“Khúc ca thiên nhiên” của người con xứ biển
Tranh của Nguyễn Dương là sự kết nối các hoài niệm về quê nhà, thi vị hóa thiên nhiên và đạt tới sự tĩnh lặng của nội tâm
Nguyễn Dương tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 2007, anh bắt đầu có triển lãm đầu tiên năm 2005 cùng với nhóm họa sĩ trẻ, diễn ra tại Hà Nội. Từ đó đến nay anh đã có gần 20 cuộc triển lãm lớn nhỏ trong và ngoài nước, phần lớn ở Hà Nội.
Vẽ về thiên nhiên là chủ đề thường gặp trong hội họa, thế nhưng xem tranh Nguyễn Dương, người ta không chỉ thấy một thiên nhiên đa dạng, sắc màu và sự mênh mông sâu lắng, mà quan trọng nhất đó là thiên nhiên trong tâm hồn của một người con xứ biển, nặng tình với quê hương. Gần 40 tranh ra mắt lần này cũng chính là ngần ấy cung bậc cảm xúc của tác giả. Ở đó, đôi khi là sự tĩnh lặng âm thầm, cũng có lúc là những cơn giông và sự thịnh nộ của sóng, biển; sự u buồn của màn đêm. Khúc ca thiên nhiên trong tranh Nguyễn Dương dường như đang vui, buồn, tâm sự... cùng con người, mang lại nhiều suy ngẫm, cảm xúc cho người xem.
Tác phẩm Biển 5 (sáng tác năm 2022)
Nguyễn Dương cho rằng sự giống nhau giữa nghệ thuật biểu hình và trừu tượng là vẫn luôn cố gắng giải quyết những vấn đề thuộc cấu trúc của không gian một cách hợp lý, để tạo ra trạng thái cho bức tranh. Nhưng với tranh trừu tượng, có lẽ họa sĩ được tự do nhiều hơn trong diễn đạt, trong việc ghép nối các không gian và cấu trúc khác nhau để tạo ra một hiệu ứng thị giác mạnh, khác lạ. Chúng khơi gợi, ám ảnh mà không cần đến sự xuất hiện rõ ràng của hình thể, của ý tưởng hoặc câu chuyện.
Trong nhiều tranh, Nguyễn Dương đã nắm bắt được cái tinh thần của sự vật, hiện tượng, thay vì mô tả hoặc kể chuyện về nó. Nguyễn Dương có gần 20 năm theo đuổi, đôi khi kết hợp giữa biểu hiện và trừu tượng (abstract expressionism), gần đây chất trừu tượng trữ tình (lyrical abstraction) được anh khai thác nhiều hơn. Tốc độ vẽ nhanh và sự tĩnh tâm, lược bỏ phác thảo và bỏ qua sự chuẩn bị ý tưởng, các tác phẩm như được giải phóng khỏi ý thức để tự tại định hình. Chính chất trữ tình cũng giúp anh kết nối được các hoài niệm về quê nhà, thi vị hóa thiên nhiên, đồng thời giúp anh tự do tung tẩy, nhanh chóng nắm bắt được tinh thần của sự vật, hiện tượng, khi nó hiển hiện. Những điều này có thể tìm thấy được trong nhiều bức tranh ở triển lãm “Khúc ca thiên nhiên”.
Nhận định về tác phẩm, họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng nói rằng, “Khi tất cả các phương tiện, các cảm giác được hợp nhất để đi sâu hơn, người nghệ sĩ có thể đạt được tính không đối với mọi hiện tượng. Sáng tạo lúc này không có mục đích duy nhất, nó không chỉ tạo ra sự yên bình mà thậm chí là im lặng đến rợn mình. Trong vũ trụ này, hỗn loạn đồng thời với trật tự, hiện thực đồng thời với phi lý, không có gì tốt-xấu, hoặc đúng-sai để phải giải thích nhiều ở đây, chỉ có cảm giác hiện hữu đa chiều mà người xem cần nhìn thấy. Sâu sắc hơn, trên và trong chính họ.
Những vấn đề phức tạp của cuộc sống người nghệ sĩ không nhất thiết phải hiện rõ trong các tác phẩm của anh ta nữa, nó chỉ còn là những tín hiệu của hòa sắc và những chuyển điệu, trong một cấu trúc không gian vận động mở nhưng cũng được ngưng lắng lại, đầy nội tâm. Khát khao những khám phá mới mà cũng vừa dằn vặt, đau đáu... Nhiều ẩn dấu trong hành trình hội họa của Nguyễn Dương, tương tự như con người của anh ấy, sinh ra và lớn lên ở biển, những ám ảnh về biển, vẻ đẹp huy hoàng hay những cơn bão đêm, ngay cả trong giấc mơ cũng thấy như đại dương muốn nuốt mình xuống đáy, vừa đáng sợ vừa kỳ thú. Tất cả những điều đó vẫn theo Dương tới tận bây giờ”.
Triển lãm đang diễn ra tại Hakio Let’s Art, 38 Trần Cao Vân, Phường 6, Quận 3, trong tuần lễ từ ngày 22-31.7.
THÙY TRANG