A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Ra mắt 2 CLB sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch

VHO - Tỉnh Kon Tum vừa ra mắt hai mô hình điểm câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch của dân tộc Xơ Đăng nhánh Hà Lăng ở huyện Sa Thầy và dân tộc Ba Na nhánh Jơ Lâng tại huyện Kon Rẫy.

Thực hiện Quyết định số 3123 của Bộ VHTTDL về tổ chức xây dựng mô hình điểm sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch và phóng sự truyền hình tuyên truyền về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại Kon Tum, trong 2 ngày 29 - 30.12, Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) phối hợp với  Sở VHTTDL, UBND các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy đã tổ chức lễ ra mắt mô hình điểm câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở thôn Đăk Đe, xã Rờ Kơi (Sa thầy) và của đồng bào Ba Na ở làng Kon Brắp Du, xã Tân Lập (Kon rẫy).

 

Ông Trần Mạnh Hùng, Vụ phó Vụ Văn hóa dân tộc trao tặng hỗ trợ cho CLB sinh hoạt văn hóa thôn Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy

Theo đó, CLB sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân tộc Xơ Đăng nhánh Hà Lăng ở thôn Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy có 30 thành viên, gồm 1 nghệ nhân ưu tú, 24 nghệ nhân và 5 học sinh. CLB sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân tộc Ba Na nhánh Jơ Lâng ở làng Kon Brắp Du, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy có 35 thành viên, gồm 1 nghệ nhân ưu tú, 4 nghệ nhân và 30 em học sinh.

Phát biểu tại buổi ra mắt mô hình điểm 2 CLB sinh hoạt văn hóa, ông Trần Mạnh Hùng, Vụ phó Vụ Văn hóa dân tộc bày tỏ mong muốn, trên cơ sở 2 mô hình điểm CLB sinh hoạt văn hóa này, cộng đồng dân tộc Ba Na, Xơ Đăng nói riêng, cộng động các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngành văn hóa tỉnh Kon Tum không những làm tốt bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc mà sẽ nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác, cộng đồng các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum để công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng được lan tỏa và đạt kết quả tốt nhất.

“Việc xây dựng CLB sinh hoạt văn hóa này thể hiện mong muốn của các cấp chính quyền, đó chính là các nghệ nhân, những người đi trước bằng với kinh nghiệm, kiến thức của mình về văn hóa truyền thống sẽ trao truyền cho các thế hệ trẻ để nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu của thế hệ trẻ đối với văn hóa truyền thống của dân tộc; từ đó, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Một mong muốn nữa là làm sao CLB này sẽ được duy trì và gắn với phát triển du lịch để quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc đến với bạn bè trong nước và quốc tế”, Vụ phó Vụ văn hóa dân tộc Trần Mạnh Hùng nói.

Tại buổi lễ ra mắt CLB, nghệ nhân ưu tú A Jing Đen – Chủ nhiệm CLB sinh hoạt văn hóa làng Kon Brắp Du, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy bày tỏ sự cảm ơn đối với sự quan tâm, hỗ trợ của Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL), Sở VHTTDL và chính quyền huyện Kon Rẫy đã động viên, giúp đỡ cộng đồng thôn, làng bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Nghệ nhân ưu tú A Jing Đen kể, trước đây dân làng cũng ý thức việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình nhưng chỉ ở độ tuổi những người già, những người lớn tuổi. Từ năm 2004 được sự quan tâm của tỉnh, huyện, xã đã tuyên truyền, vận động chúng tôi phải giữ gìn và truyền lại những giá trị văn hóa đó cho thế hệ trẻ. Từ đó, công tác truyền dạy cho thế hệ trẻ được thực hiện thường xuyên, bài bản hơn, thế hệ trẻ cũng đón nhận bằng niềm đam mê, tình yêu đối với cồng chiêng.

Trao hỗ trợ cho CLB sinh hoạt văn hóa làng Kon Brắp Du

“Thành lập CLB là một khái niệm mới mẻ so với buôn làng, nhưng chúng tôi rất tin tưởng và xin hứa sẽ nỗ lực lưu giữ bản sắc truyền thống của dân tộc mình tốt hơn nữa, sẽ tích cực truyền dạy cho đội ngũ thế hệ trẻ kế cận để làm sao những giá trị văn hóa của dân tộc mình sẽ được lưu truyền từ đời này sang đời khác”, nghệ nhân ưu tú A Jing Đen xúc động.

