Bảo vệ di sản văn hóa thích ứng trong đại dịch Covid-19
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour
Di sản văn hóa nhìn từ phương diện quản lý và đời sống văn hóa
Là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời, văn hóa Việt Nam chứa đựng nhiều vốn liếng di sản quý báu được truyền thừa qua các thế hệ.
Ngay khi thành lập nước Việt Nam mới, năm 1945, phát biểu về văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa là một kiến trúc thượng tầng, những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được”... “trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải chú ý đến cùng, phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Ngày 24.11.1946, trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Trải qua thời gian, văn hóa tiếp tục được xác định là một trụ cột trong phát triển bền vững ở Việt Nam. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9.6.2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước thể hiện quan điểm nền tảng để việc phát triển vốn văn hóa một cách lâu dài, bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (2.2021) đã ghi: “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hóa, khát vọng phát triển đất nước, sức mạnh con người Việt Nam, vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn, lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”.
Di sản văn hóa dân tộc, bao gồm di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể là những vốn văn hóa quốc gia nằm trong đời sống, được cộng đồng gìn giữ, tái tạo và truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác để tạo ra các giá trị mang bản sắc văn hóa quốc gia. Ở phương diện quản lý, nội dung quản lý nhà nước về di sản văn hóa thể hiện trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà đầu mối quan trọng là Bộ VHTTDL.
Thực tiễn hiện nay trên thế giới, với bối cảnh biến đổi quá nhanh và khó lường, tác động đa chiều của đại dịch Covid-19 làm đảo lộn đời sống xã hội toàn cầu từ năm 2020 tới nay đang đặt ra những thử thách gay gắt cho đời sống văn hóa – xã hội của nhân loại nói chung cũng như Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh đó, quan điểm phát triển về đời sống vật chất và tinh thần của con người đã có sự điều chỉnh một cách căn bản để thể hiện đúng bản chất của văn hóa là một khái niệm mang nội hàm rộng, liên quan đến mọi mặt đời sống, được con người tạo ra và phát triển trong mối quan hệ qua lại giữa con người và xã hội.
Quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid 19
Để thích ứng với sự tác động ghê gớm của đại dịch Covid-19 ở phạm vi toàn cầu, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo sát sao, tích cực. Các văn bản quan trọng như Chỉ thị 15,16,19, nghị quyết 128 và gần đây nhất là thông báo số 285/TB-VPCP ngày 27.10.2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 gồm: “Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể; Xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch; Điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong”. Với quan điểm như trên, rõ ràng, ở phương diện kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc trong việc ứng phó với các khó khăn của nạn đại dịch đã từng diễn ra trong lịch sử, để bảo vệ sinh mạng người dân an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu. Xưa thì vua chúa phải thực thi trách nhiệm trước xã tắc, ra quyết định và hành động kịp thời. Nay, Chính phủ và các Bộ/ngành phải quyết liệt hành động để bảo vệ người dân.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chống dịch như chống giặc, Bộ VHTTDL đã kịp thời vào cuộc, phân vùng giãn cách, quản lý chi tiết, hiệu quả tới từng cộng đồng nhỏ, quá trình chống đại dịch có những thay đổi phù hợp và đã mang lại những hiệu quả cụ thể.
Các di sản văn hóa vật thể như danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng, thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim và các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, các không gian công cộng… trên cả nước đều tạm thời đóng cửa. Các hoạt động văn hóa tinh thần, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, ẩm thực, vui chơi giải trí, thể thao, du lịch… tụ tập đông người bị “đóng băng”, dừng hoạt động. Để đảm bảo tính mạng người dân, các sinh hoạt cá nhân và cộng đồng đều tuân thủ theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Y tế trong suốt thời gian từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch.
Thực tế là, ngay trong khi dịch bệnh đang hoành hành, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vẫn được diễn ra một cách âm thầm và liên tục. Các cơ quan quản lý nhà nước, tư vấn chính sách vẫn thực hiện công tác tuyên truyền phòng-chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới như là căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch công tác năm 2021 để lồng ghép, triển khai nội dung tuyên truyền qua các hoạt động công vụ. Các cơ quan thuộc khối nghệ thuật biểu diễn triển khai các chương trình nghệ thuật trực tuyến, nhà hát truyền hình, tổ chức bình chọn các bản ghi âm, ghi hình về nghệ thuật biểu diễn tuyên truyền phòng chống dịch, tổ chức các hội thảo, hội nghị, liên hoan, hội diễn, triển lãm… bằng hình thức trực tuyến gắn với nội dung thời sự chống dịch và các giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. Bảo tàng lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã xây dựng bảo tàng ảo, phục vụ khách tham quan.
