Mới chỉ có 49 quốc gia trên thế giới mở cửa hoàn toàn
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế Seoul lần thứ 37
Việt Nam là một trong số những nước mở cửa du lịch sớm và an toàn
Phát biểu tại khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng VHTTDL Hàn Quốc Park Bo Gyoon chào mừng các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước đã đến tham dự sự kiện trong bối cảnh Hàn Quốc mới mở cửa du lịch quốc tế. Hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp, người lao động đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Hàn Quốc rất chia sẻ với những khó khăn này và trong bước đầu khôi phục ngành Du lịch, sự kiện Hội nghị Ngành Du lịch Thế giới 2022 và Hội chợ Du lịch Quốc tế Hàn Quốc lần thứ 37 (SITF) hi vọng sẽ là một diễn đàn để các quốc gia kết nối hợp tác, cùng chia sẻ kinh nghiệm phục hồi và phát triển du lịch bền vững, mạnh mẽ hơn sau đại dịch.
Bộ trưởng Park Bo Gyoon cho rằng, du lịch là một nền tảng vững chắc để thắt chặt quan hệ hợp tác, giao lưu nhân dân giữa các quốc gia. Du lịch cũng góp phần trao đổi văn hoá và hội nhập. Các lãnh đạo ngành Du lịch tham dự sự kiện ngày hôm nay đều đại diện cho các thị trường đối tác quan trọng và tiềm năng của Hàn Quốc, bao gồm: Việt Nam, Iran, Tây Ban Nha, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Nepal, Pakistan… Bộ trưởng mong muốn sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các quốc gia này trong tương lai.
Bộ trưởng VHTTDL Hàn Quốc Park Bo Gyoon phát biểu khai mạc
Giám đốc điều hành khu vực châu Á- Thái Bình Dương của UNWTO Harry Hwang cũng là diễn giả chính của sự kiện đã tham luận thảo luận về chủ đề “Tái khởi động du lịch bền vững và có khả năng phục hồi trong kỷ nguyên mới”.
Theo những dữ liệu du lịch cập nhật nhất và xu hướng du lịch mới, 3 tháng đầu năm 2022, khách du lịch quốc tế tăng 182% so với năm 2021. Trong đó thị trường châu Âu phục hồi mạnh nhất. Tất cả các thị trường đều có dấu hiệu phục hồi trong Quý I, tuy nhiên tốc độ của khu vực châu Á- Thái Bình Dương chậm hơn các khu vực khác do nhiều thị trường gửi khách quan trọng vẫn chưa mở cửa hoàn toàn.
Tính đến ngày 10.6, mới chỉ có 49 quốc gia trên thế giới mở cửa hoàn toàn và không còn các quy định hạn chế liên quan đến Covid-19, trong đó có Việt Nam.
UNWTO dự báo, du lịch có thể phục hồi từ 50-70% trong năm 2022. Theo khảo sát của UNWTO, khoảng 50% các chuyên gia du lịch nhận định thế giới sẽ phục hồi với mức 2019 trong năm 2023. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi của khu vực châu Á- Thái Bình Dương dự kiến sẽ chậm hơn, trong năm 2024.
UNWTO đã triển khai nhiều hoạt động, nhiệm vụ, giải pháp để giảm tác động và phục hồi sau Covid-19. Trong đó có việc thành lập Uỷ ban Khủng hoảng du lịch toàn cầu; xây dựng Hướng dẫn toàn cầu về phục hồi du lịch trong năm 2020; hợp tác với IATA (Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế) hình thành hệ thống tracking điểm đến để thống kê các yêu cầu về nhập cảnh, y tế dành cho du lịch. Xây dựng nhiều báo cáo về hỗ trợ kỹ thuật phục hồi Covid-19 và định hướng phát triển du lịch theo xu hướng hiện nay (du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…); sáng kiến Làng Du lịch tốt nhất 2021; thảo luận cấp cao về du lịch tại Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tháng 5.2022; định hướng và khuyến nghị cho tương lai.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại Diễn đàn
Bên cạnh đó, UNWTO cũng nghiên cứu và định hướng phát triển du lịch để thích ứng với các thay đổi về hành vi và nhu cầu của khách du lịch. Trong đó chỉ rõ, nhu cầu của khách du lịch và xu hướng phát triển của thế giới có nhiều thay đổi: chuyến đi ngắn hơn, quan tâm an toàn, tránh quá tải du lịch, thận trọng hơn khi mua dịch vụ, ứng dụng công nghệ số nhiều hơn.
Việc hỗ trợ điểm đến và cộng đồng cũng được UNWTO quan tâm, triển khai. Trong ngắn hạn sẽ tạo việc làm, mở cửa an toàn, tận dụng những điểm tốt của khoảng lặng du lịch. Trong dài hạn sẽ phát triển sản phẩm, đẩy mạnh vai trò của cộng đồng, hỗ trợ các tổ chức du lịch, ứng phó với các xu hướng tăng trưởng hoặc sụt giảm… Hỗ trợ các bên cung cấp dịch vụ: hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, marketing thông minh, thích ứng với các sản phẩm và dịch vụ mới; hỗ trợ vốn phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng và các chương trình định hướng giới trẻ...
