A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội vàng để du khách trải nghiệm dịch vụ cao cấp, doanh nghiệp du lịch vực dậy kinh doanh

VHO- Nêu thực trạng du lịch Việt Nam, khó khăn của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 và đề xuất giải pháp để chương trình kích cầu nội địa thực sự đi vào đời sống, vực dậy ngành Du lịch, sáng 10.6, tại Hà Nội, báo Tiền Phong phối hợp với Tổng cục Du lịch (TCDL) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Thời điểm vàng kích cầu du lịch hậu Covid-19”.

Toạ đàm Thời điểm vàng kích cầu du lịch hậu Covid-19. Ảnh: MẠNH THẮNG

Tại toạ đàm, đại diện TCDL, các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch, hàng không đã cùng nhau mổ xẻ, phân tích thiệt hại của ngành Du lịch, của doanh nghiệp du lịch và của cả người dân- những khách du lịch tiềm năng- sau đại dịch chưa từng có trong lịch sử.

Ông Phùng Công Sưởng, Phó tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết: “Đại dịch Covid-19 càn quét nền kinh tế toàn cầu, trong đó, Việt Nam không ngoại lệ. Ngành Du lịch toàn cầu cũng như Việt Nam chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. Doanh thu du lịch lữ hành của Việt Nam 5 tháng đầu năm giảm 54,1% so với cùng kỳ năm trước. Con số biết nói này phần nào phản ánh sự tàn phá ghê gớm của đại dịch. Tuy nhiên, chiến thắng của Covid-19 vừa qua chứng tỏ tinh thần và ý chí Việt Nam”.

Du lịch Việt Nam đang trên đà vực dậy từ những tổn thất to lớn ấy, chắc chắn được truyền cảm hứng từ ý chí quật cường dân tộc, từ lòng tự tôn khi từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các Bộ, ngành chung tay thực hiện chiến dịch kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam du lịch Việt Nam”.

“Qua gần một tháng phát động, bức tranh du lịch trong nước từ u ám dần chuyển sang gam màu tươi sáng hơn. Các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, lưu trú, vận tải, dịch vụ ăn uống dần dần phục hồi hoạt động, du khách bớt e dè khi quyết định đi du lịch. Dù chưa thể trở lại ngay như mức tăng trưởng hai con số của năm ngoái hay trước khi bùng phát dịch, thế nhưng đây là tín hiệu đáng mừng để đưa Du lịch Việt Nam trở lại “đường ray”, tận dụng được cơ hội vàng để vực dậy và phát triển bền vững”, ông Sưởng nói.

Khách nội địa đã bắt đầu đông trở lại nhưng chỉ ở một vài điểm nổi tiếng và chưa thể bằng cùng kỳ năm trước

Trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên thế giới, việc Việt Nam đạt thắng lợi lớn trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 sẽ là thời cơ để chúng ta bứt phá mạnh mẽ, dần đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường. Các doanh nghiệp cũng đã tích cực, chủ động tham gia vào chương trình kích cầu, đưa ra các gói ưu đãi giảm giá thu hút khách hàng.

Nhận định về cơ hội phục hồi sau dịch Covid-19 của Du lịch Việt Nam, đặc biệt là sự khôi phục của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng TCDL cho biết: “Trong 5 tháng qua, ảnh hưởng và thiệt hại của ngành Du lịch do dịch Covid-19 là tồi tệ nhất trong lịch sử. Khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt giảm 54% so với năm ngoái, lượng khách nội địa giảm 58%. 95% công ty lữ hành quốc tế nội địa dừng hoạt động trong thời điểm dịch diễn ra”.

“Để đưa ngành Du lịch thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, Bộ VHTTDL đã phát động chương trình “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” để kích cầu du lịch nội địa. Dự báo, từ nay đến cuối năm, khách nội địa đạt khoảng 60- 65triệu lượt. Nếu có đủ điều kiện, có thể đón khách quốc tế từ quý III thì lượng khách quốc tế năm 2020 có thể đạt từ 6-8 triệu lượt; nếu đón khách quốc tế từ quý IV, có thể đón được 4-4,5 triệu lượt”, ông Phúc cho biết thêm.

