Quảng bá “đảo lộng lẫy” Sri Lanka tới doanh nghiệp du lịch Việt Nam
Hội thảo trực tuyến giới thiệu du lịch Sri Lanka tới doanh nghiệp du lịch Việt Nam
Tham dự chương trình có Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam Prasanna Gamage, Quyền Giám đốc của Ủy ban Xúc tiến Du lịch Sri Lanka Madhubani Perera, Giám đốc Thị trường (Ủy ban Xúc tiến Du lịch Sri Lanka) Dushan Wickramasuriya, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cùng đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Sri Lanka, đại diện các công ty du lịch Sri Lanka, doanh nghiệp du lịch và báo chí Việt Nam.
Ở Nam Á, đảo quốc nhiệt đới Sri Lanka có lịch sử hình thành lâu đời, nơi mà Phật giáo nguyên thủy vẫn còn nảy nở và nơi vẻ đẹp của thiên nhiên vẫn còn phong phú, hoang sơ.
Rất ít nơi trên thế giới có thể mang đến cho du khách sự kết hợp tuyệt vời giữa cảnh quan tuyệt đẹp, những bãi biển hoang sơ, di sản văn hóa quyến rũ và những trải nghiệm độc đáo trong một địa điểm nhỏ gọn như vậy. Trong diện tích vỏn vẹn 65.610 km, có 8 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận; 1.330 km đường bờ biển với phần lớn là bãi biển hoang sơ; 15 công viên quốc gia trưng bày sự phong phú của động vật hoang dã, gần 500.000 mẫu điền trang trà tươi tốt, 250 mẫu vườn bách thảo, 350 thác nước , 25.000 vùng nước, cho một nền văn hóa kéo dài gần 3.000 năm.
Sri Lanka còn được gọi là một hòn đảo có tỉ lệ kỳ diệu, từng được gọi là Serendib, Taprobane, Hòn ngọc Ấn Độ Dương và Ceylon.
Đến Sri Lanka, du khách được chào đón bằng một cử chỉ và nụ cười ân cần và một lời chúc cho một cuộc sống lâu dài và hạnh phúc: “Ayubowan, Wanakkam!”
Núi đá sư tử Sigiriya nổi tiếng của Sri Lanka- công trình kiến trúc cổ đại có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, khảo cổ học được UNESCO công nhận Di sản Thế giới vào năm 1982.
Nằm ở một vị trí có lợi thế về mặt chiến lược ở Ấn Độ Dương, ở mũi của tiểu lục địa Ấn Độ, “đảo lộng lẫy” Sri Lanka có rất nhiều màu xanh và hệ động thực vật đa dạng, một nền văn hóa phong phú và lịch sử gần 3.000 năm.
Người Hy Lạp và La Mã biết nơi đây như thiên đường “Taprobane” bằng cụm từ nổi tiếng “100 dặm từ thiên đường”, người Ả Rập biết đến nơi đây là “Serendib” và châu Âu là “Ceilao”, Ceylon. Người dân nơi đây gọi là Sri Lanka và khẳng định đây là một hòn đảo đáng để khám phá.
Trong Marco Polo du ký nói “Khi bạn rời khỏi đảo Angamanain và đi thuyền khoảng một ngàn dặm, chếch hướng Tây Nam, bạn đến đảo Seilan, là đảo tốt nhất so với các đảo cùng kích thước trên thế giới”.
Với nỗ lực đưa hoạt động du lịch trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sắp tới, ngày 24 và 26 tháng 9, Công viên Quốc gia Wilpattu sẽ đi vào hoạt động. “Couch Safari” sẽ đưa người xem vào chuyến tham quan trực tuyến động vật hoang dã tại công viên quốc gia lâu đời nhất và lớn nhất Sri Lanka, cho phép họ trải nghiệm những điều kỳ diệu của Wilpattu từ sự ngôi nhà của họ.
Đại dịch Covid-19 đã khiến kế hoạch du lịch của nhiều du khách cũng như người dân Sri Lanka bị hoãn vô thời hạn. Du lịch Sri Lanka và Cục Bảo tồn và Động vật hoang dã cùng với Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ) GmbH hợp tác đưa ra sáng kiến này với mục đích quảng bá động vật hoang dã của Sri Lanka ra thế giới và khẳng định điểm đến an toàn.
Điểm đến mới Sri Lanka đầy sức hấp dẫn
Công viên Quốc gia Wilpattu nằm cách Anuradhapura 30 km về phía Tây và được du khách trong và ngoài nước biết đến như một trong những nơi tốt nhất để xem loài báo của Sri Lanka. Đây là một trong những công viên quốc gia lâu đời nhất và lớn nhất được tuyên bố vào năm 1938, có diện tích 131.693 ha. Công viên được biết đến với di sản khảo cổ học nhưng phần lớn các bằng chứng khảo cổ học đều ẩn trong rừng rậm.
