A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiệt tác“Hedda Gabler” được dàn dựng trên sân khấu Việt

VHO- Nhà hát Tuổi trẻ sẽ triển khai dự án dàn dựng vở kịch kinh điển “Hedda Gabler” – một trong những kiệt tác tiêu biểu của kịch tác gia Na Uy lừng danh Henrik Ibsen. Vở kịch được dàn dựng bởi Tsuyoshi Sugiyama - một trong những đạo diễn tài năng của sân khấu Nhật Bản đương đại, từng giành được nhiều tình cảm mến mộ của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật tại Việt Nam, đặc biệt sau thành công của vở kịch “Cậu Vanya” (A.P. Chekhov) trình diễn bởi Nhà hát Tuổi trẻ (Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm Quốc tế lần thứ IV - 2019).

Ê kíp tham gia vở kịch

Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ ông Nguyễn Sĩ Tiến cho biết: Mặc dù Hedda Gabler đã từng được dàn dựng tại Việt Nam, nhưng với sự hợp tác cùng Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama lần này, Nhà hát Tuổi Trẻ muốn mang đến cho khán giả Việt Nam đặc biệt là các bạn trẻ một phiên bản hoàn toàn mới của vở kịch với những thông điệp chưa bao giờ cũ. Đồng thời, chúng tôi cũng có tham vọng sẽ mang Hedda Gabler tham dự “Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm Quốc tế” lần thứ V được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11.2022.  Đây cũng là một cơ hội quý báu để các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát được tiếp cận với tác phẩm văn học nổi tiếng của Na Uy đồng thời được làm việc và học hỏi cùng với Đạo diễn tài ba của Nhật Bản, qua đó giúp các em phát huy được hết tài năng và tố chất của mình”.

Bằng cách lột tả chân thực tâm lý một người phụ nữ mâu thuẫn, tan vỡ trong Hedda Gabler một vở kịch được viết vào năm 1890 khi Henrik Ibsen 62 tuổi, Hedda Gabler là một đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông. Mặc dù đã có nhiều tác phẩm lớn, song với Hedda Gabler, bút pháp của Ibsen đã đạt đến đỉnh cao trong việc xây dựng chiều sâu tâm lý nhân vật. Hedda Gabler là chuyện đời của nữ nhân vật chính trong vở kịch cùng tên, là hình tượng của một phụ nữ phức tạp, sẵn sàng hy sinh quyền tự do cá nhân, quyền được yêu, được sống như mong muốn trong bản ngã sâu thẳm chỉ để toan tính đạt được những tham vọng, lợi ích quyền lực đối với những người đàn ông xung quanh mình. Mặc dù vậy, hành trình cuộc đời và sự kết thúc số phận của Hedda Gabler đã soi rọi tới thân phận người phụ nữ trong xã hội do đàn ông nắm ưu thế đã được viết cách đây 130 năm.

Các nghệ sĩ diễn thử 1 cảnh trong vở

“Henrik Ibsen là nhà viết kịch Na Uy nổi tiếng trên thế giới. Những vấn đề mà ông đặt ra trong những tác phẩm của mình, dù được sáng tác hàng trăm năm trước, vẫn tiếp tục có ý nghĩa và mang tính thời sự ở thời đại của chúng ta ngày nay. Vì thế, tôi tự hào vì Hedda Gabler – một trong những vở kịch kinh điển của Ông sẽ được trình diễn trên sân khấu Nhà hát tuổi trẻ. Tôi tin rằng Vở kịch sẽ là một dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác giữa về văn hóa giữa Na Uy – Việt Nam – Nhật Bản, đồng thời lan tỏa những giá trị văn học & nghệ thuật tới khán giả Việt Nam và xa hơn nữa”, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen chia sẻ.