Không phải chỉ ở Việt Nam, chưa bao giờ trong lịch sử nền du lịch quốc tế gặp phải khủng hoảng như hiện nay. Theo thống kê và dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng khách du lịch toàn cầu năm 2020 có thể giảm 58-78%, tương đương với thiệt hại 900- 1.200 tỉ USD, cao hơn rất nhiều thiệt hại trong những đợt khủng hoảng năm 2003 và 2009.

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), thành viên Ban IV, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh Trần Trọng Kiên đánh giá: “Với việc tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt như hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển du lịch trở lại. Trong doanh thu từ ngành Du lịch năm 2019, 18 triệu khách quốc tế nhưng lại chiếm tới 55% tổng doanh thu của Du lịch Việt Nam, trong khi đó, 85 triệu lượt khách nội địa chỉ chiếm 45% doanh thu. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh trên toàn thế giới diễn biến căng thẳng hiện nay, khách du lịch nội địa và khách du lịch Việt Nam có nhu cầu đi nước ngoài sẽ là cứu cánh và tạo cơ hội vàng để ngành Du lịch hồi phục”.

Theo một số khảo sát của TAB, những khách hàng du lịch Việt Nam có xu hướng thay đổi hơn trước: Người Việt Nam thường đi du lịch với đoàn nhỏ, nhóm gia đình, bạn bè; Thích đi biển, leo núi, những địa điểm hoang dã hơn là những thành phố, khu dân cư. Khách đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn, các chương trình khuyến mãi, giảm giá, giá trị gia tăng. Người Việt đã có thói quen đặt tour, đặt vé máy bay, các địa điểm nhà hàng  qua ứng dụng công nghệ…. Nắm bắt được những xu hướng thay đổi này, Du lịch Việt Nam cũng cần thay đổi để phù hợp hơn với khách hàng. Đây sẽ là cơ hội rất lớn mở ra cho du lịch nội địa nếu phục vụ được sẽ tạo được thói quen du lịch mới và tạo việc làm cho hàng triệu người đang phục vụ trong ngành Du lịch...

Đại diện một trong những tập đoàn đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí lớn nhất Việt Nam, bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc kinh doanh tập đoàn SunGroup cho biết: Thiệt hại của chúng tôi sau dịch Covid-19 là vô cùng lớn. Hàng loạt các khu nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí hàng đầu Việt Nam ở Hạ Long, Đà Nẵng, Sa Pa, Phú Quốc… phải đóng cửa, 11.000 lao động của chúng tôi bị ảnh hưởng, nhân viên nghỉ việc luân phiên. Chỉ trong vài tháng chúng tôi đã mất tới 3 triệu lượt khách và dự kiến đến cuối năm nay sẽ mất 8 triệu lượt khách. Gần như không còn khách quốc tế nào. Sau thời gian giãn cách xã hội, hệ thống của chúng tôi đã mở cửa trở lại nhưng chỉ tập trung phục vụ khách nội địa và đạt khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm 2019.

Bàn về chiến lược và chính sách cụ thể để đón sóng du khách nội địa trong đợt kích cầu nội địa lần này, bà Trần Thị Nguyện cho biết: “Đây là giai đoạn này thị trường nội địa là giải pháp duy nhất cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân bị ảnh hưởng thu nhập nên cũng thắt chặt hầu bao hơn, ngành Du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi các doanh nghiệp cùng hợp tác với nhau để tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ và giá cả. Do vậy, Sungroup không chỉ chủ động đưa ra các chương trình kích cầu mà còn hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp khác trong ngành để cùng “kết bè vượt bão”, tạo nên những chương trình kích cầu có mức giá hấp dẫn ở Sa Pa, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long... Sắp tới, chúng tôi đang hợp tác với Vietnam Airlines để tung ra các gói kích cầu có giá hấp dẫn nhất từ trước đến nay với chất lượng sản phẩm tốt, dự kiến ra mắt từ giữa tháng 6.2020”

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Lê Phúc đánh giá cao sự đồng lòng, nhất trí của các Bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp để cùng kích cầu, vực dậy ngành Du lịch. “Chúng tôi sẽ cùng các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương giám sát làm sao tạo ra cơ chế, chính sách, bám sát hành lang chung; đề xuất Chính phủ những giải pháp thuận lợi để doanh nghiệp có thể vận hành tốt nhất, tháo gỡ kịp thời các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông về điểm đến Việt Nam an toàn”, ông Nguyễn Lê Phúc nói.

THUÝ HÀ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...