Việt Nam - điểm đến an toàn
Hội nghị thảo luận về ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của ngành Du lịch tại TP.HCM. Ảnh: Thế Phi
Tích cực truyền thông về du lịch an toàn
Theo kế hoạch, dự kiến đến hết tháng 2.2020, Tổng cục Du lịch (TCDL) thành lập 4 đoàn công tác đến một số địa phương trọng điểm về du lịch, gồm: Khánh Hòa, TP.HCM, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc, Quảng Ninh và Lào Cai nhằm nắm bắt tình hình dịch Covid-19 và hoạt động du lịch trong mùa dịch. Đoàn công tác do lãnh đạo Tổng cục làm trưởng đoàn với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị chức năng của Tổng cục Du lịch.
Các đoàn công tác sẽ làm việc với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch (HHDL), một số doanh nghiệp trên địa bàn, qua đó nắm bắt công tác triển khai phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong ngành Du lịch tại các địa phương, đồng thời lắng nghe kiến nghị, đề xuất giải pháp của địa phương; tình hình kinh doanh du lịch; khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp du lịch. Từ đó, tổng hợp đề xuất giải pháp, kiến nghị với Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp; đề xuất các giải pháp phục hồi, thúc đẩy ngành Du lịch tăng trưởng trở lại.
Ngày 20.2, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị thảo luận về ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của ngành Du lịch thành phố. Phó tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu và đoàn công tác của TCDL tham gia hội nghị này cùng Sở Du lịch TP.HCM, các doanh nghiệp du lịch, đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air...
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM: “Từ khi xảy ra tình hình dịch Covid-19, tình trạng khách hủy chương trình du lịch, vé máy bay, dịch vụ là phố biến. Theo đánh giá sơ bộ của một số doanh nghiệp lữ hành lớn trong tháng 2 và quý I.2020, ước tính doanh thu giảm 40-60%, đặc biệt những doanh nghiệp kinh doanh thị trường khách nói tiếng Trung giảm từ 70- 80%, các thị trường khác giảm hơn 10%. Với thị trường outbound (đưa khách Việt Nam đi nước ngoài) lượng khách huỷ tour khá lớn. Các cơ sở lưu trú từ 3-5 sao công suất phòng giảm từ 40-50%, doanh thu giảm 60-70% so với cùng kỳ năm 2019. Nhóm dịch vụ giảm 30-50% doanh thu. Lượng khách tại các điểm tham quan giảm 30-40%”
TP.HCM hiện nay là trung tâm du lịch lớn của cả nước với gần 1.200 doanh nghiệp du lịch (869 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 134 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 20 văn phòng đại diện của các hãng lữ hành nước ngoài). Lượng khách quốc tế đến TP.HCM năm 2019 đạt hơn 8,6 triệu lượt (chiếm khoảng hơn 40% lượng khách quốc tế đến Việt Nam).
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, ngày 9.2. Ảnh: TRẦN HUẤN
Tại Hội nghị, đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air đánh giá, tình hình kiểm soát dịch ở Việt Nam đang tiến triển rất tốt, khách du lịch đã có dấu hiệu tăng trở lại, các đối tác đang rất quan tâm về tình hình kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam để có kế hoạch mở lại đường bay sớm nhất. Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng khẳng định sẽ tích cực hưởng ứng cùng với Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp du lịch tham gia các Chương trình kích cầu, Chương trình quảng bá xúc tiến du lịch ở trong nước và quốc tế. Nhưng theo các hãng hàng không, để phát huy hiệu quả các chương trình trên thì cần có một chiến dịch truyền thông về một Việt Nam an toàn với thông điệp như “I am safe – Tôi an toàn” là việc rất cần làm trong thời điểm này.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao sự tích cực của địa phương và các doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch, nhằm đảm bảo an toàn cao nhất dành cho khách du lịch. Bây giờ là thời điểm phù hợp để ngành Du lịch tập trung phục hồi du lịch sau dịch Covid-19, Phó Tổng cục trưởng đề nghị Sở Du lịch TPHCM cần tập trung triển khai 3 chương trình sau: Chương trình truyền thông về du lịch an toàn; Chương trình kích cầu du lịch và Chương trình xúc tiến quảng bá cụ thể cho từng thị trường, chú ý phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để phát huy được hiệu quả tổng thể.
Các địa phương chủ động khôi phục hoạt động du lịch
Trước đó, ngày 19.2, đoàn công tác của TCDL do Phó tổng cục trưởng Hà Văn Siêu làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Du lịch Khánh Hòa, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cùng một số doanh nghiệp tại địa phương về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch.
Lãnh đạo TCDL khẳng định với du khách về sự an toàn của điểm đến Việt Nam. Ảnh: Xuân Thành
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ước tính, quý I năm 2020, lượng khách du lịch đến Khánh Hòa bị sụt giảm khoảng hơn 1 triệu lượt. Trong đó, khách Trung Quốc giảm 95-100% (hơn 470.000 lượt); khách quốc tế từ các thị trường khác giảm 50-70% (hơn 250.000 lượt), khách nội địa giảm 40-50% (hơn 300.000 lượt). Ước tính thiệt hại của du lịch Khánh Hòa trong quý I khoảng 9.000 tỉ đồng. Nếu dịch kéo dài đến hết quý II năm 2020, du lịch Khánh Hòa sẽ thiệt hại khoảng 17.000 tỉ đồng.
Khánh Hoà có 1 trường hợp khởi bệnh, Covid-19 từ ngày 17.1, đến nay, đã quá 30 ngày không có trường hợp nhiễm mới, đủ điều kiện để công bố hết dịch.
Phó tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao sự ứng phó của địa phương trong việc hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho khách, khống chế kiểm soát dịch kịp thời, đến nay cơ bản đã ổn định tình hình. Đồng thời đề nghị Sở Du lịch Khánh Hòa cần chuẩn bị ngay kịch bản ứng phó khôi phục thị trường du lịch sau khi hết dịch; xây dựng chương trình kích cầu du lịch cụ thể cho từng thị trường, chú ý các thị trường tiềm năng; tổ chức đón các đoàn famtrip; tăng cường tham gia các hội chợ du lịch quốc tế…
Sau khi nắm bắt tình hình ở các địa phương, ngành Du lịch sẽ kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động du lịch thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đào tạo nhân lực, visa, xúc tiến quảng bá... TCDL sẽ chủ trì làm việc với các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, nhà hàng ẩm thực để đưa ra Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam. Lãnh đạo TCDL đề nghị Khánh Hòa và các doanh nghiệp tại địa phương tích cực hưởng ứng các chương trình, hoạt động của ngành để mau chóng khôi phục thị trường; tuyên truyền rộng rãi về du lịch an toàn để du khách yên tâm đi du lịch Việt Nam.
THUÝ HÀ