Không chỉ du lịch Việt Nam mà du lịch cả thế giới “ngấm đòn”
Khách quốc tế đến Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục giảm trong tháng 3 và những tháng tiếp theo
Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục gây ra những đến ngành Du lịch mà đến cả những “ông lớn” trong ngành Du lịch thế giới cũng không thể chống cự nổi. Lần đầu tiên trong 54 năm qua, Hội chợ du lịch hàng đầu thế giới ITB Berlin đã phải ra thông báo hủy vào sáng ngày 29.2 (giờ Việt Nam) do dịch bệnh Covid-19 lan nhanh ra thế giới. Theo chương trình dự kiến, ITB Berlin 2020 sẽ diễn ra từ ngày 4-8.3 với sự tham gia của hơn 100.000 khách thương mại đến từ trên 180 quốc gia, vùng lãnh thổ nên việc đưa ra quyết định hủy ngày 29.2 cho thấy ban tổ chức đã cố gắng đến phút cuối cùng và rất khó khăn. Mặc dù vậy, ban tổ chức hội chợ cũng đã phải đối mặt với những chỉ trích vì quyết định hủy quá muộn. Có những doanh nghiệp du lịch hoặc đơn vị tổ chức gian hàng ở châu Á đã lên đường tới Đức để chuẩn bị hội chợ. Một số doanh nghiệp châu Âu đã thực hiện việc bán tour hoặc tham gia chươn trình du lịch nhỏ trước ngày diễn ra ITB. Vì thế, các đơn vị đã đăng ký tham gia hội chợ đang chờ tin tức về việc bồi hoàn chi phí tham gia hội chợ hoặc ngày tổ chức mới.
Các chuyên gia du lịch của Việt Nam cho rằng, tranh thủ lúc dịch bệnh đang hoành hành đây là quãng thời gian để các doanh nghiệp du lịch trong nước nhìn lại mình, tự làm mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng dịch vụ, đào tạo nhân lực, cấu trúc lại sản phẩm, chọn thời điểm thích hợp để tung ra các chương trình kích cầu.
Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin 2020 bị huỷ vào phút chót
Ví dụ như với thị trường Nga thì nên tìm tới các ông chủ thực sự người Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang thâu tóm thị trường Nga là Anex Tour, Pegas Touristik, Coral Travel, Sunmar Travel... để kích cầu, xúc tiến du lịch. Qua đó mời chào, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này đưa khách Nga tới Việt Nam vì các công ty du lịch nói trên nắm toàn bộ hệ thống phân phối bán hàng. Với thị trường châu Âu thì nên tăng cường xúc tiến quảng bá ở Đức và Anh. Đây là hai thị trường có những thói quen du lịch nghỉ dưỡng gần giống khách Nga.
Nhiều người hiện nay kỳ vọng vào việc đón được khách ở thị trường Mỹ. Kỳ vọng là rất đáng. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu và cũng là quốc gia có ngành du lịch rất phát triển. Người dân Mỹ có nhu cầu du lịch cao và thị trường tới trên 327 triệu dân này cũng luôn có số lượng người đi du lịch, chi tiêu du lịch đứng nhất nhì thế giới. Năm 2018, Mỹ đứng thứ hai thế giới về tổng chi tiêu du lịch ra nước ngoài với 144,2 tỉ USD (sau Trung Quốc). Tuy nhiên, muốn thu hút được khách từ thị trường này cũng cần phải có những sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, theo số liệu từ TCDL, trên 90% khách Mỹ đến Việt Nam từ đường hàng không, một phần nhỏ từ đường biển, còn lại là phương tiện khác; 83% khách đến với mục đích du lịch nghỉ dưỡng…
Đấy là tính toán cho tương lai, từ 3-6 tháng nữa, còn bây giờ, trong khi du lịch cả thế giới đang điêu đứng, rối bời như hiện nay, không có cầu đâu mà kích. Vì thế, cần phải tỉnh táo, sáng suốt để chọn thời điểm thích hợp, kích cầu du lịch hiệu quả. Bên cạnh đó, rất cần những chính sách giãn nợ, miễn giảm thuế, giảm giá điện, nước… giúp doanh nghiệp dịch vụ du lịch, hàng không, lữ hành, khách sạn vượt qua khó khăn.
Doanh nghiệp du lịch và chuyên gia du lịch cũng cho rằng cần đặc biệt quan tâm tới thị trường nội địa với hàng trăm triệu dân và thường hồi phục nhanh sau các trận khủng hoảng. Bên cạnh đó, chi tiêu du lịch của người Việt Nam cũng rất hào phóng, quyết định đi du lịch cũng rất nhanh. Nếu không chăm sóc tốt thị trường này, rất có thể các nước trong khu vực châu Á như: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… kích cầu giỏi hơn ta, giá rẻ hơn ta, làm du lịch chuyên nghiệp hơn, sẽ thu hút khách Việt Nam, khiến du lịch Việt Nam thu ngay trên sân nhà. Doanh nghiệp du lịch, hàng không hiện nay đang nắm chặt tay nhau đoàn kết và hy vọng có thể trụ lại, vượt qua dịch bệnh Covid-19 trong vòng 3-6 tháng nữa.
THÚY HÀ; ảnh: AN NHI