A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khách

VHO- Du lịch trở lại, trong bối cảnh bình thường mới hậu Covid-19, rất nhiều thứ đã thay đổi khiến dịch vụ, sản phẩm, tư duy làm du lịch cũng phải thay đổi theo. Trong đó, cuộc đua về trải nghiệm khách hàng (CX) và xu hướng game hoá là một ví dụ.

Game hoá để tăng trải nghiệm khách hàng và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch 

Tại chương trình Open Talk với chủ đề “Từ CX đến Gamification” được tổ chức tại SOJO Hotel Ga Hanoi vào sáng ngày 24.5, các chuyên gia về du lịch, khách sạn, truyền thông đã có nhiều chia sẻ thú vị xoay quanh xu hướng gamification (game hóa) trong thiết kế trải nghiệm cho khách hàng của ngành dịch vụ khách sạn để đáp ứng nhu cầu mới của khách và xu hướng của ngành Du lịch.

Theo khảo sát mới của Visa’s Green Shoots Radar, 42%  người tham gia tin rằng họ sẽ đi du lịch để giải trí trong năm 2022. Trong khi đó, một cuộc khảo sát khác ở Mỹ cho thấy 100% người tham gia có động lực lên đường.

Sau đại dịch Covid 19, ai cũng tìm kiếm những trải nghiệm du lịch vui vẻ để hồi sinh tinh thần và tìm nguồn cảm hứng mới trong cuộc sống. Theo đó, nhu cầu du lịch của du khách hậu Covid cũng thay đổi. Họ không chỉ cần một điểm dừng chân thuận tiện mà muốn có một nơi lưu trú thú vị hơn.

“Đến khách sạn bây giờ không chỉ để ngủ và ăn, đến khách sạn là phải được chơi, được vui”, ông Lê Quốc Vinh, một trong những chuyên gia truyền thông, marketing hàng đầu Việt Nam nhấn mạnh tại buổi trao đổi “Từ CX đến Gamification”. Chương trình do chuỗi khách sạn thuận ích SOJO Hotels và Câu lạc bộ Giám đốc Sales và Marketing Việt Nam (CSMO Vietnam) tổ chức. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Vinh cho rằng để đạt được yếu tố “vui” đó, các khách sạn cần chú trọng nâng cao trải nghiệm, sáng tạo, cá nhân hóa trải nghiệm…

Trải nghiệm của khách du lịch ở Sojo- khách sạn phong cách nhất châu Á

Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khách hàng, NielsenIQ Việt Nam cũng chia sẻ kết quả khảo sát cho thấy ngày nay, có 3 yếu tố khách hàng quan tâm nhất khi đi du lịch là trải nghiệm được cá nhân hóa (82%), tiêu chuẩn an toàn cao (81%), sự riêng tư (58%). Cuộc đua trải nghiệm khách hàng trong ngành dịch vụ khách sạn vì vậy trở nên khắc nghiệt hơn, nhưng cũng hấp dẫn hơn.

“Bằng rất nhiều khảo sát, chúng tôi nhận ra rằng khách hàng có nhu cầu về một điểm đến luôn sẵn sàng chào đón họ, nơi đáp ứng vừa vặn nhu cầu - không thiếu tiện nghi nhưng cũng không được dư những tiện ích ít dùng đến. Họ cũng muốn được kết nối một cách sâu sắc và toàn diện, từ không gian đến con người và cảm xúc. Với những công dân toàn cầu, họ còn mong muốn được trải nghiệm những điều mới mẻ; muốn một cảm giác vừa gần gũi vừa khác biệt. Và họ mong chờ nơi mình ở phải có gu”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Định hình phong cách, SOJO Hotels chia sẻ.

Với chiến lược customer-centric (lấy khách hàng làm trọng tâm), SOJO Hotels tập trung nghiên cứu những trải nghiệm “đúng ý và hợp gu” và xây dựng một mô hình khách sạn thuận ích, hoàn toàn mới tại Việt Nam. Trong đó, để khách “ở là kết”, SOJO Hotels đã ứng dụng Gamification - “game hóa” trải nghiệm khách hàng và được biết đến là khách sạn đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng xu hướng này.

ANH VŨ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...