A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần thêm các chính sách hỗ trợ để du lịch vượt qua “sóng gió”

VHO- Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch khi dịch Covid-19 một lần nữa bùng phát trở lại; tránh đứt đoạn, ảnh hướng đến chuỗi liên kết và tạo điều kiện cho việc hồi phục nhanh các hoạt động của ngành Du lịch trong thời gian tới, ngày 7.8, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch”

Lần đầu tiên Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, các Phó tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung, Hà Văn Siêu, Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Lê Phúc chủ trì Hội nghị tại 2 điểm cầu Hà Nội (80 Quán Sứ, Hà Nội). Tham dự Hội nghị có Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Khách sạn Vũ Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) Vũ Thế Bình, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, đại diện lãnh đạo Vingroup, Sun Group, Tổng Công ty DL Hà Nội, Flamingo, Mường Thanh, Saigon Tourist, Vietravel, TST Tourist đại diện lãnh đạo các hãng Hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, dịch vụ du lịch lớn. Rất nhiều các điểm cầu khác trên cả nước với sự tham gia của các Sở quản lý Du lịch, Hiệp hội du lịch địa phương như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Vĩnh Long...

Khó khăn chồng chất khó khăn

Du lịch mới chỉ bắt đầu có tín hiệu khá lạc quan sau 3 tháng “đóng băng” vì dịch bệnh Covid-19 thì đợt dịch lần 2 bùng phát trong cộng đồng tại Đà Nẵng và một số tỉnh/thành đã gây tâm lý e ngại, khiến rất nhiều khách du lịch hủy tour, hủy dịch vụ du lịch không chỉ đến khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa có người nhiễm dịch. Nhiều điểm tham quan, khu du lịch, tạm dừng các dịch vụ vui chơi giải trí… nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, người dân. Một số địa phương chỉ đạo doanh nghiệp du lịch không tổ chức tour, không đón người đến/ đi từ vùng có người mắc bệnh; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đi đến vùng dịch, không đi du lịch ngoại tỉnh… doanh nghiệp du lịch đã khó khăn, nay càng thêm khó khăn.

Phát biểu khai mạc, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp du lịch có thể nói là chịu ảnh hưởng kép khi dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Các hãng hàng không, các doanh nghiệp khách sạn, các nhà đầu tư dịch vụ du lịch vừa trải qua giai đoạn khó khăn, có cơ hội khôi phục một phần dịch vụ lại tiếp tục đối mặt với những thách thức, thậm chí lần này còn lớn hơn lần trước. Các doanh nghiệp lữ hành cũng là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do thực trạng hủy tour một loạt của khách du lịch”.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết doanh nghiệp đang hứng chịu ảnh hưởng kép do dịch Covid-19

Tổng cục trưởng cho biết, theo phản ánh của các địa phương và doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn khi chính sách của các hãng hàng không là chỉ cho lùi tiền cọc vé mà không hoàn trả. Tiền cọc vé là một khoản tiền không nhỏ nên doanh nghiệp lữ hành đang chịu sức ép lớn, nhất là khi các doanh nghiệp vừa gánh chịu tổn thất quá lớn của đợt đầu dịch Covid-19. Trong khi đó khách du lịch hoãn, huỷ tour thì đòi hoàn tiền. Hàng không cho hoãn huỷ thời gian tối đa 180 ngày nhưng tâm lý phổ biến của khách du lịch là e ngại, không còn nhu cầu đi du lịch.

Nhận định doanh nghiệp du lịch là lực lượng nòng cốt của ngành Du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cung ứng dịch vụ có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ, cùng tạo nên sức mạnh, đóng góp vào kết quả, thành công chung của ngành Du lịch. Nếu bị yếu hoặc đứt gãy bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi liên kết này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của cả ngành Du lịch. Vì vậy, Hội nghị đã tập trung đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và nhất là tránh đứt đoạn, ảnh hưởng đến chuỗi liên kết, tạo điều kiện cho việc hồi phục nhanh các hoạt động của ngành Du lịch trong thời gian tới.

Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương cho biết: “Đến hết tháng 8.2020 tỉ lệ hủy phòng các khách sạn vào khoảng 98 - 100% ở hầu hết các địa phương. Hà Nội hủy 32.000 tour, TP.HCM hủy 35.000 tour, các doanh nghiệp lớn nhiều đoàn khách đông cũng hủy, gây ra thiệt hại lớn với doanh nghiệp”.

Để đảm bảo an toàn cho du khách, ông Nguyễn Quý Phương đề nghị các địa phương cùng đồng hành, chia sẻ những khó khăn; kêu gọi các hãng hàng không ngồi lại với các hãng lữ hành để chia sẻ, giảm thiệt hại tối đa, cũng như chuyển đổi thời điểm đi đến những vùng an toàn, thích hợp. Thời gian tới, đề nghị các địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình dịch, thực hiện mục tiêu kép; tập trung xây dựng sản phẩm mới phù hợp diễn biến dịch bệnh, như du lịch sức khỏe, xúc tiến quảng bá du lịch an toàn, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động… Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu Bộ VHTTDL các biện pháp hỗ trợ, tiếp tục giảm VAT, giảm tiền điện khách sạn, tiền thuế đất cho doanh nghiệp lưu trú, hàng không và có giải pháp cho chuỗi cung ứng chung. Đồng thời, các địa phương cùng phối hợp để người lao động trong ngành tiếp cận được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ.

