A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Khu du lịch thác Bản Giốc

VHO- Sáng 27.11, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu phát triển du lịch đã tổ chức Hội thảo Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Khu du lịch thác Bản Giốc. Tham dự hội thảo có lãnh đạo TCDL, Sở VHTTDL Cao Bằng, đại diện các Bộ Ngoại giao, Giao thông vận tải, Kế hoạch và đầu tư, Công an, các đơn vị trực thuộc TCDL và các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp du lịch, ảnh Phạm Hà

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Khu du lịch thác Bản Giốc do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thực hiện. Do có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, ngày 5.11.2015, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa đã ký Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam)- Đức Thiên (Trung Quốc). Hiệp định có hiệu lực từ tháng 6.2016 và Quyết định phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Hiệp định đã được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 14.11.2017.

Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cao Bằng và của quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng. Đồng thời, xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc có các chức năng và hạ tầng đồng bộ, khai thác tối đa các lợi thế sẵn có về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên để phát triển các sản phẩm du lịch dịch vụ theo hướng bền vững, kết hợp bảo vệ môi trường….

Phó TCT Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu tại Hội thảo, ảnh Phạm Hà

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng TCDL nói: “Cao Bằng có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, thời gian gần đây, du lịch của tỉnh Cao Bằng nói chung, của Khu du lịch thác Bản Giốc nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên những kết quả thu được từ du lịch vẫn chưa được như mong muốn. Với Đề án này, TCDL sẽ định hướng việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho Khu du lịch thác Bản Giốc tuân thủ Hiệp định nói trên, nhằm đáp ứng được nhu cầu và sự mong đợi của khách du lịch, góp phần khẳng định được thương hiệu du lịch của tỉnh Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong cuộc làm việc với tỉnh Cao Bằng hồi tháng 3.2019 là Xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc, Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng trở thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh cũng như hình mẫu trong quan hệ hợp tác với nước bạn Trung Quốc”.

Vẻ đẹp và sự hùng vĩ của thác Bản Giốc

Đánh giá cao tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Khu du lịch thác Bản Giốc, nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển cho rằng Cao Bằng có rất nhiều tài nguyên du lịch mà những nơi khác không có được: thác Bản Giốc là thác nước đẹp nhất Việt Nam, 1 trong 10 thác nước hùng vĩ nhất thế giới; dòng sông Quây Sơn cả phía thượng lưu và hạ lưu thác Bản Giốc; chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc; động Ngườm Ngao và thung lũng quanh động Ngườm Ngao; Không gian văn hoá Tày, Nùng; cảnh quan khu vực thượng lưu thác Bản Giốc; tuyến vành đai biên giới Việt Nam- Trung Quốc; không gian sinh thái nông nghiệp khu vực thác Bản Giốc, sông Quây Sơn; du lịch lễ hội, tham quan chợ vùng biên; ẩm thực đặc sắc của địa phương; sản vật địa phương phục vụ mua sắm và các tài nguyên khác.

Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch quanh Khu du lịch thác Bản Giốc còn rất thiếu, chất lượng chưa đảm bảo, trong đó có tổng cộng 9 khách sạn, nhà nghỉ với 258 phòng. Dịch vụ lưu trú được khách du lịch sử dụng khi đến Khu du lịch thác Bản Giốc cụ thể là: resort cao cấp chiếm 5,8%, homestay 11,2%, khách sạn từ 3-5 sao 27,4%, nhà nghỉ, nhà khách, nhà trọ 28,3%, khách sạn 1-2 sao chiếm 39,5%.

Làng đá Khuổi Ky ở Trùng Khánh, Cao Bằng

Nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động du lịch quanh Khu du lịch thác Bản Giốc càng ngày càng tăng. Đến nay, đã có nhiều hộ gia đình có thêm việc làm mới từ tham gia bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương, kinh doanh cung cấp dịch vụ homestay. Tuy nhiên, theo báo cáo lao động làm việc trong các cơ sở lưu trú hiện chỉ có 15% được đào tạo về chuyên ngành du lịch và khoảng gần 10% trong tổng số lao động du lịch có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Đội ngũ thuyết minh viên còn ít và hạn chế về khả năng ngoại ngữ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Với thực trạng khai thác du lịch hiện nay, các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp du lịch đánh giá Khu du lịch thác Bản Giốc mới chỉ “chập chững” làm du lịch, đơn thuần là tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng, tham gia chèo thuyền kayak trên sông Quây Sơn, thưởng thức đặc sản địa phương, trải nghiệm hoạt động cùng đồng bào dân tộc, tham quan làng nghề… Về hệ thống sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa phong phú, khách không có nhiều lựa chọn: hệ thống đường giao thông cực kém, quá ít cơ sở lưu trú, hoạt động du lịch chưa quy mô, chuyên nghiệp, thông tin và lộ trình du lịch chưa đầy đủ, thiếu hệ thống bảng chỉ dẫn, các lễ hội quy mô nhỏ…

Sông Quây Sơn và mùa vàng Trùng Khánh

Trong tổng số 1.310.000 lượt khách (110.000 lượt khách quốc tế) đến Cao Bằng năm 2018, có 750.000 lượt khách, chiếm 57% (80.000 lượt khách quốc tế, chiếm 73%) đến thác Bản Giốc.

Ông Trương Thế Vinh, Phó GĐ Sở VHTTDL Cao Bằng, Trưởng ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng cho biết: “Thác Bản Giốc đã quá nổi tiếng nhưng đặc biệt sau khi Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận khách đến Cao Bằng và khu vực thác Bản Giốc tăng đột biến. Khách quốc tế đến Bản Giốc hiện nay chủ yếu là khách đến từ châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha…). Có một xu hướng mới là trước đây khách chỉ đi tham quan thác Bản Giốc sau đó quay về trung tâm thành phố Cao Bằng nghỉ qua đêm nhưng gần đây khách thích di chuyển vào khu vực thác Bản Giốc và nghỉ lại đây. Vì thế, hiện nay dịch vụ homestay ở khu vực này phát triển khá mạnh, có phần tràn lan”.

Khách du lịch khám phá động Ngườm Ngao

Từ những nghiên cứu, đánh giá về tiềm năng, hiện trạng khai thác và điều kiện phát triển hiện nay của Cao Bằng, TCDL đã đưa ra một số định hướng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù thác Bản Giốc. Trong đó, việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù phải đảm bảo thực hiện đầy đủ nguyên tắc và mục tiêu phát triển bền vững, coi trọng hàng đầu đến bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy tối đa các giá trị tự nhiên và truyền thống, bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc. Những sản phẩm du lịch đặc thù ở Khu du lịch thác Bản Giốc cần gắn chặt với sản phẩm du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hoá dân tộc thiểu số ở địa phương.

Ẩm thực Cao Bằng rất đặc sắc, phong phú

Nhiều ý kiến cho rằng: Cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng tăng cường kết nối với các điểm đến, sản phẩm du lịch khác của tỉnh Cao Bằng và các địa phương lân cận. Cụ thể là tập trung phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái nông lâm nghiệp, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch ẩm thực, du lịch nghỉ dương và chăm sóc sức khoẻ.

THUÝ HÀ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...