A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển lãm tranh “Vườn tâm tưởng”

VHO -  Triển lãm tranh mang chủ đề “Vườn tâm tưởng” của tác giả Trần Văn Binh vừa ra mắt giới yêu mỹ thuật và khán giả mộ điệu TP.HCM vào tối 8.7. Họa sĩ Trần Văn Binh đang công tác tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Truyền thanh và Truyền hình thị xã Điện Đàn, tỉnh Quảng Nam.

Tác giả khai thác biểu tượng dân gian Trung Bộ làm nền cho các tác phẩm của mình

Trần Văn Binh sinh năm 1964 tại Điện Bàn, Quảng Nam, hiện sống tại quê nhà. Anh tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1985, là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sau hai triển lãm cá nhân năm 1993 tại TP Đà Nẵng và 1996 tại Hội An, Trần Văn Binh lui về chiêm nghiệm và vẽ. Nay, sau 26 năm, anh mới chọn ra 26 tranh tiêu biểu để trình làng.

Tác phẩm Nhịp phách bài chòi

Về mặt ý niệm, tranh của Trần Văn Binh có hai thực tại, chúng hòa quyện và khuất lấp vào nhau. Đó là cái miền quê mà anh gắn bó máu thịt, suốt bao nhiêu đời, chẳng thể rời xa. Đó là chuyện “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, ở giữa quê mà như xa quê, mà nhớ quê đến da diết…. Về mặt sáng tạo, Trần Văn Binh cho thấy một kỹ thuật tuyệt vời và một cảm xúc dạt dào, được hun đúc dài lâu. 

Đầu ghềnh cuối bãi

Dường như anh tạo dựng lên một thực tại hiện thực trước, sau đó tìm cách tẩy xóa nó bằng những đường chéo đan xen, dàn trải khắp mặt tranh. Chúng tạo ra không gian đa chiều, tiếp nối, dịch chuyển, như từ miền hiện thực tìm về miền tâm tưởng, và từ miền tâm tưởng vọng về miền hiện thực. Chính điều này đã làm cho bút pháp biểu hiện-trừu tượng chỉ còn là cái cớ, là phương tiện của người sáng tạo. Lấy biểu tượng dân gian Trung Bộ làm nền, anh pha trộn kỷ hà, ký hiệu với biểu hiện, và trừu tượng. Về kỹ thuật, anh thường lấy chất trắng dẻo tạo nền, sau đó là acrylic, hoặc sơn dầu, hoặc đôi khi sơn dầu “đè” acrylic.

Gió núi mưa ngàn

Trần Văn Binh sống ở thị trấn Vĩnh Điện (Quảng Nam) mấy chục năm, dù bây giờ đã là thị xã, thì nơi đây vẫn khá lặng lẽ với đời sống nghệ thuật và sáng tạo. Các tác giả cũng khá lặng lẽ theo dòng thời gian ấy. Không biết đi xe máy, mới biết dùng Facebook và E-mail..., Trần Văn Binh từ sớm đã chọn tư thế ẩn dật giữa công việc thường nhật. Và vẽ. Tranh của anh không những tiền phong về quan niệm so với bối cảnh sáng tạo nơi anh đang sống, mà trong vài văn cảnh khác của mỹ thuật Việt Nam đương thời, nó cũng mang tố chất tiền phong. Vì vậy mà, đã ẩn dật, lại càng thêm riêng tư, thậm chí hơi đơn độc.

Thế nhưng, xem tranh Trần Văn Binh, ta thấy hiện lên một đời sống đa dạng, anh trình diễn cái đẹp theo cách riêng của mình, từ đề tài đô thị hóa nông thôn, câu chuyện của phố gần đồng xa, cho đến vấn đề thời sự là biến đổi khí hậu,… vì thế mỗi tác phẩm là một điều ám ảnh về ký ức, và thực tại đan xen. 

Nói về thế giới tranh của Trần Văn Binh, nhà thơ - nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông nhận định, “đọc” những tác phẩm trừu tượng của Binh dễ nhận ra tâm thức “duy cảm xúc” của kẻ tạo tác những cảnh giới của cái đẹp ngầm ẩn đâu đó, khó nắm bắt trong đời sống, nhưng có thực, thường hằng và người vẽ đã vén mở cho chúng ta nhận diện. Tranh trừu tượng của Binh thường chất vấn chúng ta về nỗi ám ảnh của ký ức, về những dự cảm mai kia hơn là trình diễn cái đẹp, cái thu hút bởi sự lộng lẫy của sắc của màu. 
Triển lãm đang diễn ra tại tại Huyen Art House (8A Đặng Tất, Quận 1), và kéo dài đến ngày 17.7.

T.TRANG; ảnh: TRƯƠNG BÁCH THẢO


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip
Xem trước Hyundai Grand i10 sắp về VN, Ford Maverick gặt 80 nghìn đơn sau 1 tháng ra mắt