Giữ để doanh nghiệp không phá sản

Từ điểm cầu Đà Nẵng, nơi đang là tâm dịch của đợt bùng phát lần 2 trong cộng đồng, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietnam Travelmart chia sẻ: Sau khi dịch bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, từ 0h ngày 28.7, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, hàng không và các bên liên quan đưa 35.000 du khách rời Đà Nẵng mỗi ngày. Hiện tại vẫn còn kẹt lại khoảng 2.000 khách tại Đà Nẵng, Du lịch Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với các hãng hàng không để vận chuyển khách về các địa phương. Trước thực trạng lượng khách hoãn, huỷ tour lớn. Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẵn sàng chung tay góp sức với các doanh nghiệp lữ hành để dàn xếp việc hoãn, hủy… cho các đoàn khách.

Hơn 20 ý kiến tại Hội nghị đều tập trung vào việc đưa ra giải pháp trước mắt và lâu dài hỗ trợ doanh nghiệp không bị phá sản và có thể vào đợt phục hồi mới

Để cứu các doanh nghiệp khỏi những nguy cơ phá sản đã đến rất gần ông Dũng đề xuất, đối với Chính phủ: Giảm 50% thuế VAT, 100% thuế thu nhập doanh nghiệp ít nhất đến hết năm 2020; tiếp tục áp dụng chính sách giảm chi phí lớn điện, nước, viễn thông (chính sách này đã dừng vào 30.6, sau khi hỗ trợ doanh nghiệp trong đợt 1), ít nhất đến hết năm 2020 cho các doanh nghiệp du lịch; tiếp tục giảm sâu hơn lãi vay, giãn nợ, khoanh nợ, tạo điều kiện các khoản vay mới; điều chỉnh điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ như gói cho vay 62.000 tỉ đồng vì nếu điều kiện như trước đây gần như không doanh nghiệp nào tiếp cận được, dù đã làm hồ sơ nhiều lần; hỗ trợ cho người lao động có đóng bảo hiểm xã hội đến thời điểm này…Đề xuất với Tổng cục Du lịch nghiên cứu cơ chế về giảm khoản tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành...

Có tới 20 ý kiến phát biểu tại hội nghị đều tập trung vào việc đưa ra các giải pháp để giải quyết vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ngoài ra còn có những đề xuất hữu hiệu với Tổng cục Du lịch để tham mưu Bộ VHTTDL trình Chính phủ nhằm sớm giúp doanh nghiệp vượt qua “sóng gió” do ảnh hưởng của đại dịch.

Hiện nay, doanh nghiệp lữ hành gặp vô vàn khó khăn trong việc hoàn, hủy, đổi tour do là đơn vị trung gian. Tuy nhiên, các hãng Hàng không đã chia sẻ khó khăn giảm áp lực cho các doanh nghiệp lữ hành, các tập đoàn đầu tư, khách sạn, cơ sở lưu trú… tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo quyền lợi cho du khách thể hiện sự đoàn kết để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Rất nhiều đầu cầu trên cả nước tham gia Hội nghị

Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu với Bộ VHTTDL kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó tập trung chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay ưu đãi, gia hạn thuế VAT, thuế TNDN, tiền thuê đất, giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú…

 Về phương án phục hồi thời điểm sau dịch, nhiều ý kiến tích cực được đưa ra như chương trình kích cầu giai đoạn 2, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh để khi phát động các địa phương cùng hưởng ứng, tạo thành chương trình tổng hợp.

Trước mắt, ưu tiên số 1 là Sở quản lý du lịch các địa phương, nhất là các nơi chưa có dịch cần tiếp tục theo dõi tình hình dịch, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, du khách. Các Sở quản lý, các doanh nghiệp hàng không, vận chuyển, lưu trú cần bắt tay giải quyết vấn đề trước mắt như hoãn, hủy tour, cần có sự chung tay chia sẻ vì mục tiêu lâu dài, phát huy ưu thế của ngành kinh tế tổng hợp.

Các hiệp hội địa phương vận động các doanh nghiệp chung tay xử lý, giải quyết các sự cố phát sinh thời gian qua, các hãng hàng không có chính sách linh hoạt, không phạt, xem xét hoàn tiền cho các doanh nghiệp lữ hành; doanh nghiệp lữ hành cần thuyết phục khách hàng cảm thông, chia sẻ.

Thời gian tới, tiếp tục thực hiện vừa chống dịch hiệu quả, vừa chuẩn bị các kịch bản đón khách quốc tế khi đủ điều kiện.

THÚY HÀ, ảnh NHÂM HIỀN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...