A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế

VH- Ngày 10.6, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập (10.6.1982- 10.6.2022). Hành trình 40 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm đã trở thành một đơn vị có “thương hiệu” về bảo tồn di sản hàng đầu của Việt Nam và nhận được những đánh giá cao từ UNESCO.

Lễ kỷ niệm có sự tham dự của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương; ông Nguyễn Ngọc Thiện- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ VHTTDL, đại diện Cục Di sản Văn hóa Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành, và Đại diện UNESCO tại Việt Nam…

Sau chiến tranh, cùng với những tác động của thiên tai, hệ thống quần thể di tích đồ sộ ở Cố đô Huế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng: nhiều công trình di tích quan trọng bị hủy hoại, xuống cấp; cảnh quan tại các di tích trở nên hoang hóa; các loại hình văn hóa phi vật thể  (như lễ hội cung đình, Nhã nhạc, Tuồng, Múa cung đình…) bị mai một và lãng quên; hệ thống cổ vật, tư liệu đồ sộ của triều Nguyễn cũng bị hủy hoại hoặc bị thất tán đi các nơi khác. Công tác quản lý, bảo tồn giá trị di sản văn hóa Huế giai đoạn này gặp nhiều khó khăn và thách thức, sự lạc hậu về khoa học bảo tồn và nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn hết sức hạn chế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen cho các cá nhân và tập thể đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy di sản Huế

Năm 1981, sau lần đến thăm Huế, Ngài Mahtar M’Bow- Tổng Giám đốc UNESCO đã ra lời kêu gọi cứu vãn di sản văn hóa Huế tại Hà Nội. Ông đã nêu rõ, di sản Huế đang ở trong tình trạng lâm nguy, bên vực thẳm của sự diệt vong và quên lãnh..., và cần có sự cứu nguy khẩn cấp với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế thì mới giúp Huế thoát khỏi tình trạng trên.

Ngày 10.6.1982, Công ty Quản lý Di tích tích sử và Văn hóa Huế được thành lập, trực thuộc UBND tỉnh Bình Trị Thiên. Đến ngày 30.5.1992, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định: dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL), sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả rất quan trọng: Di sản văn hoá Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước hồi sinh diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử. Công cuộc bảo tồn di tích Huế chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đến nay, Huế tự hào đã có 5 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, đó là: Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009),  Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).

Đến nay, riêng công tác bảo tồn, trùng tu di tích đạt nhiều kết quả quan trọng, nhiều công trình di tích tiêu biểu đã được phục hồi như: Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh... (ở khu vực Đại Nội); các công trình di tích ở lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định... Và hiện đang tiếp tục trùng tu nhiều công trình quan trọng khác như điện Thái Hoà, điện Kiến Trung... Quy trình tu bổ di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế mà Chính phủ ta đã công nhận và tham gia, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao, đem lại hiệu quả tích cực về mặt kinh tế - xã hội.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Christian Manhart chúc mừng 40 năm thành lập Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết: theo đánh giá của UNESCO và Bộ VHTTDL, trong giai đoạn hiện nay, Quần thể Di tích Cố đô Huế là di sản thế giới được bảo tồn rất tốt, và là một trong những mô hình quản lý di sản có hiệu quả ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. UNESCO và Bộ VHTTDL cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang định hướng phát triển Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trở thành trung tâm chuẩn mực về bảo tồn di sản khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

“Di sản văn hóa Huế không chỉ là niềm tự hào của nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước. Thương hiệu “Huế- một điểm đến 5 di sản” đã và đang trở thành một thương hiệu của du lịch Việt Nam, một lựa chọn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước”- ông Trần Đình Thành nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa cũng đề nghị thời gian tới, trung tâm cần nỗ lực hơn nữa trong việc đa dạng hóa loại hình dịch vụ tại khu di tích Huế. Tiếp tục hoàn chỉnh Quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 theo Quyế định số 42/QĐ-TTg ngày 11.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đơn vị cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động tuyên truyền, quảng bá để Quần thể Di tích Cố đô Huế trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ VHTTDL những giải pháp tốt nhất để đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế, và giải quyết cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển nhằm bảo vệ tính toàn vẹn, các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể Di tích Cố đô Huế gắn với phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Trưởng Đại diện UNESCO tai Việt Nam, ông Christian Manhart nói rằng, ông đã có chuyến thăm Huế vài tháng trước đây, và bản thân ông cảm thấy rất vui khi được trở lại thành phố với bề dày lịch sử và di sản văn hóa. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là đơn vị trực tiếp phụ trách và gìn giữ năm di sản có ý nghĩa hết sức quan trọng được UNESCO công nhận..., do đó trung tâm có trách nhiệm lớn lao không chỉ đối với công dân Việt Nam mà còn với toàn thế giới.

“Chúng tôi vô cùng ấn tượng về sự chuyên nghiệp và tận tâm mà ban lãnh đạo và nhân viên của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thể hiện trong suốt những năm qua. Chúng tôi cũng rất cảm kích vì trung tâm đã chia sẻ kinh nghiệm của mình cho nhiều khu di tích khác ở Việt Nam và trong khu vực châu Á, đặc biệt là trong công tác bảo tồn di sản kiến trúc gỗ gỗ và tích hợp di sản vật thể và phi vật thể”- ông Christian Manhart nhấn mạnh.

Hành trình 40 năm phát triển, đến nay Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có mối quan hệ hợp tác với hơn 30 tổ chức quốc tế, hàng chục các viện, trường đại học, ban ngành trong nước để tiến hành các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn di sản, giao lưu văn hoá cả trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường. Phối hợp với các tổ chức quốc tế và các tổ chức trong nước thực hiện hàng chục dự án trùng tu, nghiên cứu bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực hết sức có ý nghĩa.

Với những kết quả đạt được, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba (2017), Huân chương Lao động Hạng Ba (1996), Hạng Nhì (2001) và Hạng Nhất (2006), trong nhiều năm liền đã nhận được Cờ Thi đua xuất xuất về ngành Bảo tồn Bảo tàng của Bộ VHTTDL; nhiều tập thể và cá nhân trong Trung tâm đã được tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Chính phủ, bằng khen của các Bộ ngành TW…

Bài, ảnh: SƠN THÙY


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip
Xem trước Hyundai Grand i10 sắp về VN, Ford Maverick gặt 80 nghìn đơn sau 1 tháng ra mắt