Liên kết phát triển du lịch mở rộng để nâng tầm điểm đến
Định vị thương hiệu du lịch
Diễn đàn nằm trong chuỗi liên kết vùng do UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, nhằm kết nối du lịch giữa Vùng du lịch Bắc Trung Bộ với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của mỗi địa phương. Đồng thời, tạo cơ sở tiền đề cho việc hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, góp phần kích cầu thị trường du lịch; từng bước khẳng định dấu ấn, bản sắc của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Các đại biểu tham dự diễn đàn
Phát biểu khai mạc, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định liên kết sẽ tạo ra một sức bật mới cho từng tỉnh, thành; qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu của du lịch từng địa phương, thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế. Ngành du lịch TP.HCM đã khôi phục mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay, trong bối cảnh thành phố đẩy mạnh liên kết, kết nối du lịch với các địa phương. Số liệu cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2022, TP HCM đã đón hơn 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái và đón được gần 500.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu du lịch 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 50.000 tỉ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, từng địa phương cần có kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung liên kết trong thời gian sớm nhất. Các địa phương cần tổ chức các hoạt động kết nối để doanh nghiệp giữa các địa phương có cơ hội tìm hiểu dịch vụ, sản phẩm cũng như trao đổi các chính sách hợp tác cụ thể. Tập trung phối hợp trong công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực đủ số lượng, có chất lượng.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt và các đại biểu tham dự diễn đàn chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Diễn đàn là hoạt động ý nghĩa đối với sự phục hồi du lịch của các tỉnh Bắc Trung Bộ, mở ra nhiều cơ hội để nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các sản phẩm thu hút khách du lịch... Hiện nay, đối với các tỉnh Bắc Trung Bộ, du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn để khôi phục nền kinh tế sau đại dịch mà còn là cơ hội để các tỉnh Bắc Trung Bộ có thể giao lưu văn hóa, kết nối với các địa phương, từ đó tìm ra những sản phầm du lịch độc đáo, đặc trưng của vùng Bắc Trung Bộ. Điển hình như tại Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, nơi đây được ví như "Việt Nam thu nhỏ" với địa hình đa dạng, có biển đảo, đồng bằng, trung du và miền núi. Ngoài ra, tỉnh cũng là trung tâm văn hóa với truyền thống đấu tranh cách mạng phù hợp phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa. Những điều kiện trên rất phù hợp cho tỉnh xây dựng những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch tìm hiểu lịch sử… để giới thiệu, quảng bá đến người dân và du khách trên cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kỳ vọng sẽ có nhiều ký kết hợp tác mới, đánh dấu bước phát triển trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt là sự liên kết có hiệu quả thiết thực từ các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng cùng các đơn vị, đối tác.
Đầu tư hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực
Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng giới thiệu những chương trình, sản phẩm du lịch, tour tuyến mới sẽ đưa vào khai thác để thu hút du khách tới TP HCM, TP Hà Nội và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ mở rộng.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - Marketing của công ty TST Tourist cho biết, theo thống kê, hiện du khách trong nước đến với Bắc Trung bộ chủ yếu từ miền Bắc hay từ Lào, Thái Lan; còn lượng khách hàng từ phía Nam khá hạn chế. Nguyên nhân xuất phát từ việc các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng chưa đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch với các trung tâm kinh tế lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Vì vậy, sau diễn dàn, các tỉnh Bắc Trung Bộ cần khắc phục hạn chế này để gia tăng sự quan tâm của du khách ở các tỉnh thành phố phía Nam nhiều hơn dựa trên nền tảng sản phẩm điểm đến khá hấp dẫn của vùng đang sở hữu.
Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành
Theo bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban Sản phẩm dịch vụ Công ty Vietravel, hiện nay các sản phẩm du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng vẫn còn đơn điệu và sự liên kết chưa chặt chẽ. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh sự liên kết giữa doanh nghiệp với nhau và doanh nghiệp với chính quyền địa phương, bởi trong việc quảng bá một sản phẩm rất cần sự hợp tác, liên kết lẫn nhau để cùng phát triển một sản phẩm du lịch mới, chuyên nghiệp và chỉnh chu hơn. Đó cũng là chìa khóa mở ra việc thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch của Việt Nam sau đợt dịch bệnh vừa qua. Mặt khác, khi các tỉnh thành phố, các doanh nghiệp cùng bắt tay, liên kết với nhau cũng giúp gia tăng giá trị và lợi ích cho khách hàng. Về lâu dài, muốn phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ mở rộng thì các cơ quan, đơn vị ban ngành cần đầu tư hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch đồng bộ từ đường bộ, đường biển, đường hàng không… để du khách có thể di chuyển dể dàng hơn. Một vấn đề quan trọng nữa, các tỉnh cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quảng bá sản phẩm, điểm đến…”, bà Tạ Thị Tú Uyên cho biết thêm.
Các doanh nghiệp du lịch của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố ký thoả thuận hợp tác phát triển du lịch
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho rằng, trong thời gian qua, các hoạt động du lịch nhộn nhịp trở lại tại các địa phương trên cả nước, du lịch đang từng nhịp bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển mới. Thể hiện là 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế ước đạt 414.000 lượt; riêng tháng 6/2022 ước đạt 185.000 lượt. Thị trường du lịch nội địa sôi động với lượng khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 265 nghìn tỷ đồng. Mùa du lịch hè tại Việt Nam đang nóng hơn bao giờ hết, chúng ta cần nắm bắt thời cơ để nhanh chóng phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế; từng bước tiến tới mục tiêu năm 2022 đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa, tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400.000 tỷ đồng.
Toàn ngành Du lịch xác định các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này sẽ bao gồm: Phát triển sản phẩm mới, làm mới các sản phẩm hiện có phù hợp với yêu cầu của thị trường, triển khai các biện pháp kích cầu du lịch, tập trung nguồn lực vào hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; Xây dựng liên kết, hợp tác với các địa phương trong cụm, vùng, giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, đối tác; Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ; Ứng dụng khoa học và công nghệ trong du lịch; và Chú trọng thu hút đầu tư cho du lịch.
Đánh giá cao tinh thần chủ động của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế điều phối liên kết vùng có tính thực tiễn và hiệu quả cao, có cơ chế theo dõi, giám sát quá trình điều phối, thực thi liên kết vùng. Trong liên kết cần chú trọng việc xây dựng nội dung phối hợp cụ thể, căn cứ từ tiềm năng, tài nguyên du lịch để định vị sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng nhằm tạo sức hút và ấn tượng về vùng Bắc Trung Bộ đối với du khách. Mặt khác, các địa phương cần nghiên cứu xây dựng hình ảnh chung để quảng bá bản sắc, thương hiệu riêng có của vùng; xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển để tăng cường năng lực bộ máy và hoạt động xúc tiến quảng bá, đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trong vùng. Tăng cường liên kết ứng dụng khoa học công nghệ giữa các địa phương trong vùng; ứng dụng công nghệ số trong phát triển sản phẩm cũng như xúc tiến, quảng bá du lịch.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng và TS. Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động trao tặng bảng tượng trưng 60.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân các tỉnh
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng đề nghị các địa phương chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch thật tốt. Phát huy vai trò kết nối của các Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong hoạt động liên kết phát triển du lịch, liên kết, hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, từ đó hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn, thu hút quan tâm, khám phá của khách du lịch trong và ngoài nước.
Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết Thoả thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng giai đoạn 2022 - 2025 và Kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết giai đoạn 2022 - 2023. Các doanh nghiệp du lịch của Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố cũng đã ký thoả thuận hợp tác phát triển du lịch.
Tại sự kiện này, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và TS. Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đã trao Quốc kỳ do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng cùng bảng tượng trưng 60.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân các tỉnh: Nghệ An, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Trước đó, sáng 1.7, Đoàn đại biểu Ban Tổ chức Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng năm 2022 tiến hành lễ dâng hoa, dâng hương tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Trong nhiều năm qua, ngành Du lịch đã có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa và con người Việt Nam, nâng cao hình ảnh đất nước trên trường quốc tế. Sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nay cả nước đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, du lịch đang được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Việc mở rộng liên kết, hợp tác có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển du lịch. Các thành viên nguyện hứa sẽ nỗ lực hết mình, góp phần đẩy nhanh sự phát triển của quê hương, đất nước.
PHẠM NGÂN