Còn nghệ nhân A Thiu, Chủ nhiệm CLB sinh hoạt văn hóa thôn Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy cho biết, đối với cộng đồng người Xơ Đăng nhánh Hà Lăng trong thôn hiện nay vẫn giữ được các loại hình văn hóa trình diễn như: cồng chiêng, múa xoang, ting ning, sáo 3 lỗ, sáo nhiều lỗ, đàn đinh pút… Mỗi khi trong làng có lễ, hội hoặc xã, huyện tổ chức các chương trình văn nghệ, đội văn nghệ của làng đều tham gia biểu diễn.

“Hôm nay thành lập câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch, chúng tôi sẽ cố gắng, nỗ lực sưu tầm, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chú trọng công tác truyền dạy cho thế hệ trẻ, để họ có thể tiếp nhận, tiếp nối chúng tôi giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, nghệ nhân A Thiu bày tỏ.

Theo ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum, việc xây dựng mô hình CLB sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch là một chương trình có ý nghĩa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn  hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung, của cộng đồng dân tộc Xơ Đăng nhánh Hà Lăng ở Rờ Kơi, cộng đồng dân tộc Ba Na nhánh Jơ Lâng ở Tân Lập nói riêng. Là một chương trình ý nghĩa góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với việc xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

“Sở VHTTDL mong muốn trong thời gian đến, các CLB này sẽ có nhiều thành viên hơn nữa để nhằm bảo tồn lại các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc. Đồng thời, mong rằng các cấp, chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền, vận động bà con nhân dân để làm sao nhân rộng mô hình này ra không chỉ riêng ở địa bàn xã mà còn ra các địa phương khác trên địa bàn huyện, tỉnh. Từ đó, tạo ra các sản phầm văn hóa đặc trưng của địa phương, trên cơ sở đó tạo ra nguồn thu cho bà con trong việc phát triển du lịch cộng đồng”, ông Hoàng cho hay.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum cho biết thêm, về góc độ của Sở sẽ cử cán bộ chuyên môn phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thành phố, chính quyền địa phương để hướng dẫn trong cách tổ chức các CLB để làm sao chúng ta bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống, để trao quyền lại cho các thế hệ trẻ là người đồng bào DTTS.  Ngoài ra, mong rằng Vụ Văn hóa dân tộc quan tâm đến tỉnh Kon Tum để ngày càng có nhiều mô hình CLB sinh hoạt văn hóa dân gian như thế này. Đồng thời, cũng mong Bộ VHTTDL sẽ tổ chức những chương trình liên hoan, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các CLB sinh hoạt văn hóa giữa các tỉnh, thành phố với nhau.

Các nghệ nhân CLB sinh hoạt văn hóa thôn Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy biểu diễn cồng chiêng, múa xoang

Việc xây dựng mô hình điểm CLB sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum là hướng đi đúng đắn nhằm giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trước nguy cơ đang dần mai một. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; động viên, khích lệ các nghệ nhân sáng tạo những giá trị văn hóa và trao quyền lại cho thế hệ trẻ tiếp nối. Qua đó, góp phần vừa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, mang lại thu nhập cho người dân.

Nhân dịp này, ông Trần Mạnh Hùng, Vụ phó Vụ Văn hóa dân tộc  đã trao hỗ trợ ban đầu cho mỗi CLB 10 triệu đồng, tặng mỗi CLB 1 bộ loa để duy trì hoạt động. Thay mặt Vụ Văn hóa dân tộc tặng quà cho 6 nghệ nhân ưu tú trên địa bàn xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) và xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy), tặng 65 suất quà cho 65 thành viên của 2 CLB sinh hoạt văn hóa. Ngoài ra, Sở VHTTDL Kon Tum cũng trao tặng những suất quà cho những nghệ nhân của 2 CLB sinh hoạt văn hóa làng Đăk Đe và làng Kon Brắp Du.

NGỌC HÒA


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip
Xem trước Hyundai Grand i10 sắp về VN, Ford Maverick gặt 80 nghìn đơn sau 1 tháng ra mắt