Văn hóa trong di chúc Bác Hồ
Di chúc là những lời căn dặn tâm huyết, gửi gắm mọi tâm nguyện cuộc đời của Bác; toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”; là sự kết tinh của tinh hoa văn hoá dân tộc với tinh hoa văn hoá của nhân loại. Đó chính là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta, có giá trị to lớn về nhiều mặt; trở thành ánh sáng soi đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, chẳng những đối với nhân dân ta mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, hoà bình, công lý, vì hạnh phúc của con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Người đã dẫn dắt Đảng và dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cho nên dễ hiểu tại sao trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại “trước hết nói về Đảng” mà cụ thể là về văn hoá Đảng. Từ góc độ văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đoàn kết chính là giá trị, là sức mạnh và cũng là hạt nhân quan trọng của văn hóa Đảng. Trong Đảng phải đoàn kết nhất trí, thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đặc biệt Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Trong hai câu văn ngắn gọn nhưng Người liên tiếp sử dụng hai từ “thật sự” và “thật” như một lời nhắn gửi mang tính quy luật, phổ biến, phải làm thường xuyên, liên tục, nếu không Đảng khó lòng mà giữ nổi vai trò cầm quyền của mình. Điều đó cho thấy sự nung nấu, suy tính của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều năm, chứa đựng chiều sâu của tư tưởng, tình cảm, chiều cao trí tuệ của Người.
Để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Người chỉ rõ: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Quan tâm đến con người với ý nghĩa là chủ thể sáng tạo của mọi giá trị văn hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết chăm lo phần “công việc đối với con người”. Đây là công việc khó khăn, vô cùng phức tạp nên Người rất quan tâm căn dặn và phần nội dung này cũng là phần nội dung được viết dài nhất trong Di chúc. Dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sau mỗi lần chiến thắng, ông cha ta lại có kế sách để bồi dưỡng sức dân, tăng cường lực lượng. Với tình thương bao la dành cho mọi tầng lớp nhân dân, Bác chỉ rõ: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh... Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Đó chính là biểu hiện cụ thể của đạo lý văn hoá truyền thống dân tộc Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”,… mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa một cách trọn vẹn. Lời căn dặn nói trên chứng tỏ Người hiểu thấu đáo ngọn nguồn về nhân dân. Người thực sự quan tâm lo lắng cho dân và về mối quan hệ giữa Đảng với Dân và Dân với Đảng. Trong tình thương bao la dành cho mọi tầng lớp nhân dân, Bác trăn trở nhiều đến nông dân, tầng lớp vất vả “một nắng hai sương” tích cực tăng gia sản xuất, luôn là động lực to lớn của sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngay đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, Người cũng nhắc nhở “Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Quan điểm này thể hiện rõ lòng nhân ái, đức hiếu sinh, văn hoá khoan dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chinh phục “nhân tâm” bằng chính trái tim yêu thương con người, từ chính phong cách ứng xử đượm chất nhân văn của mình khi Người còn sống, và nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng rộng lớn, sâu xa đến mọi người khi Người đã đi xa. Người mãi mãi là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ chúng ta noi theo.
Lời cuối cùng trong bản Di chúc có lẽ là tình cảm lắng đọng, gây xúc động mạnh nhất, trở thành đề tài phong phú cho văn học nghệ thuật về tấm lòng của Bác đối với nhân dân. “Để lại muôn vàn tình thân yêu” - cách nói sao mà nghe thân thuộc, tha thiết, cháy bỏng. Bác ra đi, không đem theo gì cho mình, Bác để lại trọn vẹn cho đồng chí, đồng bào, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng: Cuộc sống và tình yêu, lý tưởng và ước nguyện, ham muốn tột bậc đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… Bác lo cho đến khi từ biệt thế giới này, không có điều gì phải hối hận, “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Bác “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.
Từ ngày Bác Hồ đi xa đến nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức và quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, lấy nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, kinh tế là trọng tâm với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội. Cách mạng nước ta phải trải qua muôn vàn thử thách, dù thế giới biến đổi khôn lường, toàn Đảng và toàn dân ta nguyện sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Đọc bản Di chúc của Bác Hồ chúng ta thấy đậm nét văn hóa đạo đức, thấy rõ văn hóa đã thấm sâu vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Văn hóa phải loại trừ tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ. Văn hóa là phải làm cho mọi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, ai ai cũng hiểu được nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc mà mình được hưởng. Văn hóa có cốt lõi là đạo đức. Đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng xuất phát từ chính ý nghĩa văn hóa, đạo đức hết sức nhân văn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là một cuộc cách mạng xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân, hợp với lòng dân, hợp với xu thế của thời đại và thực sự là cuộc hành trình đến những giá trị văn hóa đích thực nhất.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hóa, quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã đề ra đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa, được thể hiện thông qua các chỉ thị, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, v.v.. đã góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách của con người Việt Nam trong thời kỳ mới hướng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” như Di nguyện của Bác Hồ.
NGUYỄN VĂN CÔNG- nguyên Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch