Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội để phát huy giá trị văn hóa và hội nhập quốc tế
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội để chúng ta phát huy giá trị văn hóa và hội nhập quốc tế. Ảnh minh họa Internet
Trong quá trình đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước như hiện nay, việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và hội nhập quốc tế như là một sự vận động tự nhiên của đất nước, xu thế này không thể đảo ngược và không thể dừng lại. Để phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam phù hợp với sự phát triển mạnh công nghệ hiện đại của thế giới và nhu cầu ứng dụng chuyển giao công nghệ mới tại Việt Nam, thì việc lựa chọn có ưu tiên các giải pháp công nghệ đặt ra bài toán cho nhà quản lý, doanh nghiệp.
Văn hóa Việt Nam là phạm trù rộng lớn và khó định lượng, vì vậy trong bài viết này chỉ giới hạn về phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tùy thuộc từng lĩnh vực chuyên ngành (di sản văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm,...) để lựa chọn hình thức ứng dụng công nghệ phù hợp. Hiện nay ở nước ta, ứng dụng công nghệ trong hoạt động văn hóa phần lớn dựa trên hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông trong nước, máy móc và công nghệ mới thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật (Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15.5.2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ). Thành tựu công nghệ là cơ hội để hỗ trợ hình thành các sản phẩm văn hóa, chuyển tải giá trị văn hóa đến nhân dân, phát triển dịch vụ du lịch văn hóa... Hiệu quả của các hoạt động trên là cơ hội để chúng ta phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam và hội nhập quốc tế.
1. Công nghệ hỗ trợ hình thành các sản phẩm văn hóa
Một trong những đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư là con người không phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị, máy móc mà chúng sẽ là công cụ để giúp việc phát huy khả năng, trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người. Lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được xem là các ngành cung cấp dịch vụ tinh thần cho con người và người nghệ sỹ được xem là một mắt xích quan trọng có tính tiên quyết cho chuỗi cung cấp dịch vụ đó. Ở nước ta, các thế hệ nghệ sỹ, tác giả có thể đi sau về công nghệ nhưng lại được thừa kế các công nghệ hiện đại của thế giới (đã được thế giới sử dụng và chứng minh sự thành công trước đó) để sáng tạo tác phẩm, sản phẩm. Các văn nghệ sĩ có thể trực tiếp sáng tác tác phẩm mỹ thuật, văn học nghệ thuật ngay trên môi trường mạng, của cộng đồng mạng có thể tham gia trong quá trình hoàn thành tác phẩm. Đây là xu hướng tất yếu, thay thế dần phương thức sáng tạo truyền thống mà chúng ta vẫn quen thuộc từ rất nhiều năm trước.
Ví dụ, với công nghệ thiết kế 3D có hỗ trợ bằng trí tuệ nhân tạo, công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano... đã giúp người nghệ sỹ, tác giả tự do sáng tạo và trình diễn ảo, phổ biến tác phẩm văn hóa nghệ thuật, sản phẩm dịch vụ đến công chúng mà không phải đến sân khấu hay không gian trình diễn theo hình thức truyền thống. Tác phẩm điêu khắc, tranh, ảnh nghệ thuật... hoàn toàn có thể sử dụng máy móc để in ấn, chế tác hàng loạt với chất lượng cao.
Công nghệ tạo lập và xử lý âm thanh, ánh sáng có thể sản xuất được sản phẩm âm nhạc hoàn toàn bằng điện tử, không phải ghi âm, ghi hình như phương pháp truyền thống... Thậm chí mọi người (nghệ sỹ không chuyên) có thể tham gia sản xuất các sản phẩm văn hóa bằng công nghệ số. Ví dụ, trong sáng tác âm nhạc, một người có thể huýt sáo và hệ thống máy tính có thể lấy tần số, cao độ, trường độ và chuyển thể thành bản nhạc điện tử, với bản nhạc điện tử này có thể nghe bằng nhiều loại nhạc cụ khác nhau, có thể điều chỉnh bản nhạc trên máy tính mà không phải tốn nhiều giấy mực.
2. Công nghệ hỗ trợ chuyển tải giá trị văn hóa đến nhân dân
Công nghệ truyền thông số đổi mới căn bản phương thức truyền thông, phổ biến các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đến nhân dân. Các giá trị văn hóa trong sản phẩm văn hóa dạng kỹ thuật số, đa phương tiện sẽ được chuyển tải đến công chúng thông qua internet, mạng viễn thông, qua vệ tinh, qua mạng nội bộ...
Công nghệ số hình thành kho dữ liệu đồ sộ trên không gian mạng về các sản phẩm văn hóa dưới hình thức ký tự (chữ viết, có thể nhiều ngôn ngữ), âm thanh, hình ảnh tĩnh, hình ảnh động (video/mô phỏng 2D, 3D, 4D...). Công nghệ chia sẻ, kết nối các dữ liệu lớn có thể kết nối các chủ thể trong chuỗi cung ứng và sử dụng sản phẩm, dịch vụ văn hóa đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm cho nhân dân. Việc lưu trữ các tài sản văn hóa như hiện vật trong bảo tàng, thư viện, phim tư liệu, các tác phẩm mỹ thuật sân khấu, lễ hội... sẽ được lưu trữ bằng công nghệ số, hình thành kho dữ liệu lớn trên không gian mạng, tiện lợi cho tra cứu, cung cấp thông tin chính thống đến nhân dân ở trong nước, bạn bè và du khách quốc tế.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 6.2019, Việt Nam có 51.128.599 thuê bao di động băng rộng gồm cả thuê bao 3G và 4G. Số lượng thuê bao truy nhập Internet băng rộng cố định là 13,816,417 trong đó chỉ riêng số thuê bao truy nhập Internet qua hệ thống cáp quang tới nhà thuê bao (FTTH - Fiber to the Home) là 12,764,903.
