A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự thảo Nghị định về mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia: Đề xuất mô hình thống nhất

VHO-  Khu du lịch quốc gia (KDLQG) đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam, đặc biệt trong việc khai thác tài nguyên du lịch, hình thành sản phẩm đặc thù có vai trò định hướng, dẫn dắt phát triển du lịch của vùng và cả nước.

Hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt, Lâm Đồng Ảnh: ANH TUẤN

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khu, điểm du lịch nói chung và các KDLQG nói riêng, Bộ VHTTDL đã xây dựng dự thảo Nghị định về mô hình quản lý KDLQG và lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Lúng túng trong việc quản lý và phát triển

Hiện tại, theo quy hoạch, cả nước có 49 địa điểm tiềm năng phát triển KDLQG. Trong đó, có 28 địa điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể KDLQG; 6 địa điểm được công nhận là KDLQG.

Tại Khoản 2, Điều 29 Luật Du lịch giao Chính phủ quy định mô hình quản lý KDLQG, nhưng sau gần 4 năm thực hiện Luật Du lịch, Chính phủ vẫn chưa quy định nội dung này. Do đó, hiện nay đang tồn tại nhiều cách thức quản lý khác nhau và không thống nhất, gây khó khăn và lúng túng trong việc quản lý và phát triển KDLQG. Một số khu đã thành lập Ban Quản lý (BQL), trong đó, một số BQL là các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực thuộc Bộ VHTTDL hoặc UBND cấp tỉnh, một số khác là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp tỉnh, các Sở chuyên ngành hay UBND cấp huyện. Nhiều khu lại chưa thành lập BQL do UBND cấp huyện và cấp xã quản lý trực tiếp.

Mô hình BQL có nhiều thuận lợi trong công tác quản lý, vì đây là cơ quan hành chính, làm đầu mối quản lý trực tiếp và toàn diện KDLQG với đầy đủ thẩm quyền như cấp giấy phép, quản lý, giám sát hoạt động các nhà đầu tư. Tuy nhiên, lại chưa thuận lợi cho công tác quản lý lĩnh vực chuyên ngành vì các cơ quan chuyên môn của tỉnh không có thẩm quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của BQL. Các BQL chưa quan tâm phát triển du lịch vì phải quản lý nhiều lĩnh vực khác nhau, bên cạnh đó, do sự thay đổi quy định của Luật Đất đai và Luật Đầu tư nên BQL trực thuộc Bộ VHTTDL không còn đủ thẩm quyền để thực hiện một số nhiệm vụ đã được giao.

Nếu BQL là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp tỉnh thì BQL được quyền thu phí tham quan và tiếp nhận một số nguồn thu khác theo quy định mà cơ quan hành chính không được phép thực hiện; một số BQL có nguồn thu ổn định, có thể tự chủ về tài chính, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hạn chế là có nhiều chủ thể cùng quản lý (gồm BQL, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã); số lượng biên chế và ngân sách hạn chế, đặc biệt đối với các BQL không có nguồn thu; các KDL có diện tích rộng, có cộng đồng địa phương cùng sinh sống, BQL không có đầy đủ thẩm quyền nên công tác quản lý chưa hiệu quả...

Cần có Nghị định về mô hình quản lý KDLQG

Vì vậy, cần phải ban hành Nghị định về mô hình quản lý KDLQG để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khu, điểm du lịch nói chung và các KDLQG nói riêng. Tuy nhiên, việc xây dựng Nghị định cũng gặp một số khó khăn vì sự đa dạng về tài nguyên du lịch cũng như chủ thể quản lý của các KDLQG khác nhau, các địa điểm tiềm năng phát triển KDLQG cũng ở nhiều địa bàn nên khó có thể quy định một mô hình quản lý chung, thống nhất cả nước. Bên cạnh đó, việc thành lập mô hình quản lý KDLQG cũng phải thực hiện quy định về tinh gọn bộ máy, biên chế và giảm đầu mối. Do đó, Bộ VHTTDL đã đề xuất xây dựng Nghị định khung về mô hình quản lý KDLQG. Trong đó, chỉ rõ nội dung, trách nhiệm quản lý KDLQG, chức năng, nhiệm vụ của BQL, việc thành lập và quan hệ phối hợp công tác. Các địa phương có thể căn cứ tình hình thực tế lựa chọn mô hình quản lý KDLQG, đảm bảo hiệu quả và phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Dự thảo Nghị định được kết cấu gồm 3 chương và 14 điều.

Theo dự thảo Nghị định, Điều 4, Khoản 1 quy định: Đối với KDLQG do doanh nghiệp đầu tư hình thành, UBND cấp tỉnh không thành lập BQL. Doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để quản lý KDLQG theo quy định và pháp luật có liên quan. Điều 4, Khoản 2 quy định: Đối với KDLQG không do doanh nghiệp đầu tư hình thành, UBND cấp tỉnh thành lập hoặc tổ chức lại BQL là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp tỉnh. Đối với KDLQG có ranh giới trong hoặc trùng với ranh giới vườn quốc gia, khu di tích đã có BQL chuyên ngành, UBND cấp tỉnh xem xét thành lập BQL KDLQG hoặc tổ chức lại BQL chuyên ngành theo quy định tại Khoản 2 để BQL thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý KDLQG theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan tới lĩnh vực chuyên ngành đối với vườn quốc gia và khu di tích. Đối với KDLQG có tài nguyên được tổ chức thế giới công nhận, ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Nghị định này, BQL KDLQG phải thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan tới các quy định, cam kết của tổ chức thế giới mà Việt Nam tham gia. Đối với KDLQG nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, UBND cấp tỉnh thành lập BQL KDLQG trong phạm vi lãnh thổ quản lý và thống nhất với tỉnh còn lại ban hành quy chế phối hợp để quản lý và khai thác KDLQG. Đối với KDLQG do các Bộ quản lý: Việc thành lập BQL KDLQG, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động và cơ chế phối hợp với các cơ quan liên quan do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề án thành lập của Bộ chủ quản.

BQL KDLQG được thành lập hoặc tổ chức lại sau khi KDLQG được Bộ VHTTDL công nhận để quản lý một hoặc nhiều khu du lịch quốc gia trên địa bàn 1 đơn vị hành chính cấp tỉnh. BQL KDLQG có chức năng quản lý và phát triển khu du lịch quốc gia. Bên cạnh đó có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng trình UBND cấp tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển KDLQG dài hạn, trung hạn, hằng năm và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; các chủ trương, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào KDLQG, các chương trình, dự án đầu tư phát triển trong KDLQG; tham gia ý kiến đối với các dự án đầu tư trong phạm vi KDLQG; giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư đã được phê duyệt đảm bảo đúng quy hoạch... 

 Nghị định về mô hình quản lý KDLQG được xây dựng với mục đích đề xuất một mô hình BQL thống nhất tại các KDLQG, trong đó tăng cường phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố trong việc thành lập Ban quản lý KDLQG, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý KDLQG theo quy định của pháp luật.

(Ông NGUYỄN TRÙNG KHÁNH, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch)

 

NGUYỄN ANH


Tags: Du lịch
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip
Xem trước Hyundai Grand i10 sắp về VN, Ford Maverick gặt 80 nghìn đơn sau 1 tháng ra mắt