Kiến nghị chính sách hỗ trợ thiết thực để doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng
Hội nghị có sự tham gia của các Sở Du lịch, Sở VHTTDL địa phương, HHDL địa phương và hàng trăm doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, vận chuyển… trên cả nước và đại diện các cơ quan báo chí.
Ảnh hưởng nặng nề, có thể mất hàng nghìn tỉ đồng
Theo HHDL Việt Nam, dịch bệnh do nCoV hiện nay không chỉ làm thiệt hại to lớn cho nhiều nền kinh tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng mà còn trực tiếp làm suy giảm lượng khách, gây tổn thất cho ngành Du lịch. Tại Việt Nam, mặc dù tháng 12 năm 2019 và tháng 1 năm 2020 có tốc độ tăng trưởng rất cao nhưng do ảnh hưởng của dịch nCoV, lập tức cuối tháng 1 và đầu tháng 2.2020 lập tức rơi vào khủng hoảng. Tình trạng khách hủy tour, hủy phòng khách sạn, không lên kế hoạch đi du lịch, hoãn dịch vụ liên tiếp tăng lên trên khắp cả nước. ước tính, thiệt hại đối với ngành Du lịch có thể lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.
Có những doanh nghiệp lữ hành bị 10.000 khách hủy tour, có những công ty du lịch khách giảm tới 90%, có những khách sạn 4-5 sao mấy trăm phòng không có nổi 25 khách để làm ăn sáng tự chọn. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc vì không có khách.
Đặc biệt, mối nguy hiểm do dịch nCoV gây ra đã buộc nhiều quốc gia hành động quyết liệt nhiều đường bay Việt Nam- Trung Quốc của các hãng hàng không không thể tiếp tục duy trì do đó nhiều khách du lịch Trung Quốc hiện nay đang còn mắc kẹt ở một số điểm đến của nước ta như: Khánh Hòa, Đà Nẵng… Các doanh nghiệp du lịch vừa phải gồng mình phóng chống dịch, vừa phục vụ khách, vừa giải quyết các tình huống phát sinh.
Đại diện HHDL Việt Nam đưa ra một thực trạng buồn: Nhiều khu, điểm du lịch đã trở thành “sa mạc”, thậm chí còn ảnh hưởng xấu hơn so với dịch SARS cách đây 17 năm. Dịch bệnh theo dự báo có thể sẽ kéo dài và khó có thể khắc phục được trong vòng vài tháng tới. Do vậy, có thể xem đây là một cuộc khủng hoảng, tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch.
Chủ động phòng dịch và khôi phục thị trường
Luôn ý thức việc nếu để dịch lan rộng và kéo dài sẽ là thảm họa của ngành Du lịch nên cơ quan quản lý nhà nước, HHDL và các doanh nghiệp du lịch đã triển khai nghiêm túc, quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh do nCoV; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, các cấp chính quyền. Các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, vận chuyển, đã chủ động, kịp thời, tuân thủ hướng dẫn của ngành Y tế, tham gia phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, chủ động tiêu độc khử trùng, phát khẩu trang miễn phí cho khách. Tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “có thể phải hy sinh lợi ích về kinh tế”, “đoàn kết”, “an toàn tuyệt đối”… là tinh thần mà những người làm ý thức và thực hiện.
Doanh nghiệp du lịch cho biết chủ động phòng chống dịch và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành liên quan
Để làm tốt công tác chung tay phòng chống dịch, mỗi người tham gia vào hoạt động du lịch cần nắm rõ mức độ nguy hiểm của chủng mới virus corona, nắm rõ cách phòng chống dịch một cách chi tiết như hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời hướng dẫn đầy đủ cho khách du lịch thực hiện. Trong đó có việc theo dõi sát sao thông tin của các cơ quan có thẩm quyền về dịch bệnh để điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp cho phù hợp. Có biện pháp quản lý chặt chẽ khách du lịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch và cán bộ nhân viên của doanh nghiệp, của nhân dân ở điểm đến. Đồng thời quan tâm đến công tác bảo hiểm du lịch.
