Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thăm và làm việc các trường, trung tâm đào tạo thuộc Bộ VHTTDL tại Đà Nẵng
Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và đoàn công tác của Bộ, ông Phan Thanh Hài - Hiệu trưởng trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng cho biết: Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng hiện nay có 154 viên chức và người lao động, trong đó có 108 giảng viên. Năm học 2019 -2020, quy mô đào tạo của trường là gần 1.000 học viên (gồm đại học chính quy, liên thông, cao học). Tỷ lệ SV xếp loại học tập từ khá trở lên là 68,40%; tỷ lệ SV tốt nghiệp loại khá trở lên đạt 69,82%, trong đó loại giỏi đạt 18,92%, xuất sắc đạt 5,41%.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thăm và làm việc Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng
Thực tế, việc sinh viên học ở các trưởng thể thao ra trường rất khó khăn trong việc tiếp cận vì chuyên môn thể thao bây giờ rất khác và mới, nên công tác đào tạo cần những hướng đi mới để phù hợp với xu thế. Hiện nay, các mã ngành, các môn hoc như kinh tế thể thao, marketing thể thao, truyền thông thể thao; thể thao kết hợp với du lịch, thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm, các hoạt động khác rất rộng như dù lượn, thuyền buồm… rất phát triển. Theo đó yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo thể dục thể thao cũng phải có kế hoạch đào tạo chất lượng, đổi mới để đạt yêu cầu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị nhà trường cần mạnh dạn phối hợp với các đơn vị, lĩnh vực khác thuộc Bộ để có những định hướng đào tạo sáng tạo, cởi mở. “Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng là một môi trường đào tạo lớn, vì vậy cần phải tìm những hướng đi mới cho công tác đào tạo. Nghiên cứu mở ra ngành nghề nào mà có sự thu hút đối với học sinh sinh viên chứ đừng nên bó hẹp trong 4 chuyên ngành đã được mặc định từ trước”, Bộ trưởng nói.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao những thành tích thể thao Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã đạt được trong nhiều năm qua: “Ngành thể thao cả nước nói chung những năm qua đã đạt được nhiều thành tích, vị thế và vai trò của thể thao được khẳng định, nâng cao, được nhà nước quan tâm và ghi nhận. Đó là điều rất may mắn và đáng mừng của ngành thể thao trên cả nước”.
Báo cáo với Bộ trưởng, ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm HLTT Quốc gia Đà Nẵng cho biết: Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm đã triển khai công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ và các vận động viên một cách tốt nhất, đồng thời vẫn duy trì những hoạt động thể lực cho VĐV: “Đội tuyển trẻ vẫn duy trì việc tập luyện chuyên môn và duy trì tập luyện thể lực chung. Riêng đối với 3 đội tuyển Bơi, Cầu lông, Taewondo và đội bơi thể thao người khuyết tật có bể bơi và phòng tập ngoài khuôn viên Trung tâm nên việc cấm trại, không được tập luyện trong điều kiện tốt nhất như bể bơi, phòng tập cầu lông là rất khó khăn. Ban huấn luyện của hai đội Bơi và Cầu lông phải lựa chọn phương án cho các VĐV của mình tập thể lực, duy trì thể trạng trong suốt thời gian phòng chống dịch là rất khó khăn vất vả. Đối với đội đua thuyền tập luyện và ăn, ở tập trung tại Đồng Xanh, Đồng Nghệ (huyện Hòa Vang) cách trung tâm khoảng 40km và có hơn 40 HLV, VĐV tại đây được bố trí ăn ở khép kín, cách xa khu dân cư đồng thời TP Đà Nẵng trong thời gian phòng dịch cũng đã bố trí chốt an ninh, kiểm tra chặt chẽ việc ra vào khu vực”.
Bộ trưởng làm việc với Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng
Tại Trung tâm HLTT Quốc gia Đà Nẵng, cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị phục vụ tập luyện - thi đấu được đảm bảo để phục vụ nhu cầu về ăn ở, sinh hoạt, hoạt động văn hóa tinh thần cho hơn 250 HLV, VĐV. Trong năm 2020, Trung tâm HLTT Quốc gia Đà Nẵng đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thi đấu các giải quốc tế, giải khu vực, giải quốc tế mở, giải các nhóm tuổi trẻ toàn quốc, giải Cup các CLB mạnh, giải Cup đồng đội, giải vô địch quốc gia với kết quả đạt được là 121 HCV; 93 HCB; 96 HCĐ; Nhiệm vụ năm 2021 của HLTT Quốc gia Đà Nẵng là tiếp tục nâng cao công tác huấn luyện nâng cao thành tích thể thao phục vụ các giải thi đấu quốc tế năm 2021; chuẩn bị cho Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật lần thứ 6 (AIMAG6); Đại hội Thể thao trẻ châu Á, vòng loại Olympic và Segame 31.
Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT cho rằng, thể thao Đà Nẵng rất nỗ lực trong việc huấn luyện và đào tạo các VĐV chất lượng cao: “Đà Nẵng đã cung cấp nhiều huy chương cho đoàn thể dục thể thao Việt Nam, giành được nhiều huy chương. Qua nhiều đợt dịch và bão lũ, qua kiểm tra và đánh giá cho thấy Trung tâm HLTT Đà Nẵng vẫn có chuẩn bị rất tốt để chuẩn bị cho các sự kiện thể thao, đảm bảo phong độ của VĐV”.
Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đồng ý với kiến nghị của Trung tâm HLTT Quốc gia Đà Nẵng về việc cải tạo nâng cấp đường nội bộ, mặt bằng Trung tâm theo kế hoạch năm 2021; đề xuất về bổ sung kinh phí phục vụ cho SEA GAME 31 và Đại hội Thể thao Olympic 2021.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng đoàn công tác có chuyến thăm thăm hỏi và động viên thầy trò trường Cao Đẳng Du lịch Đà Nẵng. Tại đây, Bộ trưởng đánh giá cao cơ sở vật chất khang trang của nhà trường, chúc thầy trò trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng càng ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng là một cơ sở đào tạo chất lượng của ngành VHTTDL.
Năm 2020, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng mở thêm mã ngành mới Quản trị du lịch MICE. Mã ngành mới sẽ cung cấp đội ngũ nhân viên chuyên lữ hành MICE chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội. Nâng tổng số ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng của trường là 8 ngành nghề. Năm 2019 - 2020, nhà trường tập trung đẩy mạnh liên kết với hơn 50 doanh nghiệp du lịch để phối hợp định hướng nghề, thực hành cho sinh viên. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác với nhiều đơn vị quốc tế nhằm liên kết đào tạo như Học viện nữ Kyung-in (Hàn Quốc), Đại học JeonJu (Hàn Quốc), Học viện tài chính tại Singapore… Đặc biệt, nhà trường hợp tác với Tập đoàn Mos Burger và Công ty Prime Change đến từ Nhật Bản dự kiến đưa sinh viên sang Nhật Bản để học, thực tập và làm việc.
NGỌC HÀ