A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sẵn sàng trở lại thời kỳ hoàng kim trước khi có dịch Covid-19

VHO- Diễn đàn lữ hành toàn quốc: Lữ hành Việt Nam 2021- Giải pháp khôi phục và phát triển do Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Flamingo Cát Bà (Hải Phòng) ngày 12.1. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã dự Diễn đàn và phát biểu có tính gợi mở và nói lên những trăn trở để phát triển du lịch một cách an toàn, bền vững trong tình hình mới.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Diễn đàn Lữ hành toàn quốc

Hơn 500 đại diện là lãnh đạo của Tổng cục Du lịch, các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, Hiệp hội du lịch các tỉnh/ thành phố và doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí trên toàn quốc đã tham dự Diễn đàn.

Vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong tình hình mới càng quan trọng

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: “Qua Diễn đàn, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp lữ hành đã đưa ra giải pháp về việc vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục kinh tế xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để ngành Du lịch khắc phục nhanh hậu quả của dịch Covid-19, triển khai khôi phục và phát triển Du lịch. Sẵn sàng triển khai nhanh nhất các kế hoạch khi điều kiện cho phép, trong bối cảnh vẫn thực hiện phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho xã hội, các doanh nghiệp Du lịch Việt Nam phấn đấu sớm đưa du lịch trở lại nhịp độ tăng trưởng của thời kỳ hoàng kim 2016- 2019”.

Hơn 500 đại biểu đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch... đã tham dự Diễn đàn

Cũng theo ông Bình, sự ưu việt của thương mại điện tử, của nền kinh tế chia sẻ vốn chưa thực sự đi vào cuộc sống thì nay, sau khi Covid-19 xuất hiện đã trở thành yếu tố bắt buộc đối với nhiều ngành kinh tế. Các quy định về giãn cách xã hội, tránh tiếp xúc trực tiếp,… đã làm cho dịch vụ online trở thành một phương thức được ứng dụng rộng rãi nhất. Các công nghệ hiện đại như điện toán đám mây và internet vạn vật, thực tế ảo, block chain, trí tuệ nhân tạo khi ứng dụng vào các ngành đã làm thay đổi cơ bản hoạt động của ngành đó. Du lịch hiện nay là một trong số những ngành triển khai nhanh các công tác chuyển đổi số, ứng dụng nhanh các công nghệ hiện đại vào kinh doanh.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, du lịch gần nhà, du lịch một mình, du lịch không di chuyển… đang là xu hướng mới sau dịch Covid-19. Phát triển du lịch bền vững lúc này được đặt ra như một nhu cầu nhằm nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, khác biệt hóa du lịch bền vững, marketing du lịch bền vững, quản trị du lịch bền vững…

Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm khôi phục và phát triển du lịch sau dịch Covid-19

Ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thì cho rằng vai trò của các công ty lữ hành quan trọng hơn rất nhiều sau Covid-19 trong việc đưa ra các sản phẩm chung, sản phẩm mang tầm quốc gia, với sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp, nơi có những điểm đến nổi tiếng để kích cầu du lịch. Không phải Covid-19 đang làm lung lay vị trí của các công ty lữ hành khi doanh nghiệp lưu trú, cung cấp dịch vụ và khách hàng tự liên hệ mà bỏ qua các công ty lữ hành như nhiều người nghi ngờ. Đồng quan điểm này, ông Phùng Quang Thắng cũng cho biết, chỉ có doanh nghiệp lữ hành mới tạo ra sự khác biệt, sản phẩm khác biệt và xâu chuỗi dịch vụ tốt nhất. Bên cạnh đó, vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong việc tạo ra sản phẩm du lịch, xu hướng du lịch khác nhau, dẫn dắt thị trường thì không ai có thể thay thế được. Tuy nhiên, để khẳng định tốt hơn vai trò của mình, doanh nghiệp lữ hành phải tự tin bước lên “con thuyền” thương mại số, kinh tế số.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, năm 2021 vẫn là năm khó khăn của ngành Du lịch. Vì thế, các liên minh, liên kết cần phải đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa. Hoạt động kích cầu cần thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn, có thể là 1 - 2 năm phù hợp với giai đoạn của thị trường. Liên kết không chỉ diễn ra tại một địa phương mà cần của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia”