Các địa điểm/khu vực có nhiều di sản văn hóa vẫn được cơ quan chức năng giám sát, bảo vệ. Các di sản văn hóa phi vật thể vẫn được duy trì ở các cấp độ khác nhau ở mỗi địa phương tùy vào đặc thù loại hình và phương thức tương tác của các nghệ nhân, nghệ sĩ. Công tác trao truyền, huấn luyện/đào tạo, biểu diễn… vẫn được tiến hành với những hình thức/cách thức mới, như là dạy trực tuyến (trường lớp), dạy trực tiếp (trong gia đình nghệ nhân) gắn lý thuyết và thực hành. Đời sống văn hóa nghệ thuật vẫn có những sản phẩm cụ thể, đem đến sự thư giãn cho toàn thể cộng đồng mà được gọi là “vắc xin tinh thần” nhằm động viên cổ vũ người dân nỗ lực cùng Chính phủ và các cơ quan chức năng thực hiện chống đại dịch một cách hiệu quả. Các hoạt động văn hóa tinh thần đó góp phần tăng thêm sinh khí, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đón̉ cuộc sống trở về nhịp sinh hoạt như trước khi xảy ra đại dịch.
Ở bình diện toàn cầu, khắp các châu lục đều có người đang trong trạng thái cách ly hoặc giãn cách xã hội làm đảo lộn nhịp sinh hoạt thường ngày dẫn đến bất ổn tâm lý. Tổ chức UNESCO vào trung tuần tháng 4.2021 đưa ra các sáng kiến thúc đẩy tiếp cận văn hóa và giáo dục về di sản văn hóa nhằm giúp hàng tỷ người được hưởng sự thư giãn tinh thần qua các sáng tạo nghệ thuật. Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa đầu tiên của G20 (và các nước được mời) tổ chức tại Rome (Italia) ngày 29-30.7.2021, xác định 5 nhiệm vụ của văn hóa trong tiến trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhằm bảo vệ và thúc đẩy văn hóa và các lĩnh vực sáng tạo trước các rủi ro, khuyến khích chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo; giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua văn hóa.
Ông Ernesto Ottone R., Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về lĩnh vực Văn hóa cho rằng: “Văn hóa làm cho nhân loại kiên cường hơn, mang đến niềm hy vọng, đồng thời nhắc nhở rằng chúng ta không cô đơn. Đó là lý do tại sao UNESCO đang làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ ngành văn hóa, bảo vệ di sản và trao quyền cho các nghệ sĩ và nhà sáng tạo”.
Căn cứ vào khuyến cáo của UNESCO và chương trình hành động của Chính phủ, rõ ràng quan điểm đưa Việt Nam sớm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 là hoàn toàn phù hợp. Bộ VHTTDL đã ra quyết sách để văn hóa không bị đứt gãy, công tác quản lý đạt hiệu quả và cộng đồng vẫn nâng cao nhận thức về giá trị của di sản văn hóa, có hành động thiết thực trong giữ gìn, truyền dạy, quảng bá di sản. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ chủ động hoàn thiện thể chế, gia tăng chất lượng, độ chuyên nghiệp của công tác quản lý, chăm lo tài năng của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghệ nhân, cũng như đời sống tinh thần của toàn thể người dân sinh sống trên dải đất Việt Nam … để tất cả mọi người đều có được tâm thế ứng phó phù hợp với thực tế đại dịch.
Ngay sau khi giãn đại dịch, kinh tế tăng trưởng trở lại sẽ là tiền đề quan trọng cho văn hóa phục hồi hiệu quả. Có thể có nhiều biện pháp như: i./ Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch và quảng bá di sản; ii./ Tăng cường ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin vào công việc sáng tạo các sản phẩm của di sản văn hóa; iii./ Nâng cao chất lượng các chương trình tham quan ảo, bảo tàng ảo v.v… phục vụ du khách; iv./ Đổi mới các databank di sản tại Viện bảo tồn di tích, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện Âm nhạc (Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam) phục vụ du lịch và quảng bá văn hóa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Gốc của văn hóa mới là dân tộc”, “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Do đó, trong thời đoạn khó khăn nhưng sự chuẩn bị, củng cố nền tảng di sản văn hóa các tộc người, di sản văn hóa quốc gia một cách chủ động tích hợp, vượt gộp (chữ dùng của PGS Phan Ngọc) sẽ thành cội gốc cho sự bền vững hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc vì con người được phát triển toàn diện. Bệnh dịch khó lường nhưng thông điệp trở về giữ gìn nguồn cội của Văn hóa là cách hữu hiệu và thiết thực góp phần thực hiện nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
PGS.TS PHẠM LAN OANH
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam