùng nhiều đường bay mới”.
Vị lãnh đạo này của Bamboo Airways chia sẻ thêm về các hoạt động hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong quá trình khai thác: “Hai tàu bay tới Côn Đảo được Bamboo Airways đặt tên là Con Dao Nation Park và Con Son Island, ký hoạ rùa biển với dòng chữ "Hãy cứu rùa biển" cho thấy thông điệp, cam kết rõ ràng về giữ gìn vẻ đẹp hoang sơ của tự nhiên. Ngoài ra, với mỗi vé máy bay, Bamboo Airways trích từ 10.000 đến 20.000 đồng đóng góp quỹ bảo tồn rùa biển Côn Đảo. Hãng cũng tổ chức các chuyến bay tri ân tới Côn Đảo dành cho cựu chiến binh, thân nhân các liệt sỹ đã ngã xuống tại Côn Đảo”.
Bamboo Airways kỳ vọng, sau khi đi vào hoạt động, mạng đường bay này sẽ đem lại thêm nhiều lựa chọn về hành trình, dịch vụ cho du khách đến với Côn Đảo và lớn hơn là tạo ra lực đẩy mới về thu hút đầu tư, tăng cường liên kết giữa Côn Đảo và các điểm đến quan trọng, từ đó đưa Côn Đảo trở thành một thiên đường du lịch tầm cỡ khu vực, quốc tế.
Nhận định chắc chắn khi mở thêm 3 đường bay mới từ miền Bắc, miền Trung đến Côn Đảo sẽ tăng lượng khách du lịch đến huyện đảo này nhưng ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan hữu quan tính toán việc cân bằng giữa phát triển và bảo tồn. Sự hoang sơ và những giá trị của di tích quốc gia đặc biệt cần được bảo tồn, phát huy; tính toán sức chứa của điểm đến và quy hoạch cụ thể. Hệ sinh thái tự nhiên đa dạng là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Côn Đảo, nếu mất đi sẽ không lấy lại được. Vì thế, Côn Đảo không nên đón khách bằng mọi giá mà nên tập trung vào thị trường khách cao cấp, có khả năng chi trả cao.
THÚY HÀ