Nghệ Nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh trăn trở giữ gìn nét đẹp hầu đồng
Nghệ nhân Đặng Ngọc Anh (Co Dong Anh) sinh năm 1972 tại huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Ông là nghệ nhân tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu từ khi mới 12 tuổi. Đến nay, nghệ nhân đã thực hành thuần thục với trình độ nghệ thuật cao 36 giá đồng, thể hiện 50 đến 60 vị thánh với phong cách đặc thù riêng, đổi diện qua từng nhân vật.
Với vai trò là Phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, NNƯT Ngọc Anh (Co Dong Anh) đã luôn tâm huyết cùng trung tâm tích cực quảng bá, giới thiệu những giá trị của đạo Mẫu thông qua các cuộc hội thảo khoa học và liên hoan.
Những năm qua, ông cũng tích cực tham gia nhiều công tác từ thiện, công tác tu bổ, tôn tạo các đền, phủ và mới nhất là tại đền Đông Cuông (Văn Yên-Yên Bái). NNƯT Ngọc Anh khẳng định: “Nghi lễ hầu đồng rất quan trọng và có tầm vóc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt Nam. Có người hầu đồng nhằm cầu bình an, cầu cho mọi việc trong gia đình hanh thông. Có thể vợ chồng đang giận nhau nhưng khi lên trình mẫu về nhà lại hết bực tức. Cũng có người tìm đến cửa thánh để xin lộc, xin tài cho bản thân và gia đình”.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. Tín ngưỡng thờ Mẫu thường được biết đến nhiều với những hình ảnh hầu đồng. Thực chất, hầu đồng là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp hát chầu văn, một loại hình âm nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu dặt dìu cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm... từ đó đưa con người (thanh đồng) vào trạng thái thăng hoa. Hầu đồng có tất cả 36 vở diễn xướng, tục gọi là 36 giá đồng, mỗi giá nói về huyền tích của một vị thánh, làm nghi lễ nhảy, múa, ban lộc, phán truyền...
Trải qua thời gian, tín ngưỡng thờ Mẫu, mà tiêu biểu là nghi lễ hầu đồng đang dần bị đổi thay, bị thương mại hóa. Nhu cầu hầu đồng của người dân ngày một tăng, dẫn đến hiện tượng quá tải trong việc tổ chức hầu đồng ở các đền phủ, đặc biệt là các đền phủ lớn. Số tiền mà thanh đồng bỏ ra có thể lên đến hàng chục triệu, thậm chí là cả trăm triệu đồng. Nhiều gia đình và cá nhân cũng lập điện thờ ngay trong nhà để hoạt động tín ngưỡng hầu đồng. Những thanh đồng là những người được gọi là có căn đồng hay một số người gọi là “tám vía”. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải thanh đồng nào cũng có căn đồng tự nhiên; có người không có căn cốt hầu đồng nhưng chạy theo như một xu thế, một sự cuồng tín, học hát vội vã qua băng đĩa, không theo quy chuẩn, làm mất đi nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu.
NNƯT Đặng Ngọc Anh (Co Dong Anh) trăn trở: “Chúng ta phải nên nhớ rằng hầu đồng là diễn xướng, đóng vai diễn lại các tích của các vị Thánh để mong các ngài ban lộc ban tài. Bởi vậy, tôi mong rằng các thanh đồng hãy gìn giữ nét đẹp của hầu đồng, đừng chạy theo một cách cuồng tín mà làm mất đi nét đẹp của nghệ thuật này”.