Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam kết nối tuyến điểm mới: Đường Trường Sơn huyền thoại
Đoàn sẽ khảo sát các điểm đến du lịch cộng đồng mới tại huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), huyện Tây Giang (Quảng Nam), huyện Kon Kơ Tu (Kon Tum) và huyện Kbang (Gia Lai). Gần 70 thành viên là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch và phóng viên báo chí đã tham gia chương trình này.
Mặc dù thời tiết không hề thuận lợi, ảnh hưởng mưa bão nhưng đoàn vẫn cố gắng đi được đến hết những điểm khảo sát đã định và động viên bà con với những khởi đầu vô cùng mới mẻ. Xuất phát từ Hà Nội đi Huế, điểm khảo sát đầu tiên của đoàn famtrip là Làng du lịch cộng đồng Anôr (thuộc xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Đây là điểm du lịch cộng đồng do VCTC hỗ trợ bà con xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện đón khách và tập huấn, trao đổi nghiệp vụ du lịch trong suốt thời gian qua.
Tại A Lưới, đoàn khảo sát đã tham quan một số điểm tiêu biểu và khảo sát các dịch vụ du lịch ở đây như: khu quảng trường A Lưới, đồi thông, phòng trưng bày văn hóa của A Lưới về các dân tộc Pa Kô, Cơ Tu.
Sau khi trải nghiệm và tìm hiểu cuộc sống của đồng bào Pa Kô tại các làng nghề truyền thống (đan lát, làm chổi đót…), hay cách sàng gạo, giã gạo và cách thức làm bánh A Quát (bánh sừng trâu, bánh tình yêu), tại Làng cộng đồng Anôr đoàn khảo sát còn có các hoạt động trải nghiệm hết sức thú vị như: khám phá thác Anôr, trải nghiệm gội đầu bằng lá tại thác; trải nghiệm xông răng bằng thuốc lá dân gian của người Pa Kô…
Cũng ở huyện A Lưới, đoàn khảo sát đã tới Khu suối khoáng nóng A Roàng. Tại đây đoàn tìm hiểu cuộc sống đời thường của người dân tộc Tà Ôi như hoạt động làm nông, đan lát, dệt thổ cẩm; thưởng thức ẩm thực đặc sản của người Tà Ôi…
Cách đây ít ngày, cuối tháng 10, Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam VCTC đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khóa huấn luyện, đào tạo về điểm đến du lịch và phát triển du lịch cộng đồng tại Làng du lịch sinh thái A Nôr, xã Hồng Kim.
Khóa huấn luyện, đào tạo có sự tham gia của các thành viên Ban quản lý du lịch, đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới, công chức văn hóa xã Hồng Kim, đại diện các nhóm dịch vụ và homestay. Bà con đã được tập huấn, đào tạo 4 nội dung cơ bản: Đào tạo về homestay, marketing; đào tạo Quản lý và vận hành điểm du lịch, đào tạo về Hướng dẫn viên du lịch tại điểm, đào tạo về Marketing du lịch và marketing online.
Qua khóa huấn luyện đào tạo này, cộng đồng địa phương được đã học hỏi, trao đổi, chia sẻ những kiến làm du lịch cơ bản, bày tỏ mong muốn, được rèn luyện những kỹ năng để đón tiếp khách du lịch tốt hơn, góp phần hoàn thiện chất lượng điểm đến du lịch cộng đồng A Nôr, chia đều lượng khách và lợi nhuận cho cả cộng đồng cùng tham gia.
Làng A Nôr thuộc địa bàn xã Hồng Kim, huyện A Lưới cách trung tâm huyện khoảng 3km về phía Đông Bắc, nằm ở thung lũng nhỏ dưới chân Thác A Nôr thơ mộng trữ tình. Xa xưa nơi đây đã được dòng họ Kêr Pa Cô chọn là nơi an cư lạc nghiệp của dòng tộc mình. Trước kia làng có tên là Pa Non – A Nôr, sau này đổi tên thành A Nôr – Việt Tiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước làng A Nôr đã có nhiều đóng góp cho cách mạng.
Dân làng A Nôr chủ yếu là người Pa Kô, với bề dày truyền thống văn hóa còn được lưu giữ khá nguyên vẹn như lễ hội A riêu Piing, A riêu A Da, lễ hội đâm trâu, các làn điệu dân ca cổ, các tập tục trong sinh hoạt thường ngày như lễ hội tắm tiên, tát nước bắt cá, các loại trò chơi dân gian như leo cột, kéo co, cà kheo được trao truyền lại cho thế hệ sau.
Với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ cùng với những nét đặc sắc về truyền thống văn hóa Làng A Nôr đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách với loại hình du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng, du lịch di tích lịch sử cách mạng.