Nhằm hạn chế thấp nhất những tổn thất mà dịch bệnh nCoV gây ra cho ngành Du lịch, HHDL Việt Nam sẽ đưa ra một số giải pháp thiết thực. Trong đó, xây dựng kế hoạch và dự kiến thời điểm tổ chức các hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và nội địa. Tập trung nghiên cứu sát tình hình thị trường du lịch trong nước và quốc tế trong bối cảnh diễn ra dịch bệnh. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác du lịch của Việt Nam ở thị trường nguồn. Phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, vận chuyển du lịch…
Chú trọng thúc đẩy thị trường nội địa vì trên thực tế, đặt du lịch nội địa là hướng ưu tiên hàng đầu sau khi hết dịch bệnh. HHDL Việt Nam cho biết sẽ xây dựng một chương trình kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ ngay trước và sau khi dịch đi qua. Hình thành lên minh kích cầu toàn quốc với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, lữ hành kết nối với hàng không, vận chuyển, khách sạn, nhà hàng… Với doanh nghiệp du lịch, sau khi qua đỉnh dịch, để khôi phục và thúc đẩy du lịch nội địa cần lựa chọn thời điểm phù hợp nhất. Có thể xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không có dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch để thu hút khách du lịch nội địa phù hợp với điều kiện, năng lực, sở trường của mỗi doanh nghiệp. Đồng thời cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, cần lập kế hoạch và chuẩn bị triển khai một số chiến dịch nhằm khôi phục các thị trường quốc tế. Đặc biệt những thị trường quốc tế không nằm trong vùng dịch vẫn đang diễn ra tương đối bình thường do vậy cần đẩy mạnh hoạt động cả du lịch inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) và outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài) ở những thị trường này. Ngay từ lúc này, HHDL Việt Nam sẽ lập kế hoạch và chuẩn bị triển khai kế hoạch xúc tiến mạnh mẽ tại các thị trường tiềm năng của Du lịch Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Tây Âu… Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng cần sẵn sàng tham gia tích cực các sự kiện quảng bá xúc tiến ở trong và ngoài nước để thu hút thị trường khách du lịch ngay khi dịch bệnh được khống chế, không chờ dịch hết mới triển khai.
HHDL Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp việc giữ gìn lực lượng nhân sự, tự xem lại mình, điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng và khi dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn vì nếu lúc này khó khăn mà “buông tay” cho nhân viên nghỉ việc sau này rất khó để tuyển lại. Bên cạnh đó, cần chú trọng bồi dưỡng chuyên môn; chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; đổi mới công tác quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng công nghệ 4.0. Thậm chí vẫn phải chấp nhận sự thực có những doanh nghiệp có thể bị phá sản.
Theo phản ánh của tất cả các điểm cầu, tình trạng khách hoàn hủy dịch vụ, hủy phòng khách sạn, vé máy bay, hủy tour….và đòi lại tiền mặt đang diễn ra trên cả nước nhưng các đối tác đầu vào không chấp nhận chính sách hoàn hủy. Ví dụ như các hãng hàng không không đồng ý hoàn hủy, thậm chí không cho lùi vì máy bay vẫn bay. Nếu hoàn, phải mất phí như bình thường.
Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), điểm đến thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc vắng khách
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (VISTA) cho biết: Sau Hội nghị này, HHDL Việt Nam sẽ đại diện cho 7.000 doanh nghiệp thành viên, tổng hợp ý kiến của các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, HHDL địa phương và doanh nghiệp du lịch trên cả nước đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực như: miễn, giảm tiền điện nước, tiền thuê đất, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn visa và các ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất… Đồng thời, phát huy mối quan hệ gần gũi với HHDL các nước là thị trường nguồn của Du lịch Việt Nam để hỗ trợ, thúc đẩy việc trao đổi khách du lịch. Trước mắt, triển khai thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa VISTA và Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ (ASTA), Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản (JATA) để thu hút 2 thị trường lớn này. HHDL Việt Nam cũng sẽ phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch tổ chức các hội thảo du lịch chuyên đề, các khóa đào tạo cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp và HHDL các địa phương về công nghệ 4.0 trong du lịch, xu hướng phát triển của Du lịch Việt Nam và kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng…
Huế phát gần 10.000 khẩu trang miễn phí cho du khách
Theo ông Đinh Mạnh Thắng, Phó chủ tịch HHDL Việt Nam, Chủ tịch HHDL Thừa Thiên Huế cho biết: Trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona, HHDL Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Sở Du lịch cùng các đơn vị du lịch tích cực triển khai các giải pháp nhằm hạn chế và ngăn ngừa dịch. Qua kiểm tra, các khách sạn và đơn vị lữ hành đã chấp hành việc không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào Việt Nam. Nhiều khách sạn, công ty lữ hành đã lập Ban phòng chống dịch, cung cấp khẩu trang y tế cho nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách, trang bị máy đo thân nhiệt cá nhân dùng cho khách có nhu cầu và cho nhân viên trước khi vào làm việc. Đến nay, HHDL tỉnh đã phối hợp với các Hội trực thuộc và các doanh nghiệp vận động hỗ trợ và cấp phát miễn phí gần 10.000 khẩu trang y tế cho du khách đến Huế tại 2 địa điểm: Ga Huế và Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài...
HHDL tỉnh cũng đã yêu cầu tất cả các đơn vị thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh đối với khách lưu trú, du khách và cán bộ, người lao động để kịp thời thông tin đến cơ sở y tế hỗ trợ ngay khi có người nghi nhiễm.
THÚY HÀ-THÙY AN; ảnh: KIỀU DƯƠNG