3D Mapping mang vẻ đẹp mê hoặc cho Văn Miếu- Quốc Tử Giám
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã ấp ủ và dần triển khai hiện thực hóa mong muốn đưa không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành không gian văn hoá hoạt động văn hoá cả ngày và đêm. Sẽ có thêm nhiều những sản phẩm hấp dẫn phục vụ du khách, trên cơ sở đó hình thành tuyến phố đi bộ Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào cuối tuần, góp phần phát huy giá trị của di tích gắn liền với đạo học. Trung tâm đã đề xuất với TP. Hà Nội đề án phát triển du lịch thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0, trong đó có nội dung xây dựng sản phẩm tour đêm, kể câu chuyện về đạo học Việt Nam tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
“Hiện nay, kịch bản và nội dung sản phẩm chưa hoàn chỉnh. Những trải nghiệm đầu tiên này mang đến hình dung cho chúng ta về cách thức dùng công nghệ để chuyển tải những giá trị của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Thông qua ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0”, thời gian tới sẽ cần liên kết chặt chẽ giữa nội dung và công nghệ; giữa các nhà học với các đơn vị làm chuyên môn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám; đặc biệt là liên kết giữa Văn Miếu và đơn vị lữ hành để sản phẩm khi chính thức ra mắt sẽ mang hơi thở của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan”, ông Lê Xuân Kiêu cho hay.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thời gian qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã số hóa và tạo ra một kho dữ liệu giúp lưu trữ lâu dài những hình ảnh, thông tin về di tích, từ kiến trúc, trang trí, hệ thống bia đá… đến những nội dung về truyền thống khoa cử, truyền thống hiếu học, thân thế, sự nghiệp của những vị đại khoa… Cùng với bảo tồn, việc cần thiết là ứng dụng công nghệ 4.0 cho việc phát huy giá trị.
Các học giả, chuyên gia công nghệ cho rằng, nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể tạo ra hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI, tham quan ảo 3D Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên Internet, trải nghiệm Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng công nghệ thực tế ảo VR 360, trải nghiệm tương tác 3D với những di sản tiêu biểu như bia tiến sĩ, tái hiện không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám những thế kỷ trước bằng công nghệ thực tế ảo 3D…
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam, PGS Đặng Văn Bài khẳng định: “Nếu biết vận dụng công nghệ số thì giáo dục di sản sẽ giúp đạt hiệu quả cao hơn. Công nghệ số tạo ra sản phẩm hiện thực ảo, cung cấp cho du khách nhiều cơ hội văn hóa, chủ động tìm hiểu cái mình cần, thu thập kiến thức. Để làm được điều này thì các cơ quan cần chủ động, sáng tạo xây dựng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0”.
Đặc biệt, hiện nay công nghệ 3D Mapping đang ngày càng phổ biến, cho phép dựng mô hình có tỉ lệ và kích thước tương đương với sản phẩm thật, sau đó thông qua trình chiếu dưới dạng 3D. Ứng dụng này cũng rất thích hợp nếu triển khai tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi tổ chức các tour tham quan, du lịch đêm.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, đây là sự dũng cảm, sáng tạo đi tắt đón đầu làn sóng du lịch sau đại dịch Covid-19 của Trung tâm VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám. “Chương trình trải nghiệm đêm kể chuyện lịch sử, văn hóa bằng nghệ thuật trình chiếu ánh sáng, âm thanh, hình ảnh ở nơi này rất ấn tượng đối với tôi", PGS Nguyễn Văn Huy chia sẻ.
MINH NGỌC, ảnh: QUANG TẤN