Du lịch Sri Lanka đặt mục tiêu đạt 7 triệu lượt khách du lịch và doanh thu 10 tỉ USD vào năm 2025. Đây là một nhiệm vụ đầy thách thức do tình hình đại dịch hiện nay đang tác động đến du lịch toàn cầu. Nước này đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến để đạt được mục tiêu trên và triển khai rộng rãi vào đầu năm 2022.
Năm 2018 đất nước này đón 2,3 triệu lượt khách, trong đó 18% từ Ấn Độ, đóng góp 4-5% vào GDP. Khách đến du lịch Sri Lanka rất thích các loại hình du lịch đám cưới, du lịch xem phim, du lịch thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe và đường mòn Ramayana. Hiện nay, ngành Du lịch Sri Lanka đang chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu khi mở cửa thị trường, đón du khách quốc tế trở lại.
Văn hóa độc đáo của Sri Lanka
“Mặc dù là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Nam Á, châu Âu, Mỹ, Á- Âu và châu Đại Dương nhưng dường như người Việt Nam vẫn chưa biết nhiều về hòn đảo tươi đẹp này. Năm 2018 mới chỉ ghi nhận 3.189 khách du lịch đến Sri Lanka, tốc độ tăng 20%. Tuy nhiên, du khách Việt Nam đến Sri Lanka ngày càng tăng trước đại dịch và chúng tôi mong các công ty du lịch Việt Nam sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng này sau đại dịch Covid-19”, bà Madhubani Perera, Quyền Giám đốc của Ủy ban Xúc tiến Du lịch Sri Lanka nói. Sri Lanka có khí hậu nhiệt đới, với hệ động vật hoang dã độc đáo, những bãi biển đầy nắng, phát triển mạnh du lịch chăm sóc sức khỏe, là cái nôi Phật giáo, nhiều cây xanh tươi tốt, nhiều di sản cổ, thân thiện với du khách và ẩm thực độc đáo.
Sri Lanka là hòn đảo lớn nhất thế giới với 20,8 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người 3.900 USD. Sri Lanka mang vẻ đẹp thuần túy, bền vững và đa dạng. Giám đốc Thị trường, Ủy ban Xúc tiến Du lịch Sri Lanka Dushan Wickramasuriya cho biết: “Ở đây, du khách có thể sẽ được chiêm ngưỡng bãi biển đẹp nhất thế giới Unawatuna, có thể trong 1 ngày nhìn thấy 2 loài động vật có vú lớn nhất thế giới, có thể đến thăm kinh đô cổ Anuradhapura cách thủ đô Colombo hơn 200km, tham gia nhiều lễ hội đầy màu sắc riêng diễn ra quanh năm hoặc thưởng thức những món ăn độc đáo, đặc biệt là trà. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể trải nghiệm những hoạt động du lịch thể thao hấp dẫn như: Khinh khí cầu, lượn biển, lướt sóng, lượn dù, golf… Đất nước này cũng sở hữu hệ thống y tế lâu đời và toàn diện nhất trên thế giới. Vì thế, du khách nên chọn nơi này”
Đền Răng Phật, nơi lưu giữ Xá lợi Răng Phật- bảo vật quốc gia của Sri Lanka
Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: “Việt Nam và Sri Lanka có mối quan hệ hợp tác lâu đời, năm 2020, đã đánh dấu mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch hai nước hợp tác đầu tư, giao lưu thương mại và du lịch”.
Những năm qua, du khách Việt Nam đã đi nhiều nước trên thế giới, bao gồm Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc. Với vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, hạ tầng du lịch tốt, văn hóa đặc sắc và ẩm thực phong phú, chắc chắn điểm đến mới này sẽ thu hút khách du lịch Việt Nam.
Sri Lanka là điểm đến mới, thiên nhiên tươi đẹp, không xa Việt Nam lắm nhưng chưa có đường bay thẳng nên gây trở ngại cho phát triển du lịch. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội thảo cũng rất quan tâm đến việc kết nối đường bay thẳng Sri Lanka- Việt Nam, thủ tục visa, những chính sách ưu đãi cho khách đoàn, các quy định về phòng, chống dịch đối với du khách…
Sri Lanka nổi tiếng với những sản phẩm trà
Hiện nay, Hội Lữ hành Hà Nội đang hợp tác với Đại sứ quán Sri Lanka và các Hiệp hội Du lịch Sri Lanka thúc đẩy kết nối, khảo sát, xây dựng tour du lịch cụ thể để bán cho khách Việt Nam, đồng thời nghiên cứu thu hút khách từ Sri Lanka đến Việt Nam. “Chúng tôi hy vọng rằng, với những thông tin hữu ích, đầy đủ về Sri Lanka hôm nay, các doanh nghiệp hai nước sẽ tiếp tục hợp tác và quảng bá du lịch giữa hai nước. Việc thúc đẩy trao đổi khách du lịch cũng sẽ giúp phát triển thương mại và đầu tư giữa 2 bên, kết nối đầu tư thương mại giữa Việt Nam với khu vực Ấn Độ Dương. Đồng thời, du lịch văn hóa cũng giúp thúc đẩy ngoại giao nhân dân ở một tầm cao mới”, ông Thắng nói.
THÚY HÀ