Xuất hiện 5 xu hướng mới của du khách Việt
Trao đổi với báo chí chiều ngày 28.5, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch TAB cho biết: Kết quả khảo sát cho thấy, số lượng khách đi du lịch Việt Nam đã bắt đầu tăng từ cuối tháng 4 trở lại đây. Xu hướng tìm kiếm về du lịch biển tăng cao (67,1%), đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng trên núi, du lịch sinh thái đã có sự thay đổi tích cực, lần lượt là 31,2% và 25,2%.
Tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến chi tiêu ngân sách của người dân, do đó đa số khách du lịch đều quan tâm đến các chuyến đi từ 2 đến 3 ngày (49,3%) và số người dự định thực hiện chuyến đi 4 đến 7 ngày khoảng 37,8%. Trong thời gian giãn cách xã hội, thói quen mua sắm trược tiếp của người dân đã chuyển sang giao dịch trực tuyến. Điều này tác động lớn đến cách du khách đặt khách sạn/tour/vé máy bay, với 44,2% người được hỏi đều trả lời đặt tour qua nền tảng trực tuyến, đây sẽ là xu hướng trong thời gian tới.
Hơn 53% người được hỏi cho biết sẵn sàng đi du lịch trong mùa hè này, sau khi dịch Covid-19 được khống chế rất tốt ở Việt Nam
“Tuy nhiên vẫn có sự e ngại đi du lịch của du khách trên 65 tuổi, còn đối với du khách từ 25 đến 54 tuổi qua khảo sát họ đều sẵn sàng du lịch Việt Nam. Và điều bất ngờ là xu hướng đi du lịch theo gia đình và theo nhóm bạn bè trong thời gian này còn nhiều hơn so hình thức du lịch từ các tổ chức lớn. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh và phát triển tour du lịch theo hình thức du lịch gia định”, ông Hoàng Nhân Chính chia sẻ.
Cũng theo đại diện của TAB, hiện người dân Việt Nam đặc biệt quan tâm đến an ninh an toàn từ dịch bệnh còn hơn cả ưu đãi về dịch vụ, có tới 32,5% chọn tiêu chí "điểm đến du lịch an ninh và an toàn" và 36,2% quan tâm đến dịch vụ và điểm đến du lịch an toàn với dịch bệnh. Lượng người quan tâm đến các ưu đãi cho dịch vụ du lịch chỉ là 19,2%. Từ kết quả này cho thấy, rẻ chỉ là một yếu tố để người dân quyết định có đi du lịch hay không. An toàn mới là yếu tố quyết định đến việc lựa chọn chuyến đi và điểm đến.
Yếu tố quyết định chuyến đi của khách là điểm đến và dịch vụ an toàn
Để đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa, ông Hoàng Nhân Chính nhấn mạnh, cần phải có sự liên kết giữa các đối tác để tạo giá trị gia tăng dịch vụ, như: các hãng hàng không liên kết với các khách sạn, công ty lữ hành, xe du lịch để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, giá ưu đãi, an toàn. Cơ cấu lại sản phẩm du lịch và cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch như: Thương mại điện tử, thanh toán điện tử, đại lý du lịch trực tuyến, quảng bá du lịch qua e-marketing, mạng xã hội... nhằm thích ứng với xu hướng du lịch trong giai đoạn hiện nay. Các địa phương chủ động xây dựng chương trình kích cầu theo lộ trình với mức độ ưu đãi giảm dần, điều tiết giá kích cầu thông qua miễn phí, giảm các loại phí, lệ phí. Ví dụ: phí tại các điểm tham quan sẽ miễn trong 1 đến 2 tháng đầu bước vào giai đoạn phục hồi, sau đó giảm 50% đến hết năm 2020.
Hơn hết, để gói kích cầu thành công, các doanh nghiệp du lịch, địa phương, các điểm đến du lịch cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường và an toàn an ninh, giải tỏa tâm lý e dè, tạo niềm tin cho khách du lịch.
Ông Hoàng Nhân Chính cho rằng rất nhiều hành vi của du khách nội địa ở Việt Nam hậu Covid-19 đã có những thay đổi so với trước khi dịch bùng phát. Những gì là đúng trước tháng 1.2020 thì nay đã có thể không đúng nữa. Vì thế, chúng ta cần suy nghĩ đến việc cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch, sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến điểm đến… để đáp ứng với nhu cầu và xu hướng mới của thị trường du lịch nội địa.
HÀ THAO; ảnh: ANH VŨ