A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ VHTTDL kêu gọi sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường

VHO- Hội thảo khoa học- Triển lãm về Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường trong các cơ sở lưu trú và các khu, điểm du lịch khu vực miền Nam vừa được Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) phối hợp với Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) tổ chức tại TP.HCM.

Ông Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) phát biểu tại hội thảo

Những năm gần đây, Du lịch Việt Nam phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt về tăng trưởng khách quốc tế. Năm 2018, Việt Nam đón được gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 19,9% so với năm 2017. Trong 10 tháng đầu năm 2019, lượng khách quốc tế đến đạt hơn 14,5 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng số lượng khách du lịch cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, cần được cải thiện. Ông Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh: “Hiện nay, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững là những vấn đề cấp thiết. Vì vậy, Hội thảo này được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường nói chung, về sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường nói riêng trong các cơ sở lưu trú và khu, điểm du lịch. Đồng thời làm rõ thực trạng sử dụng sản phẩm, công nghệ tại các cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch hiện nay tại khu vực miền Nam. Đây cũng là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và những khuyến nghị của cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch về sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững”.

Nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường tại các khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam

Tại hội thảo, ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Khách sạn cho biết: “Các điểm du lịch của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức về chất lượng dịch vụ, bảo vệ môi trường”.

Theo nghiên cứu của Vụ Khách sạn (TCDL), cơ sở lưu trú du lịch và khu du lịch đang là đối tượng tiêu thụ nhiều năng lượng, vật liệu, nguyên liệu liên quan đến cấu trúc bền vững của môi trường như điện, nước, thực phẩm, đồ uống và hóa chất...

Số lượng cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam tính đến tháng 8.2019 khoảng 29.700 với 633.000 buồng, tăng 32 lần về số cơ sở và 18 lần về số lượng buồng phòng so với năm 2000. Có 7 loại  hình lưu trú gồm:  khách sạn, tàu thủy lưu trú du lịch, biệt thư du lịch, căn hộ du lịch, nhà nghỉ du lịch, homestay, bãi cắm trại du lịch; phân bổ ở tất cả các tỉnh thành trong toàn quốc. Trong đó, khu vực duyên hải có tốc độ phát triển nhanh nhất về cơ sở lưu trú du lịch và khu du lịch.

Sự phát triển này một mặt đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch nhưng mặt khác cũng gây áp lực lớn lên hạ tầng và tài nguyên, một số nơi đã xảy ra tình trạng thiếu nước, thiếu điện cục bộ, lượng chất thải lớn không được xử lý kịp thời gây ô nhiễm… Trong thời gian tới, các cơ sở cần kiểm soát chặt chẽ và giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu, áp dụng các công cụ thiết thực để bảo vệ môi trường. Đồng thời cập nhật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm một cách rộng rãi cho cán bộ quản lý và người lao động trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch và khu du lịch nhằm thực thi chính sách môi trường, phát triển bền vững hiệu quả và thiết thực.

Ngành Du lịch phát động nhiều chiến dịch hạn chế sử dụng rác thải nhựa, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường

Hội thảo đã tập trung làm rõ Bối cảnh và xu hướng phát triển bền vững; Những cơ hội, thách thức và yêu cầu đặt ra cho cơ sở lưu trú du lịch và khu du lịch Việt Nam; Các vấn đề về môi trường tại cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch; Nghiên cứu các sản phẩm thân thiện với môi trường trong phòng tắm, phòng ngủ, bếp, nhà hàng; Nghiên cứu các sản phẩm, công nghệ làm sạch theo hướng bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, xử lý chất thải trong cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch; Công nghệ quản lý cơ sở lưu trú du lịch theo hướng bền vững; Nhận diện cơ sở lưu trú du lịch thân thiện với môi trường thông qua các chứng nhận nhãn du lịch bền vững, nhãn xanh, chứng nhận tiết kiệm năng lượng...

Hội thảo chia làm 3 phần với 12 tham luận, bao gồm: 1. Nhãn hiệu khách sạn xanh ASEAN và kinh nghiệm bảo vệ môi trường trong các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam (Khách sạn xanh ASEAN; Kinh nghiệm bảo vệ môi trường trong khách sạn); 2. Công nghệ quản lý thân thiện với môi trường (Phần mềm Quản lý cơ sở lưu trú du lịch I Hotel; Hiệu quả năng lượng và giải pháp Eco FRIENDLY SUPER TOWER INDUSTRY; Giải pháp quản lý hệ thống tòa nhà; Giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp; Năng lượng sạch và bền vững  Solahart ); 3. Các sản phẩm thân thiện với môi trường (Sản phẩm tiết kiệm nước Neoperl; JIKO HEAT PUMP – Máy nước nóng năng lượng nhiệt không khí thông minh; Rác thải nhựa và sản phẩm thay thế từ dừa; Điện quang tiết kiệm năng lượng để tương lai tươi sáng; Sản phẩm làm sạch không khí, nước).

Các sản phẩm trưng bày tại Triển lãm

Bên lề hội thảo, các đại biểu đã tham quan Triển lãm giới thiệu các tài liệu, ấn phẩm, hình ảnh, các sản phẩm, công nghệ mới liên quan đến vấn đề sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, tiết kiệm năng lượng - tài nguyên, giảm thiểu chất thải trong hoạt động của cơ sở lưu trú và khu, điểm du lịch.

THU NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...