Kỳ bí động Nam Sơn
Động Nam Sơn nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Cửa động nhỏ tí, đoạn đầu vào trong động cũng khá hẹp. Có những đoạn, gần như phải bò mới vào được bên trong. Càng vào sâu bên trong, không gian càng rộng mở, khoáng đạt, nhiệt độ xuống thấp, mát lạnh. Vô số dải nhũ đá rủ xuống từ vách vòm trần, cũng rất nhiều măng đá mọc lên từ dưới lòng động. Dưới vòm động cao rộng, thạch nhũ lấp lánh là những hình tượng sống động như: hình quả phật thủ đồ sộ bám trên vách động, hình con hổ, con voi, sư tử….
Nhưng ngạc nhiên nhất có lẽ là hồ nước rộng 500m2 trong lòng động. Dưới hồ măng đá mọc lên, phía trên những nhũ đá khổng lồ buông xuống tạo nên cảnh quan vô cùng kỳ ảo. Có cảm giác, cảnh quan này như ở một xứ sở thần tiên nào đó.
Theo anh Phương, người hướng dẫn du lịch tại địa phương, chỗ sâu nhất của hồ trong động chừng 7 m, nơi nông nhất trên 2 m. Điều kỳ lạ là dù vào sâu trong hang và chỉ có một đường duy nhất nhưng rất thoáng đãng, dễ chịu.
Ông Đinh Lộc, Công ty du lịch Việt Đà (Đà Nẵng) cho biết: Dù đã đi rất nhiều động ở trong Nam, ngoài Bắc nhưng tôi chưa từng thấy một hang động nào kỳ thú, độc đáo như động Nam Sơn. Mong rằng thời gian tới, Hoà Bình sẽ tăng cường quảng bá để điểm đến này được nhiều người biết đến. Khách từ mọi miền sẽ tới thăm động Nam Sơn nhiều hơn.
Hiện nay, rất ít người biết ở Hoà Bình có động Nam Sơn. Thậm chí, các người làm du lịch, đại diện doanh nghiệp lữ hành nhiều người cũng chưa hề biết. Thông tin về điểm tham quan này rất ít. Động Nam Sơn luôn được khoá để ngăn chặn việc bị xâm phạm. Đến nay, động Nam Sơn vẫn vào tự do, chưa thu phí. Mỗi đoàn khách vào động Nam Sơn trả 500.000 đồng tiền hướng dẫn, không hạn chế số người.
Bà Hồng Nhung, khách du lịch đến từ Hà Nội cho rằng: Để động Nam Sơn trở thành điểm du lịch hấp dẫn, địa phương cần đầu tư nhiều hơn để nâng cấp hệ thống giao thông, biển báo, điểm dừng nghỉ chứ hiện nay gần như tự phát. Theo người dân địa phương, cũng đã có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước muốn khám phá danh thắng nhưng do việc đi lại chưa thuận lợi và chưa thành lập đơn vị quản lý danh thắng này nên việc khai thác còn hạn chế.
Người dân trong vùng cũng mong muốn điểm du lịch này thu hút ngày càng đông khách, từ đó thu hút người dân làm du lịch cộng đồng, giúp bảo tồn giá trị đặc sắc của người Mường hoặc hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương, giúp cải thiện đời sống người dân.
Ngay gần khu vực động Nam Sơn, điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến, xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc) đẹp và thanh bình như một bức tranh. Trong khu vực này có điểm ngắm cảnh “Điểm cao” với con đường ngoằn nghèo lên núi cao khá thú vị, từ trên cao, có thể ngắm được toàn cảnh núi rừng phía dưới.
Bao quanh xóm Chiến là đồng ruộng bao la, núi đồi hoang sơ, rừng nguyên sinh và không khí trong lành hiếm có. Người dân xóm Chiến vẫn giữ được đậm nét phong tục, văn hóa người Mường như ở nhà sàn, mặc trang phục dân tộc, kiếm củi trên núi cao, trồng ngô trên nương…. Những ngôi nhà sàn ở xóm Chiến nằm rải rác từ chân đồi lên đến đỉnh đồi càng làm cho bức tranh thiên nhiên thêm sinh động. Đặc sản ở xóm Chiến là quýt cổ. Quýt cổ xóm Chiến vốn đã có tiếng với mùi thơm đặc trưng ngay từ khi bắt đầu bóc vỏ, vị ngọt thoảng chua rất thanh. Quýt cổ được bà con trồng ngay trong vườn nhà, tạo cảnh quan thân thương và bình dị cho mỗi nếp nhà sàn.
Trong xóm Chiến có 3 hộ làm du lịch cộng đồng, bình quân mỗi hộ có thể đón tiếp từ 15- 20 khách mỗi ngày. Ngoài ra, gần như các hộ trong xóm cùng tham gia mô hình đưa, đón phục vụ khách du lịch vào các hoạt động như: văn nghệ, đón tiếp khách và hướng dẫn viên; dịch vụ bán hàng; cho thuê phương tiện và ẩm thực.
Từ khi triển khai mô hình du lịch cộng đồng năm 2018, cảnh quan môi trường trong xóm đã được cải thiện đáng kể. Khu chăn nuôi tập trung được di chuyển ra xa khu dân cư, đường làng, ngõ xóm được cải tạo, trồng hoa, làm cho diện mạo xóm làng thực sự thay đổi.
Giá lưu trú và ăn uống ở nhà du lịch cộng đồng ở xóm Chiến khá hợp lý. Toàn bộ nhà sàn khoảng 1,2- 1,5 triệu đồng hoặc 100 nghìn đồng/người và 120 nghìn đồng/suất ăn. Khách đến đây thích không khí trong lành, nguồn nước sạch dẫn từ đỉnh núi cao về. Người dân trong xóm trực tiếp đưa khách thích đi leo núi, trải nghiệm đồi U Bò, động Nam Sơn… Có những dịp cuối tuần, nếu không đặt trước, khách sẽ không có chỗ ở nhà sàn xóm Chiến.
Được đánh giá là một điểm du lịch cộng đồng khá hấp dẫn, cảnh quan đẹp, không khí trong lành, người dân thân thiện, văn hoá Mường đậm đặc nhưng cơ sở hạ tầng ở xóm Chiến còn hạn chế: chưa có quy hoạch bãi đỗ xe, chưa có các đồ lưu niệm, đặc sản địa phương để bán cho khác, chưa có chỗ để vui chơi, ít không gian trải nghiệm… Các điểm du lịch cộng đồng còn nguyên sơ như xóm Chiến rất có tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn, cộng đồng, sinh thái nhưng khai thác như hiện nay là rất phí.
THUỶ TRÚC, ảnh LINH TÂM