Kích cầu giai đoạn này chú trọng đến nâng cao chất lượng dịch vụ chứ không phải chỉ giảm giá. Chưa bao giờ người dân Việt Nam được sử dụng dịch vụ 5 sao với giá rẻ như hiện nay

Bên cạnh đó, ông Hoan cho rằng việc kích cầu du lịch không chỉ tập trung vào việc giảm giá mà còn phải đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng. Đồng thời, cần làm mới các điểm đến cũ, bổ sung thêm những dịch vụ gia tăng để thu hút khách quay trở lại nhiều lần. Các địa phương cũng phải thể hiện vai trò và trách nhiệm rõ ràng hơn. Chính quyền địa phương cần chủ động đi đầu trong việc ưu đãi các khoản phí, lệ phí, tích cực tham gia phối hợp với liên minh trong công tác xúc tiến quảng bá điểm đến; giám sát chất lượng dịch vụ.

Nâng tầm du lịch nội địa

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, Tổng giám đốc TST tourist Lại Minh Duy: “Sau Covid-19 và sau nhiều lần khủng hoảng có thể thấy cần phải đổi mới cách nhìn về du lịch nội địa và đưa thị trường này là thị trường chủ lực của Du lịch Việt Nam. TST tourist đã chuyển đổi ngay thị trường, tái cấu trúc đội ngũ để chuẩn bị lộ trình mới, chuyển đổi xu hướng du lịch của khách hàng… tóm lại, doanh nghiệp thay đổi phương án kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. Chúng tôi xác định năm 2021 thị trường du lịch nội địa là chủ lực, có cơ hội tăng trưởng mạnh. Từ đó, chúng tôi xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù với các tiêu chí trải nghiệm và an toàn; các tour kích cầu với nhiều giá trị gia tăng, chất lượng và giá hợp lý; đào tạo đội ngũ theo mô hình mới, phù hợp với điều kiện thực tế và chiến lược 2020- 2030”.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các Hiệp hội địa phương tham dự Diễn đàn

Điểm đến Cát Bà được tìm kiếm nhiều nhất trên Google mùa hè 2020. Đây là một cơ hội cho Cát Bà phát triển du lịch. Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Tuấn Mạnh tại Diễn đàn đã giới thiệu các tiềm năng, cơ hội và giải pháp để trở thành Trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế. Trong đó, với lợi thế thiên nhiên kỳ vĩ, Vịnh Lan Hạ được công nhận là thành viên của vịnh đẹp nhất thế giới, Hải Phòng cũng đang xây dựng hồ sơ để UNESCO công nhận Hạ Long- Cát Bà là Di sản thế giới, cảng biển lớn nhất Việt Nam, sự phát triển du lịch của Cát Bà rất mạnh mẽ, tuyến đường ven biển đẹp nhất Việt Nam cũng đang hình thành ở thị trấn này. Chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các công ty lữ hành Việt Nam đưa khách đến Cát Bà.

Ông Phạm Mạnh Hà, Chủ tịch, Tổng giám đốc Lux Group thẳng thắn chỉ ra 4 điểm yếu của du lịch Việt Nam: Chính sách phát triển du lịch chưa thực cởi mở và thông thoáng dù ngành này được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn; thiếu trầm trọng đội ngũ lao động có năng lực và được đào tạo bài bản; thừa các sản phẩm giống nhau nhưng thiếu sản phẩm độc đáo; hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch chưa cao, thiếu chiến lược xúc tiến du lịch quốc gia. Trong khi đó, muốn phát triển du lịch, đa dạng hóa sản phẩm cần đẩy mạnh liên kết nhưng ngay việc liên kết giữa Cát Bà và Hạ Long hiện nay cũng chưa chặt chẽ; nguồn nhân lực của chúng ta vừa thiếu (nhân lực chất lượng cao), vừa thừa (đầu ra của nhà trường nhiều nhưng không phải là đầu vào của doanh nghiệp, nhân lực gần như phải đào tạo lại); chúng ta đang định vị Việt Nam là điểm đến văn hóa nhưng phải lưu ý là nếu thế du khách chỉ đến 1 lần...

