A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa Làng cổ Đường Lâm trở thành điểm du lịch tiêu biểu của Thủ đô và cả nước

VHO- Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch cấp thành phố đối với Làng cổ Đường Lâm vừa diễn ra tại xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), tối 22.11.

"Việc UBND thành phố Hà Nội công nhận Làng cổ Đường Lâm là điểm du lịch cấp thành phố đã thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước và thành phố Hà Nội đối với nhân dân thị xã Sơn Tây trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của địa phương; đồng thời, thể hiện quan điểm của Nhà nước và thành phố Hà Nội trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa có giá trị của thị xã Sơn Tây nói chung và xã Đường Lâm nói riêng", ông Nguyễn Huy Khánh, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây tự hào nói.

Đường Lâm (gòn gọi là châu Đường Lâm hay Kẻ Mía) là làng cổ ở Xứ Đoài xưa (Sơn Tây, Hà Nội ngày nay), vùng đất có chiều sâu lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm, vùng địa linh nhân kiệt- “một ấp sinh hai vua” là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Vương Quyền. Vùng này còn là nơi sinh ra bà Ngô Thị Ngọc Dung (cung phi của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng)- còn gọi là bà chúa Mía. Làng Mông Phụ có sứ thần Thám Hoa Giang Văn Minh, người đã hy sinh để bảo vệ danh dự của dân tộc….

Ngày nay, Đường Lâm là tên gọi chung của một quần thể di tích hợp nhất dân cư và diện tích của 5 thôn (Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp và Cam Lâm) với gần 1.500 hộ dân và hơn 6.000 nhân khẩu. Quần thể di tích làng cổ Đường Lâm được hình thành và phát triển trong sự gắn kết khăng khít với cuộc sống thường nhật của người nông thôn nơi đây. Quần thể ấy là thành tựu của trí tuệ, sức sáng tạo, sự giao lưu có chọn lọc và đặc biệt là việc bảo tồn, gìn giữ hồn cốt, bản sắc dân tộc Việt Nam trong những công trình kiến trúc bằng đá ong ngả màu thời gian; trong các lễ hội truyền thống, trong lịch sử, trong cuộc sống hàng ngày của người dân…

Chỉ cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Tây, nằm ở vị trí có phong thủy cực đẹp “tọa sơn vọng thủy”, lưng tựa núi Tản, mặt hướng sông Hồng. Làng cổ Đường Lâm được xem như là một kho tàng lưu giữ, chứa đựng văn hóa vật thể, phi vật thể quý báu của vùng đất cổ- trung tâm của nền văn hóa xứ Đoài.

Năm 2005, Đường Lâm được Bộ Văn hóa- thông tin (Bộ VHTTDL hiện nay) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Trong những năm gần đây, công tác phát triển du lịch tại Làng cổ Đường Lâm đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu rộng rãi về giá trị của di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng và internet.

Từ năm 2014 đến 2019, khoảng 700.000 lượt khách du lịch, trong đó có hơn 30.000 lượt khách quốc tế đã đến tham quan, trải nghiệm tại Làng cổ Đường Lâm, giúp địa phương thu phí hơn 7,5 tỷ đồng. Sự phát triển du lịch tại Làng cổ Đường Lâm cũng tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho người dân nơi đây, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời quảng bá rộng rãi hình ảnh của vùng đất chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý giá này. Việc được công nhận là điểm du lịch cấp thành phố sẽ giúp công tác quản lý và đầu tư xây dựng Làng cổ Đường Lâm phát triển bền vững, hiệu quả hơn.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: Đường Lâm là một làng Việt cổ điển hình cho sự phát triển rực rỡ của nền văn minh châu thổ sông Hồng. Thật hiếm có vùng đất nào mà dấu tích lịch sử lại dày đặc như ở Đường Lâm. Vùng đất này chính là nơi hội tụ của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Đó là những di tích lịch sử nổi tiếng, như đền Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền, đình Đoài Giáp, đình Mông Phụ, đình Cam Thịnh, chùa Mía, Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, Cổng làng Mông Phụ và hàng trăm ngôi nhà cổ có giá trị”.

Ông Ngô Văn Quý cũng đề nghị chính quyền thị xã Sơn Tây và xã Đường Lâm bảo tồn, phát huy có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của di tích - điểm đến du lịch Làng cổ Đường Lâm; xây dựng môi trường du lịch an toàn - thân thiện - mến khách; nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đề nghị điều chỉnh quy hoạch Làng cổ Đường Lâm nói riêng và quy hoạch thị xã nói chung để thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, dịch vụ, xây dựng Làng cổ Đường Lâm là điểm du lịch tiêu biểu của Thủ đô và cả nước.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này cũng lưu ý thị xã Sơn Tây thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới để đẩy mạnh bảo tồn, đầu tư, khai thác điểm du lịch này. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị di tích lịch sử, văn hóa; chương trình, kế hoạch của thành phố, thị xã về phát triển du lịch - dịch vụ để cán bộ, đảng viên và nhân dân thống nhất nhận thức đồng tình hưởng ứng thực hiện.

Bảo tồn và phát huy có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của di tích - điểm đến du lịch Làng cổ ở Đường Lâm nói riêng và của thị xã Sơn Tây nói chung; coi trọng việc giữ gìn những yếu tố riêng biệt, độc đáo của địa phương, loại bỏ các yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp trong thời đại hiện nay.

Tiếp tục tập trung xây dựng điểm đến Làng cổ ở Đường Lâm thành điểm đến đạt tiêu chuẩn cấp Quốc gia, khi xây dựng môi trường du lịch an toàn - thân thiện - mến khách và tích cự bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tại các điểm du lịch. Và cuối cùng, UBND thị xã cần chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ đề nghị điều chỉnh quy hoạch Làng cổ Đường Lâm nói riêng và quy hoạch thị xã nói chung, hướng đến rà soát và quản lý quỹ đất để thực hiện việc thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, dịch vụ của thị xã.

Trong khuôn khổ Chương trình đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch tại Đường Lâm, từ ngày 22 – 23.11 còn có một số hoạt động: Hội thảo về các giải pháp phát triển du lịch Làng cổ ở Đường Lâm; Trưng bày một số trang phục truyền thống Đường Lâm; Giới thiệu sản phẩm ẩm thực của Làng cổ; Tổ chức ngày hội các trò chơi dân gian.

TIẾN ĐẠT; ảnh: LINH TÂM, T.L


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...