A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chương trình nghệ thuật Bản hùng ca bất diệt: Lửa thiêng cháy mãi

VHO- Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022), Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chương trình nghệ thuật Bản hùng ca bất diệt, dự kiến sẽ diễn ra vào tối ngày 23.7 tại Sân vận động huyện Anh Sơn (Nghệ An) và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Những ngôi sao bất tử” - lời tri ân ý nghĩa nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ Ảnh: ITN

Bản hùng ca bất diệt còn là hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5.9.1962 - 5.9.2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18.7.1977 - 18.7.2022).

Cất lên tiếng nói tri ân bằng âm nhạc

Tưởng nhớ và tri ân công lao các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã hy sinh, cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chương trình là món quà ý nghĩa để qua đó tiếp tục thắp lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng trong mỗi người dân Việt Nam, lan tỏa mạnh mẽ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Bản hùng ca bất diệt gồm 3 chương với các hoạt cảnh sống động cùng những ca khúc bất hủ như: Vui mở đường, Đường Trường Sơn xe anh qua, Vết chân tròn trên cát, chiếc xe lăn… qua sự thể hiện của những nghệ sĩ, diễn viên được công chúng mến mộ.

Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Cầm nhấn mạnh, phát huy truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” tốt đẹp trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, để mọi người nhận thức sâu sắc hơn nữa và trân trọng công lao to lớn của các anh hùng - liệt sĩ và những người có công với nước, Bản hùng ca bất diệt với các ca khúc đi cùng năm tháng sẽ một lần nữa nói lên tiếng nói tri ân bằng âm nhạc, khơi gợi lại không khí lịch sử suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, thể hiện tình cảm biết ơn sâu sắc của thế hệ đi sau. Chiến tranh khép lại từ rất lâu, nhưng những vết sẹo vẫn còn đó, vẫn âm thầm ẩn sâu trong lòng người ở lại, để rồi hôm nay, khi lời ca tiếng hát cất lên, tâm can của mỗi người lại như thổn thức vỡ òa khi sống lại vẹn nguyên không khí của những ngày đạn bom khói lửa hào hùng của dân tộc.

Thông điệp ý nghĩa hướng về quá khứ

Các ca khúc trong chương trình sẽ tái hiện lại một thời kỳ ác liệt đầy bi tráng, cùng với đó là những ca khúc ngợi ca quê hương đất nước, ngợi ca các chiến sĩ trong thời bình luôn cố gắng vươn lên xây dựng quê hương đất nước. Nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác Vết chân tròn trên cát vào năm 1981, trong một lần dạo quanh bờ biển Tiền Hải (Thái Bình), ông bắt gặp những dấu nạng hằn sâu trên nền cát mịn. Dò hỏi người dân xung quanh, ông được biết dấu nạng đó là của một anh thương binh vừa trở về từ chiến trường. Tuy cơ thể không còn được lành lặn nhưng anh vẫn hằng ngày đều đặn đến trường làng để dạy học cho các em thơ.

Trong dòng chảy của những giai điệu bất hủ, sẽ có những điểm nhấn được đầu tư dàn dựng công phu, hoành tráng và mới mẻ. Ông Nguyễn Hoàng Cầm cho biết, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam nỗ lực khắc họa tính lịch sử nhưng vẫn gần gũi với thị hiếu khán giả trẻ thông qua cách hòa âm phối khí hiện đại và dàn dựng tiết mục, hình thức thể hiện mới mẻ... Đặc biệt, bối cảnh thực hiện tại Sân vận động huyện Anh Sơn gần Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào cũng tạo ấn tượng mạnh với người xem. Chương trình không dùng quá nhiều vào công nghệ để làm mới mà chủ yếu phụ thuộc vào con người. Vì thế, để kể một câu chuyện hay, xúc động bằng âm nhạc thì xen lẫn các tiết mục sẽ là những hoạt cảnh có thể hơi chính luận và sân khấu hóa một chút. Bên cạnh đó, các ca khúc được thể hiện trong chương trình đã có sức sống bền bỉ trong lòng người nghe, không chỉ bởi giai điệu đẹp mà còn là những ca từ có sức gợi và truyền cảm sâu sắc. Bao năm tháng qua đi, những giai điệu không quên ấy đã được cất lên bởi nhiều giọng ca hàng đầu trong nền âm nhạc dân tộc. Và trong chương trình này, ngoài những nghệ sĩ tên tuổi là những giọng ca trẻ sẽ mang đến hơi thở mới lạ trong cách thể hiện. Thông qua Bản hùng ca bất diệt, ê kíp thực hiện mong muốn gửi đến thế hệ trẻ ngày nay những thông điệp tri ân, hướng về quá khứ và các bậc tiền nhân.

“Lịch sử dân tộc đã đi qua nhiều cuộc chiến với biết bao mất mát, hy sinh, thế hệ hôm nay không được phép quên điều đó. Và đây cũng là ý nghĩa, là thông điệp mà những người làm chương trình muốn được khắc họa bằng âm nhạc, bằng những vũ điệu của người trẻ thời nay. Họ cất tiếng hát bằng cả tấm lòng để tri ân, để chuyển tải, tạo cảm hứng cho người nghe, để tất cả cùng hòa chung trong niềm tự hào dân tộc khi nhắc đến những người con anh hùng của đất Việt”, ông Nguyễn Hải Linh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam xúc động chia sẻ. 

 THANH NGỌC


Tags: Giải trí
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip
Xem trước Hyundai Grand i10 sắp về VN, Ford Maverick gặt 80 nghìn đơn sau 1 tháng ra mắt