Tới làng du lịch cộng đồng A Nôr – Việt Tiến, du khách được chào đón bằng tiếng trống chiêng vô cùng nồng nhiệt, được nghe Già làng kể chuyện sử thi của dân tộc mình và dẫn tham quan làng, các điểm di tích lịch sử cách mạng xung quanh làng.
Đêm xuống, dưới ánh lửa bập bùng, bên nhà sàn ấm cúng, bà con A Nôr và du khách lại bên nhau uống cùng ché rượu cần thơm nồng, say sưa cùng điệu múa Ra Zooc rộn ràng, hòa theo tiếng trống chiêng, tiếng khèn bè, điệu Câr lơi ấm áp tình người.
Ở huyện Tây Giang (Quảng Nam), đoàn khảo sát sẽ tới Làng du lịch cộng đồng Ta Lang, xã Bha Lêê. Đây cũng là điểm du lịch cộng đồng do VCTC hỗ trợ. Đoàn đã đi thăm thác R’cung, trải nghiệm một ngày làm người Cơ Tu, giao lưu văn hóa ẩm thực và văn nghệ cùng người dân bản địa tại Ta Lang…
Làng du lịch cộng đồng Ta Lang nằm bên con suối Chơr Lang hiền hòa, trên trục đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Ta Lang là nơi lưu giữ rất nhiều dấu ấn văn hóa Cơ Tu, tiêu biểu như nghề chế tác và trình diễn nhạc cụ dân tộc aheen (sáo 3 lỗ), abel (đàn cò), đan lát, dệt thổ cẩm,… cùng nhiều loại hình văn hóa khác đang được cộng đồng làng giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Đây chính là kho báu của dân tộc Cơ Tu nói riêng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Nhờ những kho báu văn hóa Cơ Tu này được đánh thức, khôi phục, khai thác đúng cách kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng một cách khoa học và hiệu quả đã tạo công văn việc làm, nguồn thu nhập cho cộng đồng làng.
Làng Ta Lang được tỉnh chọn làm điểm xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng. Ở đây, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động văn hóa của đồng bào, chơi các trò chơi dân gian của người Cơ Tu như: đi cà kheo, ném vòng mây, giã gạo, bắn ná, bắt cá bằng vợt bên suối Chơr Lang; học cách làm các món ăn truyền thống, dân dã mang hương vị núi rừng như bánh sừng trâu, cơm lam, gà nướng ống tre, rau rừng...
Với những du khách ưa khám phá, khi tới làng du lịch cộng đồng Ta Lang, có thể đắm mình bên thác R’cung trắng xóa, trekking tìm hiểu 12km đường Hồ Chí Minh cũ còn lại ở Tây Giang, thăm địa đạo Axoò. Bên gươl của làng được già làng làm lễ buộc dây thổ cẩm làm lễ “Kết nghĩa với làng”, hay trải nghiệm một ngày làm già làng, làm người dân Cơ Tu vào rừng hái rau, ra đồng tuốt lúa,…
Nhưng có lẽ, thú vị nhất ở làng Ta Lang có lẽ là khi tham gia điệu múa Tung tung da dá- Vũ điệu dâng trời của đồng bào Cơ Tu. Những cô gái mềm mại, những chàng trai hùng dũng của Ta Lang sẽ thể hiện điệu múa như một cách kết nối giữa thế giới thực tại với tổ tiên, ông bà. Điệu múa này cũng thể hiện sự mạnh mẽ, khát vọng chinh phục vũ trụ và đón đợi ơn trời đất.
Những trải nghiệm vật chất lẫn tinh thần ở những làng du lịch cộng đồng này chắc chắn sẽ làm cho du khách hiểu thêm về đồng bào mình, đất nước mình.
Ngày 4.11, đoàn khảo sát tới Kon Tum, vào Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa), giao lưu cồng chiêng múa xoan của người Bahnar… Sau đó, đoàn di chuyển tới Làng du lịch cộng đồng tại làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), tham quan nhà rông truyền thống, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm và mây tre đan của dân tộc Bahnar, trải nghiệm làm bánh củ mì truyền thống…
Trong khuôn khổ chương trình famtrip sẽ diễn ra các hoạt động gala dinner “Giao lưu - Kết nối 3 miền VCTC”. Kết thúc chương trình, VCTC sẽ tổ chức tọa đàm “Kết nối điểm đến - Chia sẻ cơ hội” để các thành viên đoàn khảo sát trao đổi với cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp, đơn vị tại các địa phương nhằm kết nối các điểm đến mới, phát triển sản phẩm hiệu quả nhất và chia sẻ lợi ích từ việc phát triển du lịch cộng đồng.
NGHIÊM HÙNG; ảnh: V.C.T.C