Tìm giải pháp đón khách quốc tế an toàn
Tổng cục Du lịch đã họp với các bộ, ngành liên để bàn giải pháp mở lại du lịch quốc tế
Thời điểm thuận lợi để mở cửa du lịch quốc tế
Các đại biểu bày tỏ sự ủng hộ và đồng thuận cao về sự cần thiết nghiên cứu, đề xuất việc mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: vừa phòng, chống dịch bệnh an toàn, vừa quyết tâm phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Sự phục hồi của du lịch, một ngành kinh tế tổng hợp được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi của nhiều ngành, lĩnh vực khác, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, đây là một vấn đề quan trọng, cần nghiên cứu kỹ và thận trọng, làm thí điểm từng bước để bảo đảm mục tiêu an toàn. Quan trọng nhất hiện nay là cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi và hiệu quả để bảo đảm thực hiện việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế được an toàn. Tình hình dịch bệnh trên thế giới đã có chiều hướng thuyên giảm, đồng thời Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã đang triển khai tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19. Đây là thời điểm và cơ hội thuận lợi để mở lại hoạt động đi lại, kết nối giao thương, phát triển kinh tế.
Sau khi trao đổi nhiều nội dung quan trọng, đại diện các bộ, ngành liên quan nhất trí cần thí điểm từng bước cả về lựa chọn thị trường khách, hình thức chuyến bay, lựa chọn các điểm đến, sản phẩm phù hợp, các doanh nghiệp dịch vụ đủ năng lực và đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch. Đồng thời, cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, khoa học giữa các cơ quan, bộ ngành liên quan, trong đó Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) là đơn vị đầu mối kết nối các cơ quan liên quan cùng phối hợp triển khai.
Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung cảm ơn sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan trong việc thúc đẩy mở lại thị trường quốc tế và khẳng định Tổng cục Du lịch sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo kế hoạch báo cáo Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng mong muốn các bộ, ngành liên quan tiếp tục ủng hộ, đồng hành cùng Tổng cục Du lịch, đóng góp thêm ý kiến và phối hợp triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ VHTTDL nghiên cứu một số biện pháp kiểm soát để mở lại hoạt động du lịch quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Dịch bệnh trên thế giới có dấu hiệu thuyên giảm, song cuộc chiến chống đại dịch vẫn chưa dừng lại, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch bệnh, không lơ là, chủ quan; đồng thời quyết tâm phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phù hợp về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ đã ban hành và nghiên cứu bổ sung các biện pháp hỗ trợ mới, kể cả chính sách, giải pháp đặc thù phục hồi và cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, những ngành, lĩnh vực then chốt như: du lịch, hàng không…
Đối với lĩnh vực du lịch, Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại các khách sạn, cơ sở lưu trú được sử dụng làm khu cách ly; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bộ VHTTDL cần có hướng dẫn cụ thể hơn và tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc ngành quán triệt, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch tại các cơ sở lưu trú, khách sạn, các địa điểm du lịch, du lịch tâm linh…
Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bên liên quan nghiên cứu các đề xuất của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) về một số biện pháp kiểm soát để mở lại hoạt động du lịch quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh.
Đối với hoạt động hàng không, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, thực hiện tốt hướng dẫn quy trình nhập cảnh và giám sát y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay quốc tế; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch trên các chuyến bay trong nước.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao… xem xét từng bước mở lại đường bay quốc tế, triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc xin” và kiểm soát dịch bệnh trong giao thương với các nước. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc xin”.
Chỉ mở lại khi cả hai bên yên tâm
Trong bức thư gửi Thủ tướng Chính Phủ về việc Mở cửa trở lại du lịch quốc tế mới đây, TAB thể hiện quan điểm nhất quán với Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid- 19, đồng thời đưa ra những đề xuất và giải pháp thiết thực hiệu quả nhằm mở cửa lại du lịch một cách an toàn, đặc biệt là du lịch quốc tế.
Thư nêu rõ, TAB bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Chính phủ về vấn đề không hy sinh và không gây nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng người dân Việt Nam để đổi lấy lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, đề xuất về việc chú trọng xem xét và lên kế hoạch làm thế nào để tái mở cửa biên giới an toàn, bền vững. TAB cũng nhấn mạnh phải có chính sách rõ ràng, chỉ mở cửa khi yên tâm cả hai bên, một là nơi khách du lịch xuất phát và hai là nơi tiếp nhận khách du lịch. TAB cho rằng, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế, học những điều thành công và rút ra bài học từ những thất bại.
