A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Toàn ngành phải nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa

VHO- Ngày 28.7, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì Hội nghị với sự tham gia của đại diện VP Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL.

Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 Bộ VHTTDL

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, thời gian qua, cùng với cả nước, Bộ VHTTDL đã phải hứng chịu những hậu quả nặng nề do dịch Covid-19 gây ra và phải nỗ lực rất nhiều mới có thể vượt qua. Thời gian tới, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, chắc chắn sẽ còn nhiều nguy cơ và thử thách, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành phải có những cố gắng để hoàn thành những nhiệm vụ đã đặt ra.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ VHTTDL được giao xây dựng 1 Nghị định của Chính phủ, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 Quyết định, 1 Chỉ thị. Tính đến ngày 30.6, Bộ VHTTDL được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 88 nhiệm vụ, đã hoàn thành 35 nhiệm vụ, đang thực hiện 53 nhiệm vụ theo tiến độ quy định. Những tháng tới, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng các nhiệm vụ trong Chương trình xây dựng văn bản, đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tập trung hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá vì sự phát triển bền vững trình Thủ tướng Chính phủ. Thẩm định hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, công nhận bảo vật quốc gia; lập quy hoạch bảo tồn di tích…

Công tác cải cách hành chính được triển khai tích cực, bám sát nội dung của Kế hoạch hoạt động năm 2020 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025. Ban hành Kế hoạch: kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và theo dõi thi hành pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; rà soát, đánh giá quy định thủ tục hành chính năm 2020. Bộ phận Một cửa tại các đơn vị triển khai nhiệm vụ, chức năng để giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân theo quy định. Hiện nay các thủ tục của Bộ đã được cung cấp trực tuyến ở các mức độ từ 1-4.

Trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi 9 di tích quốc gia đặc biệt; ban hành Quyết định xếp hạng 21 di tích quốc gia; thêm 11 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì Hội nghị

Bộ đã ký kết với UB MTTQ Việt Nam Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2020-2025; tổ chức Hội nghị toàn quốc “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở”; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch thông tin, tuyên truyền công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2020. Tuyên truyền cổ động Năm Chủ tịch ASEAN 2020 với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Công tác xây dựng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó có việc xây dựng Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”; Đề án: “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030”; phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài các dân tộc thiểu số vùng miền núi năm 2020.

Sau khi Luật Thư viện được Quốc hội thông qua, Bộ đã hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện. Triển khai xây dựng Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi); xây dựng Đề án “Quảng bá du lịch thông qua các hoạt động điện ảnh” được tập trung triển khai.  Chỉ đạo tổ chức các Đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn đất nước, tuần phim ASEAN 2020. Hệ thống các rạp chiếu phim trong cả nước đã mở cửa trở lại.

Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được thực hiện nghiêm túc; việc thẩm định cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn theo đúng trình tự, quy định. Tập trung xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị tổ chức các hoạt động triển lãm phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn tại địa phương. Công tác thẩm định, cấp phép tổ chức triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh theo đúng quy định pháp luật.

Quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nói về những khó khăn của các nhà hát, anh em văn nghệ sỹ trong đại dịch Covid-19

Công tác bảo vệ bản quyền tác giả và các quyền liên quan tập trung xây dựng, triển khai các Đề án về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; phối hợp hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Việc thụ lý, cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; khiếu nại, giải quyết khiếu nại tố cáo vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định.

 Công tác quản lý nhà nước về gia đình được đẩy mạnh. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về “Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình”. Chủ trì xây dựng hồ sơ lập đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Triển khai tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế, tồn đọng cần được giải quyết một cách quyết liệt hơn. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng người dân địa phương thất thu lớn do các lễ hội không được tổ chức để phòng chống dịch, khách đến tham quan bảo tàng, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên cả nước rất ít.

Việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở địa phương và hợp nhất các đơn vị nghệ thuật chuyển sang hình thức ngoài công lập vào Trung tâm văn hóa thành một đầu mối đã phát sinh những bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng trong định hướng hoạt động. Hệ thống thư viện cấp huyện sáp nhập với các thiết chế văn hóa khác, dẫn đến hoạt động thư viện gặp nhiều khó khăn.

Một số địa phương buông lỏng quản lý trong cấp phép xây dựng tượng đài có nội dung tôn giáo, nhất là ở những khu du lịch, du lịch tâm linh. Việc xây dựng tượng ngoài trời ở nơi công cộng không có giấy phép, không đạt yêu cầu về chất lượng, thẩm mỹ vẫn còn xảy ra.

Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình tại địa phương thường xuyên thay đổi, biến động; công tác gia đình càng gặp nhiều khó khăn do việc sát nhập tổ chức bộ máy; chưa có mạng lưới cộng tác viên về lĩnh vực gia đình ở cơ sở.

Trong lĩnh vực thể dục, thể thao; du lịch cũng có rất nhiều khó khăn. Nhiều giải thể thao trong nước và quốc tế không thể tổ chức do dịch bệnh Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, thể thao Việt Nam đã tham gia 18 giải thể thao quốc tế, giành được 26 huy chương vàng, 11 huy chương bạc, 08 huy chương đồng. Đến nay, Việt Nam đã có 5 suất chính thức tham dự Olympic Tokyo gồm các môn: Bắn cung, Boxing, Thể dục dụng cụ, Bơi.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh những hậu quả nặng nề mà đại dịch Covid-19 đối với ngành Du lịch 

Ngành Du lịch đã triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 trong lĩnh vực du lịch. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 147/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ các địa phương biên giới phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số. Xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật phục vụ phát triển du; Đề án Liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch; Đề xuất giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và ngành Du lịch phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Xây dựng Thông tư quy định giảm phí lĩnh vực du lịch để hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Xây dựng tiêu chí “Việt Nam an toàn” và Kế hoạch truyền thông “Việt Nam điểm đến an toàn” để ứng phó với Covid-19.

Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ cở vật chất kỹ thuật du lịch tiếp tục được phát triển; nhiều sản phẩm du lịch được bổ sung đa dạng tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch. Hiện cả nước có 175 khách sạn 5 sao, 306 khách sạn 4 sao; 2.668 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Công tác quản lý cấp thẻ hướng dẫn viên, đào tạo hướng dẫn viên được các Sở VHTTDL, Sở Du lịch thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Cả nước hiện có 26.471 hướng dẫn viên

Ngay đầu năm 2020, ngành Du lịch đã tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Travex tại Brunei. Sau đó, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá điểm đến Việt Nam vẫn được triển khai. Trong đó có việc triển khai Đề án xúc tiến, quảng bá trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020; làm việc với CNN về chương trình truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế; phát động Chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam để kích cầu du lịch nội địa, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch. Tổ chức cuộc thi Clip quảng bá du lịch Việt Nam. Ra mắt bộ sản phẩm “Stay at home with Viet Nam” dành cho khách quốc tế trên trang web vietnam.travel.

Những tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, chú trọng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đúng tiến độ. Cần nắm bắt những diễn biến mới, có giải pháp cụ thể, tăng cường nguồn lực để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.

NGUYỄN ANH; ảnh; TRẦN HUẤN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip
Xem trước Hyundai Grand i10 sắp về VN, Ford Maverick gặt 80 nghìn đơn sau 1 tháng ra mắt