Có thể thấy rằng "đích đến" để chuyển tải giá trị văn hóa Việt Nam trong chính lãnh thổ Việt Nam là rất lớn. Qua đó chúng ta thấy rằng năng lực tiếp cận thông tin số của người dân rất phong phú, đa dạng. Khi sản phẩm văn hóa được hình thành và phổ biến, mọi người dân có thể tiếp cận dữ liệu, tiếp nhận thông tin, tri thức rất dễ dàng. Các ứng dụng cung cấp dịch vụ trên hạ tầng băng thông rộng, phương thức truyền dữ liệu với tốc độ siêu cao tần (qua vệ tinh), 4G, 5G qua các trạm BTS mặt đất đã tạo điều kiện rất thuận lợi khi mọi người dân có ý định tiếp cận thông tin nào đó về văn hóa trên không gian mạng.
Việc tương tác của người sử dụng với các sản phẩm công nghệ trên môi trường mạng thông qua biểu hiện cảm xúc, bài viết, âm thanh, hình ảnh... gần như tức thời (thời gian thực), đáp ứng tính thời sự của thông tin. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân ngày càng cao, đa dạng, phong phú sẽ được đáp ứng nhanh chóng, kịp thời thông qua môi trường mạng. Với kho dữ liệu đồ sộ trên không gian mở (có thể tương tác được), mọi người dân không chỉ thừa hưởng giá trị văn hóa ở đây mà còn tham gia vào quá trình sáng tác, phê bình văn học nghệ thuật.
3. Công nghệ số giúp phát triển dịch vụ du lịch văn hóa
Nghị quyết của Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng đã có chủ trương “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa” trong đó cần “Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa”.
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đặt ra các giải pháp trong đó chú trọng đến ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ như: tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong xúc tiến quảng bá du lịch;
Nhiều chính sách về ứng dụng, phát triển công nghệ trong lĩnh vực văn hóa, điển hình là “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó xem “du lịch văn hóa” là một trong số các ngành công nghiệp văn hóa. Nội dung chiến lược đã ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ, nâng cao giá trị, chất lượng của sản phẩm công nghiệp văn hóa.
Với đặc tính "xuyên biên giới" của internet và hạ tầng viễn thông ngày càng được nâng cấp, chất lượng đường truyền (về băng thông, tốc độ) ngày càng được cải thiện, mạng xã hội trở thành “sân chơi số” cho con người thì các kênh thông tin ngày càng thay đổi mạnh về chất và lượng, hầu như không bị giới hạn về trao đổi dữ liệu trên môi trường mạng.
Ví dụ, các trang mạng xã hội (Facebook, Twitter, Youtube, Instagram, Zalo...) với hàng tỉ lượt người hoạt động mỗi tháng,... Việc kết nối, chia sẻ thông tin, liên lạc qua môi trường số trên nền tảng công nghệ TCP/IP có thể đạt chất lượng âm thanh chất lượng cao, hình ảnh Full HD, 2K, 4K, 3D... gần như thay thế phương thức liên lạc truyền thống là nhắn tin SMS đơn thuần, thực hiện các cuộc gọi qua hệ thống thông tin di động.
Các dịch vụ thông tin liên quan đến hoạt động du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch, du lịch văn hóa được phát triển mạnh trên nền tảng các công nghệ mới. Một số công nghệ hỗ trợ đắc lực cho tiến trình này được kể đến như: Dữ liệu lớn (bigdata) để kết nối chia sẻ các hệ thống thông tin về lữ hành, cơ sở lưu trú, điểm du lịch...; trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence), máy học (machine learning) để phân tích nhu cầu khách du lịch, cung cấp các dịch vụ tự động trả lời khách hàng sau khi máy tính đã tự động phân tích; công nghệ xử lý chuỗi khối (blockchain) để phân tích các hoạt động có tính lịch sử của khách du lịch ví dụ hoạt động mua bán, đi lại, ăn ở...; ứng dụng công nghệ thực tế ảo – VR (virtual reality) có thể giúp con người thông qua kính thực tế ảo (3 chiều) để nhìn thấy không gian ảo về các đối tượng được mô phỏng một cách chân thực nhất. Các đối tượng này có thể là các di tích, cổ vật, di sản văn hóa, không gian trưng bày,...
Như vậy, sự phát triển của khoa học, công nghệ mới là thành tựu của CMCN lần thứ tư đã có tác động rất lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của con người Việt Nam. Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực văn hóa là một xu hướng mà mỗi chúng ta không thế không tiếp nhận vì chúng đã và đang len lỏi đến mọi hoạt động văn hóa, từ khởi nguồn sáng tạo sản phẩm văn hóa, quản lý hoạt động văn hóa, tiếp nhận và hưởng thụ văn hóa... Các tiện ích, lợi ích, cơ hội khi tiếp cận các công nghệ mới này là hiện hữu nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Vấn đề phát huy giá trị văn hóa của Việt Nam và hội nhập quốc tế cần được các nhà khoa học, nhà quản lý thận trọng nghiên cứu để có thể đưa ra các quyết sách đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển mạnh của công nghệ, hoạt động chuyển giao công nghệ ở Việt Nam, chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
DƯƠNG TOÀN