A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xác lập kỷ lục mâm cỗ lá đặc sắc và lớn nhất Việt Nam

VHO- Liên hoan ẩm thực và trình diễn nghề truyền thống tỉnh Hòa Bình năm 2019 diễn ra từ ngày 7- 9.12 tại Quảng trường Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Tại Lễ khai mạc Liên hoan, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã trao bằng chứng nhận xác lập kỷ lục mâm cỗ lá đặc sắc và lớn nhất Việt Nam.

Mâm cỗ lá đặc sắc này do 15 nghệ nhân ẩm thực tỉnh Hòa Bình thực hiện

Mâm cỗ lá truyền thống dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình do 15 nghệ nhân ẩm thực tỉnh Hòa Bình thực hiện là một sản phẩm độc đáo được giới thiệu tại Liên hoan và quảng bá ẩm thực truyền thống dân tộc Mường Hòa Bình. Chiếc mâm được tạo bởi 11 cây tre được các nghệ nhân đan lát thi công bằng phương pháp chẻ nhỏ, đan trong vòng 1 tuần, mâm có hình tròn, đường kính rộng 2,5m. Mâm cỗ lá được lót bởi cây chuối rừng, được tạo bởi 22 món ăn độc đáo và dân dã, xung quanh được trang trí bằng bạt in họa tiết, hoa văn trống đồng, hình ảnh mâm cỗ lá và một số món ăn đặc trưng của tỉnh Hòa Bình.

Giới thiệu ẩm thực đặc sắc tỉnh Hòa Bình

Nguyên liệu để chế biến các món ăn cụ thể gồm: thịt lợn, cá sông Đà, xôi nếp, cua đồng, măng, các loại rau rừng…Mâm cỗ được chia thành 6 phần theo tỉ lệ tương xứng với các món ăn, thể hiện cho 6 dân tộc đang sinh sống ở Hòa Bình.

Phó chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam Trần Chiến Thắng trao chứng nhận mâm cỗ lá đặc sắc và lớn nhất Việt Nam

Phó chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam Trần Chiến Thắng đã trao chứng nhận kỷ lục mâm cỗ lá đặc sắc và lớn nhất Việt Nam cho bà Trần Thị Niềm, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình.

Trong khuôn khổ Liên hoan có 33 gian hàng trưng bày các mặc hàng nông sản, đặc sản địa phương, đồ thủ công mỹ nghệ và các món ăn đến từ 11 huyện/ thành phố, 11 làng nghề truyền thống và các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh. Ngay ngày khai mạc, Liên hoan đã thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan và tìm hiểu về các làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống, mua bán các loại đặc sản của Hòa Bình.

Ban giám khảo gồm các chuyên gia du lịch, ẩm thực, đại diện TCDL chấm thi các gian hàng ẩm thực

Bên lề Liên hoan sẽ có các hoạt động chủ yếu như: biểu diễn văn nghệ dân gian như: hát ví, đúm, thường đang, hát đối và một số trò chơi dân gian; trình diễn dã bánh dày của dân tộc Mông; làm rượu cần, cơm lam của dân tộc Mường…

Mâm cỗ truyền thống của người dân huyện Kỳ Sơn

Tại lễ khai mạc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương cho biết: Hòa Bình là vùng đất có bề dầy lịch sử, văn hóa đặc sắc, nổi tiếng, với dân số trên 870.000 người, 7 dân tộc cùng chung sống là Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông, Hoa... mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa độc đáo, đã tạo nên một bức tranh văn hóa đầy màu sắc tại vùng cửa ngõ miền Tây Bắc tươi đẹp. Đây chính là tài nguyên, là điều kiện thuận lợi để tỉnh Hòa Bình tổ chức khai thác và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Liên hoan thu hút nhiều người dân và du khách

Thông qua đó, tôn vinh, quảng bá và giới thiệu cho du khách những làng nghề truyền thống của các dân tộc và các món ăn độc đáo, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh Hòa Bình. Năm 2019, Hòa Bình đón 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 400.000 khách quốc tế, tăng 17,3% so với năm 2018, tổng thu du lịch ước đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 37,2% so với năm 2018.

THÚY HÀ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip
Xem trước Hyundai Grand i10 sắp về VN, Ford Maverick gặt 80 nghìn đơn sau 1 tháng ra mắt