A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần chủ động, không ngừng đổi mới, sáng tạo

VHO- Ngày 19.7 tại Hà Nội, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Lượng khách tăng trưởng ngoài mong đợi

Trình bày báo cáo sơ kết, ông Phạm Văn Quyến, Phó Trưởng Ban quản lý Làng Văn hoá -  Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn nỗ lực, tổ chức được nhiều hoạt động, sự kiện phù hợp với tình hình thức tế. Trong đó, phải kể đến các chương trình ý nghĩa như Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết, sự kiện Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc, Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam, chợ phiên vùng cao; tổ chức tái hiện 11 lễ hội, nghi lễ, phong tục của các dân tộc. Trong đó, 2 lễ hội do đồng bào hoạt động hàng ngày tổ chức. Ngoài ra, còn có 7 hoạt động trình diễn, giao lưu dân ca dân vũ, trưng bày giới thiệu.… Để tổ chức thành công chuỗi sự kiện, đặc biệt là 2 sự kiện thường niên Ngày hội sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốcNgày Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Làng đã tổ chức đón và phục vụ 27 lượt cộng đồng dân tộc với 387 lượt đồng bào tộc, 21 địa phương và hơn 30 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Múa rối Việt Nam về tham dự sự kiện kiện. Các hoạt động đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng cũng như đông đảo người dân trên khắp cả nước. Chuỗi sự kiện tổ chức được đánh giá bám sát kế hoạch số 4516/KH-BVHTTDL của Bộ VHTTDL về khung tổ chức các hoạt động năm 2022 tại Làng.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội nghị

Nhờ tổ chức được nhiều hoạt động đặc sắc, đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều du khách đã chọn Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam làm điểm đến trong hành trình của mình. Cụ thể ông Phạm Văn Quyến thông tin trong 6 tháng đầu năm, Làng đã triển khai tổ chức các hoạt động dịch vụ, đón tiếp khách tham quan tại Khu các làng dân tộc phù hợp với từng thời điểm. Lượng khách tham quan ước đạt khoảng 200.000 lượt khách, đạt 133% so với chỉ tiêu lượng khách được giao theo kế hoạch. Để hấp dẫn khách du lịch, thời gian tới, Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện và giới thiệu các tour du lịch phù hợp với từng đối tượng khách như tour Bản làng đón em, tour Ký ức trẻ, Family camp tour; phục vụ đối tượng khách là học sinh, trường học, nhóm khách gia đình.

Về công tác kiện toàn, huy động bổ sung nhân sự và tổ chức các hoạt động hàng ngày, Làng đã và đang triển khai hoàn thành củng cố, kiện toàn nhân sự nhóm dân tộc Khơ Mú và một số nhóm đồng bào còn thiếu nhân sự; tiếp tục duy trì, ổn định hoạt động hàng ngày của 13 cộng đồng dân tộc. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động hằng ngày của các nhóm đồng bào theo phụ lục hoạt động; triển khai liên hệ, làm việc với các địa phương về công tác huy động bổ sung 3 cộng đồng dân tộc về tham gia hoạt động hằng ngày theo kế hoạch được giao. Dự kiến trong tháng 7 này, nhóm dân tộc Gia Rai (tỉnh Gia Lai) sẽ về tham gia hoạt động. Hai nhóm còn lại, Làng đang phấn đấu huy động trong tháng 8, 9.2022.

Liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào DTTS, các đơn vị thuộc Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam đang tiến hành chỉnh sửa nội dung Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam tại Làng giai đoạn II (năm 2022) để phù hợp với nhu cầu thực tế; thực hiện các nội dung liên quan đến dự án Chuyển đổi số nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Qua đó, tạo môi trường giáo dục, tra cứu văn hóa và phát triển du lịch tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam…

Đổi mới, sáng tạo trong hoạt động

Ngoài những gì đã làm được, ông Phạm Văn Quyến cho hay: “6 tháng đầu năm qua, Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn dẫn đến công tác tổ chức hoạt động còn một số vướng mắc. Cụ thể, kinh phí chi hỗ trợ đồng bào các dân tộc hoạt động hằng ngày chưa được cấp bổ sung. Vì vậy, mức chi hỗ trợ sinh hoạt cho đồng bào tham gia hoạt động hằng ngày tại Làng còn thấp, gây khó khăn trong phối hợp, tìm kiếm, lựa chọn các cộng đồng dân tộc có chất lượng về tham gia hoạt động hằng ngày tại Làng. Hơn nữa, mô hình hoạt động của Ban Quản lý Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn chưa được quyết định, chuyển đổi để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao nên công tác xúc tiến đầu tư chỉ đang dừng ở hoạt động thăm dò, khảo sát, nghiên cứu xây dựng ý tưởng đầu tư…”.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt yêu cầu Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam phải liên tục đổi mới, sáng tạo thêm các hoạt động nhằm hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: KCLDT

Để khắc phục các hạn chế, trong 6 tháng cuối năm, Làng xác định sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, xác định nhiệm vụ từng tuần, từng tháng và thường xuyên đôn đốc thực hiện kế hoạch. Đội ngũ nhân sự nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong tập thể, trước hết là lãnh đạo Ban và lãnh đạo các đơn vị. Làng cũng sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ VHTTDL, tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022.

Đánh giá kết quả hoạt động của Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Ban Quản lý Làng đã có nhiều cố gắng, chủ động thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch công tác năm 2022 được Bộ VHTTDL giao. Đối với các nhiệm vụ không thể hoàn thành hoặc chậm tiến độ, Ban Quản lý đã chủ động báo cáo Bộ VHTTDL đề xuất phương án điều chỉnh. Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt yêu cầu Làng cần tập trung mọi nguồn lực, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Bộ VHTTDL giao; tổ chức thành công sự kiện Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2022 . Thứ trưởng đặc biệt lưu ý, Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam phải chủ động, không ngừng đổi mới, sáng tạo, cho ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách. Từ đó, đón và phục vụ nhiều khách hơn trong 6 tháng cuối năm 2022 cũng như các giai đoạn tiếp theo. Trong quá trình đón khách du lịch, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nêu rõ do tình hình dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến nên Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần tính toán thêm nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho du khách. Ngoài ra, phải tiếp tục tập trung chăm lo cho đời sống đồng bào DTTS đang sinh sống và làm việc tại Làng.

Đối với những khó khăn, Thứ trưởng đề nghị những vấn đề có thể chủ động giải quyết, Ban Quản lý Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam phải quyết liệt hành động để khắc phục. Trường hợp cần sự phối hợp, Ban Quản lý nhanh chóng báo cáo để lãnh đạo Bộ nắm tình hình và có giải pháp tháo gỡ. Mục tiêu là đưa Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam khẳng định, mặc dù nguồn nhân lực của Làng hiện nay còn hạn chế nhưng Làng sẽ quyết tâm vượt khó, thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao. Dự kiến, Làng cũng sẽ tổ chức một số buổi làm việc để cùng nhau nhìn nhận trực diện vấn đề, đưa ra các giải pháp.

ĐÌNH TOÁN


Tags: văn hóa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...