Đưa văn hoá và con người Hà Nội trở thành giá trị tinh thần to lớn
Nhìn nhận lại kết qủa đạt được trong giai đoạn vừa qua, tham luận do Phó Bí thư thành uỷ Hà Nội trình bày cho biết, đây là kết quả khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó kinh tế Thủ đô tiếp tục được cơ cấu lại, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm, tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, chi đầu tư phát triển văn hoá của Hà Nội tăng 30% so với nhiệm kỳ trước
Do đó mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích , 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
“Trong đó sự nghiệp văn hoá, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành quả quan trọng. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hoá phi vật thể. Chi đầu tư phát triển văn hoá tăng 30% so với nhiệm kỳ trước”, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết.
Để thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu khẳng định vị trí Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội đã đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025.
Các đại biểu thảo luận trong giờ giải lao của ngày làm việc thứ ba
Trong đó một trong ba khâu đột phá là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hoá, du lịch… Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố.
“Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa văn hoá và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô”, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
THU SÂM