Thị trường du lịch quốc tế sẽ giúp ngành Du lịch nhanh chóng hồi phục
Ngành Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, trước đại dịch, du lịch luôn thành công lớn với tổng thu hơn 30 tỉ USD một năm. Không chỉ vậy, với vai trò là ngành kinh tế tổng hợp, du lịch phát triển còn thúc đẩy các ngành khác phát triển theo. Ngành Du lịch cũng đem lại sinh kế cho hàng triệu người lao động. Mở cửa du lịch quốc tế còn là vấn đề được quan tâm của các ngành nghề liên quan đến nguồn vốn nước ngoài, các doanh nghiệp, các cơ sở dự án liên kết với nước ngoài, mặc dù hiện nay chính sách mở cửa cho các doanh nhân nước ngoài vẫn thực hiện nhưng còn rất nhiều hạn chế.
Hiện tại, nước ta đang dần khôi phục du lịch nội địa nhưng chỉ như vậy thì vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn kinh tế du lịch. Theo số liệu năm 2019, doanh thu từ du lịch nội địa ít hơn rất nhiều so với doanh thu từ du lịch quốc tế, chi phí trung bình cho khách du lịch quốc tế là trên 1.000 USD thì chi phí trung bình của khách du lịch nội địa là 170 USD. Vì vậy, việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế vô cùng cần thiết để tăng doanh thu lớn mạnh cho nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, để có sự chuẩn bị chu đáo ở mọi khía cạnh với những chính sách an toàn cần có sự tham gia hỗ trợ của nhiều chuyên gia của nhiều lĩnh vực liên quan. Kế hoạch tái mở cửa biên giới cần đảm bảo yên tâm toàn diện ở mọi mặt. Vì vậy, trong đề xuất biện pháp của TAB, với chủ trương xuyên suốt vẫn lấy sức khỏe cộng đồng là quan trọng nhất và cân nhắc kỹ về tình hình dịch bệnh phức tạp.
TAB đề xuất thành lập một nhóm tổ chức hoặc chuyên gia từ nhiều ngành khác nhau: Y tế, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, VHTTDL cùng hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề tái mở cửa biên giới. Việc mở cửa sẽ theo quy trình đảm bảo an toàn cho Việt Nam và du khách quốc tế. Trước tiên, nhóm chuyên gia sẽ đề ra các tiêu chí an toàn dịch bệnh, lập danh sách các quốc gia an toàn đáp ứng đủ các tiêu chí (có thể đàm phán song phương) và không mở cửa đại trà cho tất cả các nước để kiểm soát chặt chẽ việc phòng chống dịch.
Theo đề xuất này, tất cả khách quốc tế đến Việt Nam phải áp dụng quy trình: hộ chiếu vắc xin hoặc chứng chỉ tiêm vắc xin, xét nghiệm PCR trước khi đi và khi đã đến tại sân bay. Hộ chiếu tiêm vắc xin hay chứng chỉ tiêm vắc xin ko phải là biện pháp duy nhất, an toàn 100% mà đây chỉ là một trong những giải pháp trong quy trình, vì vẫn chưa chắc chắn được tính minh bạch của việc tiêm vắc xin nên phải kết hợp nhiều biện pháp bên cạnh đó.
Ông cho rằng, việc đi du lịch nhưng lại bị cách ly trong khoảng thời gian dài sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý du lịch của du khách, vì vậy cần có những biện pháp phù hợp rút ngắn thời gian cách ly cho du khách nhưng tuyệt đối đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid- 19.
TAB đề xuất Chính phủ nên có chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc, bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho cả khách du lịch đến Việt Nam và người Việt Nam đi nước ngoài, đây là chính sách nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, công ty du lịch và chính quyền địa phương nếu xuất hiện vấn đề rủi ro.
Ngoài ra, TAB cũng đề xuất Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam nghiên cứu và bán các sản phẩm bảo hiểm du lịch liên quan đến dịch Covid- 19 và các trường hợp dịch bệnh khác theo quy định pháp luật. Ngành Du lịch cần phải có những quy trình đón và hỗ trợ khách du lịch an toàn; khuyến cáo nhân viên của các khách sạn, nhà hàng, các điểm di sản, các công ty du lịch, hướng dẫn viên, lái xe du lịch và các ngành dịch vụ khác đều được vào danh sách ưu tiên tiêm vắc xin. Đề nghị Chính phủ xem xét vắc xin thương mại đối với các tổ chức, các doanh nghiệp có khả năng có thể tổ chức tiêm vắc xin cho nhân viên của họ. Như vậy, sẽ đỡ gánh nặng cho Chính phủ và doanh nghiệp cũng yên tâm hơn; lên kế hoạch các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch ở những nơi trọng điểm; cần có chính sách visa cởi mở hơn bởi chính sách trước vẫn có những hạn chế như việc mở cửa qua chính sách thị thực vẫn chưa thuận lợi với khách du lịch.
THÚY HÀ- THÙY TRANG