A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Coóng phù xứ Lạng

VHO- Sau Tết, tháng giêng, thực sự sang xuân với tiết trời se lạnh, mưa phùn lất phất. Chuyến xuất hành tiếp theo đầu năm của chúng tôi quyết định chọn điểm đến là Lạng Sơn.

Trong những ngày đông giá lạnh của vùng núi Xứ Lạng, không gì thú vị hơn khi ngồi thưởng thức hương vị cay nồng của gừng, vị ngọt của đường, hòa trong sự dẻo, dai của từng viên coóng phù (bánh trôi) – món ăn “sưởi ấm” ngày đông xứ Lạng. 

Đây là loại bánh có nguồn gốc từ cộng đồng người Tày sinh sống lâu đời ở Lạng Sơn. Thoạt nhìn, coóng phù không khác bánh trôi của miền xuôi là mấy, cách làm cũng tương tự bánh trôi. Nhưng khác với bánh trôi ở chỗ, nhân coóng phù được làm bằng đỗ xanh nấu chín giã nhuyễn trộn đường kính. 

Người ta dùng gạo nếp xay thành bột nước, sau khi công đoạn xay sẽ cho bột bánh vào túi vải đã giặt sạch, sau đó treo túi bột lên để ráo nước tự nhiên hoặc dung cối xe đá để đặt lên túi bột bánh, thường sẽ mất một đêm để bột khô lại, sau đó đổ bột bánh vào chậu nhôm đã khô và nhào cho dẻo . Đặc biệt, bột càng lọc kỹ, bánh càng dẻo dai, không vỡ nát lúc sôi lửa.

Việc nặn bánh cũng lắm công phu. Từng viên tròn đều tăm tắp, to cỡ viên bánh trôi. Mỗi viên được ấn dẹt phần đầu, chấm thêm chút vừng lên trên, rồi đặt ngay ngắn trong khay. Nếu như nhân bánh trôi của người dưới xuôi sẽ dùng đường phên đỏ, thì bên trong mỗi viên coóng phù là đỗ xanh xay nhuyễn trộn cùng đường cát tinh khiết. Ngoài những viên coóng phù màu trắng, người ta còn trộn thêm gấc chín để tạo sắc đỏ cam hấp dẫn.

Công thức làm coóng phù có nhiều điểm tương đồng với cách làm bánh trôi của người xuôi. Quá trình nặn bánh đòi hỏi người làm cần tỉ mỉ, khéo léo sao cho kích thước mỗi viên coóng phù to hơn viên bi, chấm một ít vừng rồi ấn dẹt. Khi có khách vào ăn mới thả những viên bánh vào nồi nước đường mật. Khi bánh chín nổi trên mặt nước đợi thêm 1 - 2 phút mới vớt ra để bánh mềm hơn. Mỗi bát nhỏ đựng từ 10 - 12 viên.

Cách chế biến coóng phù đòi hỏi người làm kỳ công, tỉ mỉ với nhiều công đoạn. Nước chan coóng phù phải là nước đường hoa mai, thả một vài lát gừng tạo mùi thơm, cay nhẹ để giữ ấm cơ thể trước cái lạnh của vùng cao xứ Lạng. Ngoài ra, khách hàng thưởng thức coóng phù còn cảm nhận được vị thơm, ngọt, bùi của một chút lạc rang giã dập cùng với dừa nạo. Ngoài những viên coóng phù màu trắng, người làm bánh còn trộn thêm gấc chín để tạo sắc đỏ cam hấp dẫn.

Nếu bạn đã đến xứ Lạng vào những ngày mùa đông chắc chắn tin rằng bạn sẽ không thể quên được cái lạnh buốt của mảnh đất này. Nhưng bù lại những ngày mùa đông lạnh giá tại đây người dân xứ Lạng sẽ giúp bạn sưởi ấm bằng những món ăn ẩm thực đặt biệt. 

Đặc biệt bánh coóng phù. Một món ăn là sự kết hợp hài hòa của vị cay nồng của gừng, vị ngọt ngào của nước đường được làm thủ công từ mía và vị dẻo thơm mềm mại của gạo nếp trong từng viên bánh.

Mùa đông, bạn có thể tìm thấy những quán bán coóng phù ở nhiều nơi, đặc biệt là khu vực chợ đêm Kỳ Lừa. Với mức giá chỉ mười nghìn đồng một bát, đây là món ăn vặt đáng thử khi đến thăm vùng non xứ Lạng đấy. Còn gì thú vị hơn khi ngồi trong quán nhâm nhi bát bánh nóng hổi trong khi gió lạnh vẫn thổi ngoài đường kia.

                                 LÊ THÚY HẰNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip
Xem trước Hyundai Grand i10 sắp về VN, Ford Maverick gặt 80 nghìn đơn sau 1 tháng ra mắt