Kiến nghị hỗ trợ cho các sân golf bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Tại hội thảo về Thuế tiêu thụ đặc biệt với sân golf do Hiệp hội Golf Việt Nam vừa tổ chức, ông Phạm Thành Trí, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp golf đã đề xuất với các cơ quan hữu quan về việc hoãn, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho các sân golf trước mắt và trong dài hạn. Hiệp hội cho rằng việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần quan trọng phát triển bộ môn golf một cách rộng rãi trong xã hội như các môn thể thao khác với mức chi phí hợp lý.
Hiện nay trên toàn quốc có 75 sân golf 18 lỗ đã đi vào hoạt động, 50 sân đang được xây dựng; 50 sân tập golf đã đi vào hoạt động, 20 sân tập đang xây dựng. Golf được đánh giá là một ngành “công nghiệp không khói”, có khả năng mang lại nguồn thu cao.
Ở Việt Nam, số lượng người chơi golf khoảng 50.000 người Việt Nam và 20.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng năm có hàng triệu khách nước ngoài vào Việt Nam chơi golf, trong đó tiềm năng rất lớn là khách du lịch từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 300.000 người chơi golf ở mọi cấp bậc. Hàng năm có khoảng 1 triệu khách du lịch Hàn Quốc và hàng trăm nghìn lượt khách du lịch nước ngoài đến chơi golf ở Việt Nam.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 xảy ra đã làm gián đoạn hoạt động thể thao này. Trong tháng 3 và tháng 4.2020, các sân golf phải đóng cửa để phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ. Cũng từ tháng 3 đến nay, Việt Nam đang tạm dừng nhập cảnh đối với khách nước ngoài Việt Nam để ngăn ngừa dịch lây lan. Hoạt động của các sân golf gặp rất nhiều khó khăn, lượng khách du lịch và khách chơi golf sụt giảm mạnh; các sân golf đóng cửa, cuộc sống của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng mức thuế đang áp dụng đối với kinh doanh sân golf ở Việt Nam hiện nay cao hơn nhiều nước trên thế giới, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Ông Vũ Duy Thành, Tổng giám đốc sân golf Heron Lake (Đầm Vạc, Vĩnh Phúc) cho biết: “Các sân golf ở miền Bắc vừa qua phải chứng kiến một khủng hoảng kép: đại dịch Covid-19 và thiên tai. Những trận mưa lớn đã khiến cho sân golf Heron Lake ngoài chi phí bảo trì bảo dưỡng, còn phải thay thế, sửa chưa nhiều khu vực sân bị hỏng do ngập úng, cây cối gãy đổ và nhiều thiệt hại khác do thời tiết cực đoan gây ra. Trong khi đó, lượng người chơi ngày càng sụt giảm, chi phí hoạt động ngày một tăng, nguồn tiền cạn kiệt. Nếu không có những hỗ trợ kịp thời, bao gồm việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ Chính phủ, việc các sân golf bị đóng cửa rất dễ xảy ra”.
Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Long Biên Trần Ngọc Hải, sân golf Long Biên (Hà Nội) cũng cho biết: “Khách du lịch Hàn Quốc giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các sân golf của Việt Nam. Sau khi đợt dịch đầu được kiểm soát, hoạt động du lịch khởi động trở lại, các sân golf mở cửa thì thời tiết lại quá nắng nóng nên số lượng người chơi không nhiều. Mặc dù có lợi thế nằm trong trung tâm thành phố nhưng sân golf Long Biên đang phải trải qua những tháng ngày khó khăn nhất kể từ khi thành lập”.
Đồng ý với đề xuất của Hiệp hội Golf Việt Nam, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Ngành Du lịch đã kiến nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, trong đó có các doanh nghiệp du lịch golf. Cụ thể như xem xét miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sân golf; giảm tiền thuê đất cho các sân golf trong bối cảnh ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19; có cơ chế, chính sách phát triển bộ môn golf như các môn thể thao khác”
Cho rằng môn thể thao “nhà giàu” golf có ích cho mọi người, cho xã hội, ông Mark Reeves, Giám đốc khối golf và bất động sản Tập đoàn BRG- một trong những tập đoàn đang sở hữu lượng sân golf lớn tại Việt Nam nhấn mạnh: “Với những giá trị to lớn mà golf mang lại, đặc biệt là để phát triển du lịch, Nhà nước cần có những chính sách để giảm chi phí chơi golf, đưa môn thể thao này bình đẳng với các môn thể thao khác, thu hút nhiều người chơi golf. Việt Nam hiện nay đang là điểm sáng về phát triển golf trong khu vực, do đó chúng ta cần giữ nhịp tăng trưởng để giúp ngành golf tiến xa hơn”.
Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn về du lịch golf. Loại hình du lịch kết hợp thể thao này có khả năng thu hút đối tượng khách có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, mang lại nguồn thu lớn. Để thúc đẩy du lịch golf ở Việt Nam, Bộ VHTTDL đã bổ nhiệm huyền thoại golf thế giới Greg Norman làm Đại sứ Du lịch Việt Nam; Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam (trực thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) cũng đã được thành lập năm 2019.
VŨ AN