Các anh hùng liệt sĩ, thương binh "đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi"
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ ngành Trung ương và TP Hà Nội, các nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước và 450 đại biểu tiêu biểu đại diện cho gần 10 triệu người có công, thân nhân người có công trên cả nước. Trong đó có 376 đại biểu nam, 74 đại biểu nữ, 41 đại biểu là người dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Ba Na, Pa Kô, Cơ Tu, Cor...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các Mẹ Việt Nam anh hùng
450 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu được lựa chọn từ cơ sở, là những điển hình trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, là những người cả cuộc đời đi tìm hài cốt đồng đội hay gắn bó với anh linh các liệt sĩ; họ là những người mẹ, người vợ, người con trung hậu đảm đang; là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học và những thương binh, bệnh binh tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt, hình mẫu trong cuộc sống đời thường,… những người không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng đất nước.
Đặc biệt có đại biểu là lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 14 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, vui mừng được chào đón 8 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 300 thương binh, bệnh binh, 73 thân nhân liệt sĩ và các đại biểu người có công với cách mạng khác. Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Điểm, là đại biểu cao tuổi nhất, năm nay mẹ đã tròn 107 tuổi; bên cạnh đó có 5 đại biểu tham dự đến nay đã trên 90 tuổi.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cácthương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.
Chủ tịch nước nêu rõ, chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương thể chất và tinh thần vẫn còn hằn trên thân thể của những người thương binh và gia đình của những liệt sĩ. Những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn những giá trị của hòa bình. Chủ tịch nước đánh giá cao nhiều tấm gương trong gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, sản xuất, kinh doanh giỏi, phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con, cháu trưởng thành,đồng thời tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, lan tỏa tình yêu thương, nhân ái trong xã hội. Những tấm gương bình dị mà cao cả, tỏa sáng, nhất là trong lúc thiên tai, dịch bệnh, góp phần làm rạng rỡ, vinh danh hai tiếng Việt Nam, được bạn bè quốc tế trân trọng ghi nhận và khâm phục đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.
Các đại biểu người có công về dự buổi lễ
Nhấn mạnh đạo lý truyền thống tốt đẹp nghìn đời của dân tộc "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây”, Chủ tịch nước nêu rõ, 75 năm qua, rất nhiều phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, huy động được nguồn lực to lớn của nhà nước và cộng đồng nhằm thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, mang lại hiệu quả to lớn về chính trị-xã hội. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc, nâng cao đời sống các hộ gia đình người có công với nước đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân, như lẽ tự nhiên nhất, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn xã hội. Qua đó đã khơi dậy lòng yêu nước, củng cố nền tảng đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống đạo lý của đất nước.
Để triển khai công tác đền ơn, đáp nghĩa có chiều sâu, thực chất và hiệu quả trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các cấp các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể xã hội và mỗi người dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực, thường xuyên, liên tục với phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự và mệnh lệnh từ trái tim.
Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH báo cáo công tác chăm sóc người có công và hoạt động đền ơn đáp nghĩa những năm qua
Cùng với đó, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công, xây dựng xã hội giàu lòng nhân ái, nhân văn, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Nỗ lực, chú tâm chăm lo hơn nữa các gia đình người có công cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, không nơi nương tựa, người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.
Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung xúc động: “Các anh hùng liệt sĩ, thương binh "đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi". Họ chiến đấu, hy sinh để Tổ quốc ta độc lập, tự do, thống nhất và dân tộc ta mãi mãi trường tồn. Tinh thần bất diệt, tấm gương sáng ngời của họ sẽ sống mãi với non sông Việt Nam, tiếng thơm của họ sẽ mãi mãi lưu truyền trong sử sách. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời vinh danh, ghi nhớ công ơn, luôn tự hào, nguyện kế tục và thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, đồng bào, chiến sĩ cả nước”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trao quà cho người có công và các thương bệnh binh
Báo cáo về công tác chăm sóc người có công với cách mạng, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ toàn quốc trong 75 năm qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước luôn quan tâm, triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng, đến nay đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, trên 139 ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, gần 800 ngàn thương binh, bệnh binh và gần 320 ngàn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học, gần 111 ngàn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng,… Cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực.
Với ý chí tự lực, tự cường, phát huy phẩm chất "Anh bộ đội cụ Hồ", người “Chiến sĩ công an nhân dân”, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Tàn nhưng không phế”, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hoà mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập..., góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Chủ tịch nước cùng Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung tặng quà tuyên dương, tri ân những người có công tiêu biểu năm 2022
Hội nghị vô cùng xúc động được đón tiếp Mẹ Việt Nam Anh hùng Kiều Thị Nông, hiện đang sinh sống tại TP HCM, là thương binh 4/4 (thương tật 35%), là người đã lần lượt mất đi người chồng, người con của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc, cả cuộc đời mẹ đã cống hiến cho cách mạng, ngay cả khi nước nhà thống nhất, mẹ cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội với nhiều cương vị khác nhau, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Chúng ta vô cùng cảm phục và ngưỡng mộ những thành tích trong chiến đấu của Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, sinh năm 1938, là thương binh thương tật 47%, hiện cư trú tại thành phố Hà Nội. Nhập ngũ năm 1960, trong thời kỳ kháng chiến, ông đã tham gia bắn rơi 19 máy bay các loại. Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm ông đã chỉ huy bắn rơi 4 máy bay B52 của Mỹ làm quân địch khiếp sợ. Khi về hưu ông là người sáng lập và duy trì Trung tâm nhân đạo Hồng Đức cho trẻ em và những người kém may mắn. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào tháng 9.1973…
Tôn vinh và tri ân, biểu dương tất cả những tấm gương tiêu biểu của các thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công cả nước mà đại diện là 450 đại biểu có mặt tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ tiếp tục phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc, lòng tự tôn dân tộc được hun đúc từ ngàn đời nay. Chúng ta cần thường xuyên nhắc nhở rằng, việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp cha ông đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.
QUỲNH HOA; ảnh: THỐNG NHẤT - MẠNH QUÂN