Ký kết hợp tác phát triển du lịch

Ông Hà cũng cho rằng các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến xu hướng du lịch mới để có những thay đổi cho phù hợp. Hiện nay, nhu cầu của khách hàng hoàn toàn thay đổi sau dịch Covid-19, khách đi ngắn ngày, đi nhiều lần, đi nhóm nhỏ, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, sản phẩm combo (máy bay và phòng khách sạn)… Có tới 60% khách du lịch trong nước đặt phòng và đặt tour trực tuyến. Rõ ràng du lịch thông minh đang phát triển mạnh mẽ, vì thế, các doanh nghiệp du lịch muốn phát triển cần phải chuẩn bị năng lực công nghệ để phục vụ du khách tăng trải nghiệm và phát triển phù hợp với xu hướng tất yếu.

Ký kết hợp tác phát triển du lịch

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết rất đau xót khi mỗi ngày Tổng cục Du lịch phải ký tới 15 quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành. Đành rằng việc doanh nghiệp hoạt động hay ngừng hoạt động là bình thường trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt này nhưng quả thật, doanh nghiệp lữ hành quá vất vả sau cơn bão Covid- 19. Trong khi đó, nếu không có doanh nghiệp lữ hành, không thể có một ngành Du lịch toàn diện, vì đây chính là sợi dây kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ du lịch và du khách. Tôi đồng tình với ý kiến của các doanh nghiệp về các giải pháp khôi phục và phát triển du lịch thời gian tới”.

Ký kết hợp tác phát triển du lịch

Ông cho rằng doanh nghiệp lữ hành phải tái cấu trúc chính mình. Có nhiều cách nhưng các doanh nghiệp phải cố gắng trong quản trị doanh nghiệp, hiểu thị trường, hiểu khách hàng và có cách thay đổi cho phù hợp. Trong tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, khoan hãy nói đến việc đón khách quốc tế, trước mắt, cần quan tâm nhiều hơn đến khách trong nước, chăm chút cho đời sống tinh thần, nhu cầu du lịch của đồng bào mình, của thị trường tới gần 100 triệu dân, tìm ra những phân khúc riêng, có những sản phẩm khác biệt để phục vụ. Các công ty lữ hành phải liên kết, kết nối sản phẩm, tạo ra sản phẩm, thay vào đó 1 tư duy mới, không phải đếm lượt khách mà tính đến hiệu quả, chất lượng khách, tổng thu từ khách du lịch. Bên cạnh đó, một việc hết sức quan trọng là củng cố lực lượng, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng  cao cho chính mình, khi điều kiện cho phép là “bung” ra ngay, tự tin đón bắt cơ hội mới. Đến giờ này, không thể không chuyển đổi số, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị tốt nhất để thay đổi, phát triển du lịch thành ngành kinh tế số. Thứ trưởng giao nhiệm vụ cho Tổng cục Du lịch bám sát hoạt động của doanh nghiệp, đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục, phát triển thời gian tới.

Ký kết hợp tác phát triển du lịch

* Tại Diễn đàn, đã diễn ra lễ Ký kết hợp tác du lịch giữa liên minh kích cầu miền Bắc, miền Nam và Flamingo; giữa các Hiệp hội Du lịch TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng; giữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam và UBND huyện Cát Hải; giữa Câu lạc bộ Du lịch MICE và Tập đoàn Flamingo về phát triển du lịch MICE ở Cát Bà.

Vinh danh các tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực cho sự hình thành và phát triển hệ thống lữ hành Việt Nam

* Cùng ngày, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức lễ vinh danh các tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực cho sự hình thành và phát triển hệ thống lữ hành Việt Nam.

THÚY HÀ, ảnh TUẤN NAM


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...