Năm 2006, Nhà hát Tuổi trẻ đã từng dàn dựng rất thành công vở kịch “Nhà búp bê” của Henrik Ibsen (đạo diễn: NSND Lê Hùng), chuyện kịch xoay quanh số phận của nữ nhân vật chính là nàng Nora. Việc tiếp tục dàn dựng một vở kịch của Henrik Ibsen cũng khai thác cuộc đời một nữ nhân vật chính khác là Hedda Gabler trong năm 2022 trở thành một sự liên kết thú vị. Hai nữ nhân vật đều được Ibsen đẩy vào trong nghịch cảnh, sống trong sự giằng xé dày vò và đều có những quyết định mang tính bước ngoặt. Nếu như Nora nhận ra bản thân chỉ là một “người vợ búp bê” đối với chồng mình và đưa ra quyết định độc lập cho cuộc đời bằng cách bước ra khỏi căn “Nhà búp bê”, từ bỏ thứ tình yêu ảo tưởng bấy lâu nay thì ngược lại, Hedda Gabler có thể được coi là đại diện cho những gì sẽ xảy ra nếu Nora không bỏ chồng mà vẫn ở bên anh ta, ngay cả sau khi cô đã tiết lộ với chồng về cuộc hôn nhân của họ thực sự như thế nào. Đó cũng chính là một trong những lí do khiến Hedda Gabler được đánh giá là một đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Henrik Ibsen – nhà soạn kịch được coi là "cha đẻ của kịch hiện thực" và là một trong những người sáng lập ra chủ nghĩa hiện đại ở trong kịch, người có tác phẩm được công diễn nhiều nhất trên thế giới chỉ sau William Shakespeare.

Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Sĩ Tiến trao đổi về ý tưởng dàn dựng

“Hedda Gabler” của Nhà hát Tuổi trẻ được thực hiện theo quy chuẩn sân khấu Nhật Bản từ khâu tuyển chọn diễn viên, phân tích cảm thụ tác phẩm, chăm chút tỉ mỉ từng hành động, lời thoại, nét mặt, cảm xúc nhân vật, kết hợp với nhiệt huyết, sự sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân nhằm thể hiện những mâu thuẫn tâm lý vô cùng phức tạp của các tuyến nhân vật là sự tham gia của các nghệ sỹ trẻ tài năng: Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, Thanh Sơn, Ngô Lệ Quyên, Nguyệt Hằng, Anh Thơ, Thanh Tú, Duy Anh, Chí Huy, Nhật Quang, Tú Oanh, Huyền Trang, Mạnh Đạt, Quang Trọng, Anh Tú…

Bày tỏ lòng yêu mến với Việt Nam, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama chia sẻ “Tôi không hề cảm thấy bỡ ngỡ với Việt Nam, nhờ sự thân thiện, lòng hiếu khách của các nghệ sĩ Việt Nam tại Nhà hát Tuổi trẻ và tình yêu mà tôi cảm nhận được từ những người Việt Nam sống quanh tôi. Các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ thật tài năng. Thật thú vị khi được làm việc cùng với những con người này, giúp họ phát huy được hết thế mạnh trong diễn xuất của các em, để cùng nhau chúng tôi sẽ tạo nên một vở kịch Hedda Gabler thành công. Đây cũng chính là điều khiến tôi rất yêu công việc đạo diễn của mình”.

Các nghệ sĩ tham gia vở kịch chia sẻ về các vai diễn của mình

Hedda Gabler là một thách thức nhưng cũng là một khát khao đối với bất kỳ nhà hát nghệ thuật nào trên thế giới muốn dàn dựng tác phẩm này, bởi ở đó hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc mang tính thời đại, xuyên thời gian. Hàng trăm năm qua cho đến nay, đã có hàng trăm bản diễn khác nhau của các nhà hát trên toàn thế giới vẫn tiếp tục hành trình giải mã kiệt tác của Henrik Ibsen. Bản diễn của Nhà hát Tuổi trẻ được kỳ vọng sẽ cống hiến cho khán giả một tác phẩm có giá trị nghệ thuật lớn, minh chứng cho sức sống và tầm vóc di sản sân khấu này của nhân loại vẫn tiếp tục tỏa sáng lấp lánh trong hơn một trăm năm qua.

Theo kế hoạch dựng vở đặt hàng năm 2022 của Nhà hát Tuổi trẻ đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Với sự đồng hành về truyền thông của Đại sứ quán Na Uy, sự hỗ trợ Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Cục Hợp tác Quốc tế Bộ VHTTDL, Hội NSSK Việt Nam và các cơ quan hữu quan khác …

Vở diễn sẽ ra mắt khán giả trong tháng 9.2022.

ĐÀO ANH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip
Xem trước Hyundai Grand i10 sắp về VN, Ford Maverick gặt 80 nghìn đơn sau 1 tháng ra mắt