Diễn đàn Lãnh đạo ngành Du lịch với chủ đề “Du lịch an toàn và Du lịch sinh thái” được tổ chức tại Seoul vào chiều ngày 23.6, với sự tham gia của khoảng 300 đại biểu gồm các Lãnh đạo Bộ quản lý du lịch, Cơ quan du lịch quốc gia, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, khách sạn quốc tế, chuyên gia du lịch, người mua và người bán của Hội chợ Du lịch Quốc tế Seoul (SITF).
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Du lịch Campuchia giới thiệu về ưu tiên phát triển du lịch sinh thái sau đại dịch nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, trao quyền và nâng cao lợi ích cho người dân địa phương. Để đạt được mục tiêu này, Campuchia tăng cường hợp tác công tư, hội nhập quốc tế đặc biệt trong khuôn khổ hợp tác du lịch ASEAN.
Campuchia đã mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 11.2020 và dỡ bỏ các chính sách hạn chế liên quan đến Covid-19 từ tháng 2.2022. Trong 5 tháng đầu năm 2022, Campuchia đón 343 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 275% so với cùng kỳ năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Môi trường và Du lịch Mông Cổ thông tin, nước này đã triển khai nhiều chính sách phát triển du lịch bền vững, du lịch thân thiện môi trường nhờ có lợi thế về các tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Trong bối cảnh đại dịch, Mông Cổ thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn du khách đồng thời tạo điều kiện du lịch thuận lợi.
Với mục tiêu sớm phục hồi du lịch, ngành Du lịch nước này đang ưu tiên mở thêm các đường bay mới và đường bay thuê chuyến, khôi phục chính sách thị thực và đề xuất thêm các biện pháp nới lỏng thị thực trong thời gian tới (hiện nay Mông Cổ đang miễn thị thực cho công dân của 25 quốc gia), cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, xây dựng sản phẩm mới. Năm 2024, Mông Cổ sẽ tổ chức Năm Du lịch quốc gia và đang trong quá trình chuẩn bị cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá.
Thứ trưởng Bộ Di sản văn hoá, Thủ công và Du lịch Iran khẳng định nước này có nguồn tài nguyên thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, là một điểm mạnh khi du lịch thiên nhiên trở thành một xu hướng chung của thế giới sau đại dịch. Ngoài ra, nước này đang phát triển các sản phẩm du lịch khác có tiềm năng như du lịch ngắm chim, du lịch nông thôn, du lịch sa mạc, du lịch ẩm thực… Có thể khẳng định bốn điểm mạnh của Iran là: Du lịch cộng đồng; Du lịch sức khoẻ; Du lịch sinh thái; Du lịch văn hoá và lịch sử.
Phát biểu tại Diễn đàn, Trưởng đoàn Việt Nam- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết: Hoạt động du lịch Việt Nam kể từ sau khi mở cửa trở lại vào ngày 15.3 rất sôi động. Trước đó, Việt Nam đã thí điểm kế hoạch mở cửa lại du lịch quốc tế vào tháng 11.2021. Tại thời điểm này, các chính sách du lịch được áp dụng gần giống như trước đại dịch: không cách ly; không test Covid-19, không cần chứng nhận tiêm chủng; không khai báo sức khỏe trước khi nhập cảnh….
Hiện nay, Việt Nam sẽ tập trung phát triển du lịch an toàn, hướng tới mục tiêu mở cửa hoàn toàn ngành Du lịch nhưng vẫn giám sát chặt chẽ các hoạt động du lịch và diễn biến của đại dịch để linh hoạt ứng phó bất cứ lúc nào.
“Một số sản phẩm du lịch được chú trọng là: du lịch xanh, dựa vào thiên nhiên, cộng đồng và du lịch sinh thái; vừa góp phần bảo vệ môi trường bền vững, vừa mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng địa phương. Đồng thời, chúng tôi đang tìm kiếm một số tiềm năng cho các sản phẩm du lịch ngách liên quan đến sức khỏe như chăm sóc sức khỏe, spa, suối nước nóng, du lịch yoga”, ông Hà Văn Siêu nói.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết cho sự tăng trưởng bền vững của ngành Du lịch, bằng chứng tuyệt vời là việc tổ chức sự kiện du lịch quốc gia lớn nhất- Năm du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang thúc đẩy đầu tư từ cả khu vực nhà nước và tư nhân, cũng như hỗ trợ các dự án du lịch bền vững, có khả năng phục hồi. Chúng tôi đang thực hiện các kế hoạch truyền thông “Sống trọn vẹn ở Việt Nam”. Và một trong những ưu tiên của cơ quan quản lý du lịch quốc gia là nghiên cứu và hướng dẫn chính quyền địa phương xác định lại và xây dựng thương hiệu các điểm đến, cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch.
TỐ LINH- NGHIÊM HÙNG (từ Hàn Quốc)