A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần có quy chế quản lý kinh doanh condotel chặt chẽ, sát thực tế

VHO- Tổng cục Du lịch vừa tổ chức Hội thảo Quản lý kinh doanh căn hộ du lịch, biệt thự du lịch và căn hộ khách sạn- Một số vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước để lấy ý kiến của các Bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện dự thảo Quy chế quản lý, kinh doanh căn hộ du lịch, biệt thự du lịch và căn hộ khách sạn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh trong phát biểu khai mạc nhấn mạnh: “Những năm gần đây, du lịch Việt Nam có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ. Hình ảnh điểm đến Việt Nam được nâng cao, tác động mạnh và lan tỏa tới nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó đặc biệt kích thích làn sóng đầu tư vào bất động sản du lịch nói chung và hình thức căn hộ, biệt thự hoạt động theo mô hình condotel nói riêng”

Condotel là khái niệm được hình thành từ căn hộ chung cư (condominium gọi tắt là condo) có gắn với kinh doanh lưu trú du lịch (hotel), ghép giữa từ condo và hotel. Condotel được hiểu đơn giản là căn hộ khách sạn, là sự kết hợp giữa căn hộ và khách sạn, là một khách sạn có bếp để nấu nướng và các vật dụng khác có thể sử dụng cho kỳ nghỉ dài. Condotel hoạt động giống như khách sạn thông thường nhưng mỗi phòng lại do một cá nhân sở hữu thay vì chủ sở hữu chung như khách sạn.

Dù mới du nhập vào Việt Nam nhưng với những ưu điểm, các cơ sở lưu trú du lịch dạng condotel đang phát triển rất nhanh do nhu cầu đầu tư bất động sản của các nhà đầu tư cá nhân, nhu cầu nghỉ dưỡng tại condotel của các nhà đầu tư thứ cấp cũng như nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch trong và ngoài nước. Dự báo trong thời gian tới, sức hấp dẫn về đầu tư vào các loại hình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ khách sạn hay các khu phức hợp giải trí tại các trung tâm du lịch tiếp tục tăng.

Kinh doanh Condotel mới xuất hiện nhưng thu hút rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp ở Việt Nam

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới mẻ này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đối với hoạt động quản lý nhà nước và du lịch. Chính phủ cũng đã giao cho các Bộ, ngành nghiên cứu về việc quản lý kinh doanh loại hình condotel, trong đó Bộ VHTTDL được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, Ngành xây dựng Quy chế quản lý, kinh doanh căn hộ du lịch, biệt thự du lịch và căn hộ khách sạn.

Tại hội thảo, các đại biểu, diễn giả, chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh loại hình lưu trú condotel đã chia sẻ, thảo luận những vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý, kinh doanh condotel tại Việt Nam và thế giới.

Những ý kiến phù hợp tại Hội thảo sẽ được Tổng cục Du lịch tiếp thu trong quá trình hoàn thiện Quy chế quản lý, kinh doanh căn hộ du lịch, biệt thự du lịch và căn hộ khách sạn nhằm mục đích đưa Quy chế sát hơn với thực tiễn.

Một số nghiên cứu cho rằng condotel xuất hiện khoảng những năm 1980 tại Mỹ. Hiện nay tại Mỹ các thương hiệu lớn trong ngành kinh doanh bất động sản thường xây dựng những dự án condotel ở các vị trí đẹp tại khu nghỉ dưỡng, địa điểm du lịch hoặc trung tâm thành phố… Hình thức kinh doanh condotel hiện đã phát triển ở trên 100 quốc gia trên thế giới.

Các dự án condotel xuất hiện nhiều ở các trung tâm lớn

Ở Việt Nam, condotel được sử dụng với khái niệm là “căn hộ khách sạn”, “căn hộ nghỉ dưỡng”. Tòa tháp Nha Trang Plaza là sản phẩm condotel đầu tiên. Dự án được hoàn thành vào năm 2009 với quy mô 40 tầng, có 240 căn hộ đạt chuẩn 5 sao, tọa lạc trên diện tích 35.000m2. Theo Savills châu Á – Thái Bình Dương, phân khúc condotel tiếp tục tiếp nhận làn sóng lớn nguồn cung chủ yếu tập trung tại Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hồ Tràm (Vũng Tàu), Hạ Long, Quảng Nam và tại nhiều đô thị lớn. Các dự án condotel đã và đang tạo ra diện mạo mới cho thị trường bất động sản nói riêng và ngành Du lịch Việt Nam nói chung, đặc biệt là phân khúc cao cấp.

Bên cạnh những lợi ích, đối với loại hình này cũng cho thấy còn một số hạn chế về công tác quản lý, nguồn khách và xu hướng bão hòa…

Các tham luận trình bày tại Hội thảo như Nghiên cứu về sở hữu ngôi nhà thứ hai nói chung, về khách sạn căn hộ và loại hình chia sẻ kỳ nghỉ nói riêng; Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của khách sạn căn hộ và chia sẻ kỳ nghỉ tại Việt Nam; Kinh nghiệm quản lý căn hộ khách sạn, hình thức chia sẻ kỳ nghỉ của một số nước và bài học cho Việt Nam, Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, kinh doanh khách sạn căn hộ và chia sẻ kỳ nghỉ tại Việt Nam; Dự thảo Quy chế, kinh doanh căn hộ du lịch, biệt thự du lịch và khách sạn căn hộ; Khái niệm, lịch sử hình thành và một số đề xuất về quản lý, kinh doanh, vận hành căn hộ khách sạn… đã phân tích, làm rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong việc quản lý và phát triển loại hình căn hộ khách sạn; đồng thời đề xuất những giải pháp vừa tuân thủ quy định của nhà nước, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh loại hình lưu trú này phát triển.

ANH VŨ- THU THỦY


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...