Người trẻ Mỹ với tư duy làm việc mới
Người trẻ ngày nay bắt đầu công việc kinh doanh sớm, thậm chí khởi nghiệp từ khi còn đi học Ảnh: INSIDER
Trong nhiều thập kỷ, Microsoft đã gắn liền suy nghĩ với định nghĩa truyền thống về làm việc văn phòng, miệt mài nhiều giờ trước máy tính. Nhưng giờ đây, gã khổng lồ công nghệ buộc phải thay đổi điều đó khi thế hệ Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) dần phá vỡ quan điểm về cuộc sống hối hả tại nơi làm việc và giờ hành chính từ 9h-17h. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học gần đây đang “xô nghiêng” mô hình nghề nghiệp và theo đuổi tinh thần kinh doanh thay vì bước vào thế giới công sở, theo CNBC. “Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi trong đại dịch và chuyển đổi kỹ thuật số. Điều mà tôi nghĩ đã thúc đẩy sự bùng nổ trong lĩnh vực kinh doanh”, Travis Walter, phó chủ tịch bộ phận bán lẻ của Microsoft Store nói.
Theo khảo sát của Microsoft, do Wakefield Research thực hiện với 1.000 chủ doanh nghiệp nhỏ có ít hơn 25 nhân viên, gần một nửa thế hệ Z (khoảng 48%) có nhiều công việc phụ. Đi cùng với con số này là sự phát triển của phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Số lượng những người sử dụng TikTok cho mục tiêu kinh doanh gấp đôi so với nhóm còn lại (27%). “Tôi nghĩ điều quan trọng là để mọi người làm việc theo cách họ muốn vì khi đó họ có thể đạt được hiệu quả tốt nhất, như chúng ta đang thấy với các doanh nhân trẻ và Gen Z”, Walter nói.
Dữ liệu của Microsoft còn cho thấy 91% người trẻ đi làm theo giờ giấc không bình thường, 81% nói rằng họ vẫn xử lý công việc trong kỳ nghỉ so với 62% chủ doanh nghiệp nói chung. “Tôi thực sự muốn làm gì?” là một câu hỏi thường xuyên được đặt ra, theo Philip Gaskin, phó chủ tịch phụ trách kinh doanh tại Ewing Marion Kauffman Foundation. “Đó là một phần năng lượng của Gen Z. Rất nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp đã tham gia vào thị trường lao động trong thời kỳ đại dịch”, Gaskin đánh giá lại các mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp của người Mỹ qua các thế hệ.
Một số người đã chán công việc văn phòng hoặc cảm thấy mệt mỏi trong một thời điểm nào đó. Họ cần tạm dừng một khoảng thời gian và đánh giá lại các yếu tố về nghề nghiệp. Trong khi số khác nhìn thấy cơ hội, ý tưởng trong mảng công nghệ và nhanh chóng giành lấy nó. Tuy nhiên, sự bùng nổ của những doanh nghiệp mới không đồng nghĩa với một kịch bản màu hồng. Trong một số trường hợp, nó là điều cần thiết với những người bị mất việc và cần các hình thức thu nhập mới. Sự thay đổi này tương quan với tỷ lệ doanh nhân mới đã tăng trong vài năm. “Hầu hết việc làm được tạo ra trong 5 năm qua là do các công ty dưới 5 tuổi cung cấp. Họ có tác động lớn đến thị trường lao động”, Gaskin nói.
Nhân sự Gen Z cũng có xu hướng dấn thân vào con đường khởi nghiệp hơn là tham gia vào các công ty Mỹ ngay khi chưa tốt nghiệp đại học. Nhiều người coi đó là một cách để đẩy nhanh thời gian nghỉ hưu của họ. Khoảng 61% chủ doanh nghiệp nhỏ thuộc thế hệ Z tin rằng họ sẽ có thể nghỉ hưu sớm hơn so với khi đi làm văn phòng. Bên cạnh đó, tích lũy tiền tiết kiệm hưu trí thông qua các phương tiện đầu tư từ trước đến nay là một thách thức không nhỏ. Phần lớn thu nhập của họ được “rót” trực tiếp vào doanh nghiệp, điều này tạo ra mối quan tâm về an ninh tài chính giữa lao động trẻ.
Ritwik Pavan, một doanh nhân thế hệ Z đã bắt đầu khởi nghiệp từ khi còn học trung học. Anh luôn muốn xây dựng một thứ gì đó của riêng mình dựa trên tư duy giải quyết vấn đề. Anh đạt được thành công trong nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau, chẳng hạn phát triển ứng dụng, tính di động trong đô thị. Cùng với những người đồng sáng lập của mình, anh đã ra mắt sản phẩm vào năm 2018, giúp giảm tắc nghẽn giao thông và lượng khí thải carbon bằng cách cung cấp dữ liệu đỗ xe theo thời gian thực cho người dân. “Điều tuyệt vời nhất khi trở thành một doanh nhân là chúng tôi có thể thay đổi cuộc sống tốt hơn và giúp các thành phố trở thành nơi đáng sống”, Pavan kể.
Theo khảo sát của Microsoft, khoảng 88% chủ doanh nghiệp nhỏ ưu tiên lợi ích xã hội nói rằng điều đó đã giúp tổ chức của họ phát triển, trong đó 82% người được hỏi thuộc thế hệ Z. Pavan là một ví dụ cho thấy sự hối hả trong công việc đã thay đổi. Niềm đam mê của anh luôn đi kèm với sự linh hoạt trong công việc. Nhưng điều đó không có nghĩa là anh làm việc ít giờ hơn so với các doanh nhân tên tuổi. “Với tư cách là một người sáng lập, trong 3 năm đầu tiên, tôi và các đồng nghiệp đã làm việc 18-20h mỗi ngày. Ngay cả bây giờ cũng vậy”, Pavan nói thêm.
Ngoài ra, với Gen Z, nhiều người không coi bằng cấp là yếu tố quan trọng với sự thành công của họ. 78% trong số đó nói rằng học đại học là “không cần thiết” để điều hành một doanh nghiệp.
CHI MAI