A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháng 7, tri ân các anh hùng liệt sĩ

VHO- Những ngày nắng gió tháng Bảy, đoàn công tác Báo Văn Hóa may mắn được về với Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường 9 và Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị để cảm nhận rõ hơn sự hy sinh của các thế hệ cha anh, thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn vô hạn các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho quê hương, Tổ quốc mãi trường tồn.

 

 

 Dòng người về với Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào. Ảnh: TRẤN HUẤN

 Đến với các anh, lần nào cũng rưng rưng…

Những ngày gần cuối tháng 7 này, cái nắng như thiêu như đốt của miền Tây xứ Nghệ vẫn không ngăn được dòng người trên khắp mọi miền của Tổ quốc về với Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào để thắp nén nhang thơm tri ân các anh. Những vạt áo thấm đẫm mồ hôi của những đồng đội, những giọt nước mắt lăn dài trên má của những người thân. Ngồi lặng lẽ, thì thầm bên các anh, khói hương bảng lảng giữa mênh mông bia mộ.

Là một trong những nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất của cả nước quy tập các mộ liệt sĩ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại nước bạn Lào, Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào ở huyện An Sơn có diện tích 6,8 ha, có 22 lô mộ và một lô mộ tử sĩ, là nơi yên nghỉ của 10.825 liệt sĩ, trong đó 3.518 mộ liệt sĩ có thông tin đầy đủ, 477 mộ liệt sĩ có một phần thông tin, 6.830 mộ liệt sĩ còn chưa biết tên.

 

 

"Đồng đội ơi, chúng tôi về đây". Ảnh: Nguyễn Linh

Đứng trước ngút ngàn bia mộ của các Anh hùng liệt sĩ, ông Mai Nga (73 tuổi, ở huyện Anh Sơn, Nghệ An), cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở các mặt trận Tây Nam và biên giới phía Bắc nghẹn ngào chia sẻ: “Năm nào cũng vào ngày này tôi và hội cựu chiến binh của huyện lại đến viếng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, nhưng cũng như những lần trước, cảm xúc khó tả, rưng rưng khi được về thắp nén nhang tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Điều mà người cựu chiến binh già trăn trở chính là những nấm mồ còn chưa biết tên. “Tôi không thể hình dung và tả hết, chiến tranh quá khốc liệt. Đứng trước hàng nghìn ngôi mộ đồng đội, tôi nhớ đến những đồng đội cùng ăn cùng ngủ với mình đêm trước, sớm hôm sau đã hy sinh. Giờ người nằm đây, người không biết nằm đâu trong hàng nghìn nấm mộ còn chưa biết tên. Tôi được biết, từ lâu, Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành có chủ trương đổi tên “liệt sĩ vô danh” trên các bia mộ thành “liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Đây là việc làm đúng, hợp lòng dân, cần sớm được đẩy nhanh”.

Anh Nguyễn Duy Lịch (33 tuổi) quê ở huyện Hưng Hà (Thái Bình) chia sẻ: “Sau hàng chục năm tìm kiếm, năm 2018 gia đình tôi mới tìm được mộ của ông nội tôi là liệt sĩ Nguyễn Duy Thái ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào. Ông nội tôi hy sinh năm 1964. Từ ngày đó đến nay, mỗi dịp 27.7, gia đình tôi lại tổ chức hành hương về đây thắp hương cho ông. Còn gia đình anh Nguyễn Văn Huyện, vượt gần 700 km từ Yên Bái vào Nghệ An để đến thăm người anh trai liệt sĩ của mình. Thắp nén nhang lên phần mộ anh trai, anh Huyện tâm tình với anh trai của mình: “Hôm nay, nhân ngày 27.7, vợ chồng các em về đây thắp nén nhang viếng anh và đồng đội. Mong anh và các liệt sĩ yên giấc ngàn thu. Gia đình em đã đi tìm từ lâu, giờ biết anh nằm giữa vòng tay đồng đội, gia đình em thấy ấm lòng hơn”.

 

 

Gia đình anh Nguyễn Văn Huyện, vượt gần 700 km từ Yên Bái vào Nghệ An để đến thăm người anh trai liệt sĩ của mình. Ảnh: Nguyễn Linh

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào cho biết, công việc hằng ngày của các anh, chị trong Ban Quản lý Nghĩa trang là chăm sóc, quét dọn, hương khói, tra cứu hồ sơ liệt sĩ, đón tiếp thân nhân, đoàn khách, hướng dẫn viên giới thiệu về nghĩa trang, đọc lễ cho các đoàn… Để hoàn thành ngần ấy việc tưởng chừng như rất đỗi bình thường, trung bình mỗi người ở đây mỗi ngày phải đi bộ ít nhất một vạn bước chân. Nhưng có thấm gì đâu, với các anh, chị được gắn bó, chăm sóc phần mộ của các anh hùng liệt sĩ là vinh dự, niềm tự hào rất đỗi thiêng liêng.

Theo ông Ngọc, những ngày tháng 7 này, Ban Quản lý Nghĩa trang phải huy động toàn bộ lực lượng, trong đó phối hợp với đội ngũ y tế huyện, lực lượng quân đội, công an huyện Anh Sơn cùng phối hợp ngày đêm túc trực, lo toan công việc để phục vụ chu đáo các đoàn thăm viếng. Hội Phật giáo tỉnh Nghệ An cũng phục vụ 2.000 suất cơm chay hằng ngày miễn phí cho du khách thập phương. “Mấy ngày nay những thành viên trong Ban Quản lý và các tình nguyện viên hướng dẫn tổ chức lễ viếng lưng áo lúc nào cũng đẫm mồ hôi, thầm lặng, ân cần phục vụ du khách đến dâng hương hoa tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Mọi người không ai bảo ai đều cố gắng, thành tâm giúp du khách hành lễ có những phút giây tưởng niệm thiêng liêng”, ông Ngọc cho biết thêm.

Về với miền đất lửa Quảng Trị…

Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường 9 và Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, những ngày tháng 7 này, ngạt ngào khói hương. Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng vẫn còn đó những người mẹ, người em, người con rải bước giữa nắng nóng, mênh mông giữa những bia mộ đi tìm người thân. Ông Nguyễn Minh Đoàn (79 tuổi, ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), cựu TNXP lần từng ngôi mộ ở Nghĩa trang quốc gia đường 9 để tìm em gái. Ông Đoàn kể: “Em gái tôi nhập ngũ cùng một ngày với tôi, nhưng không may đã hy sinh năm 1970 tại chiến trường Quảng Trị. Gia đình tôi đã đi tìm em ở Nghĩa trang Trường Sơn mà không thấy, giờ đến Nghĩa trang đường 9 hy vọng sẽ tìm thấy mộ em gái tôi”. Rơm rớm nước mắt, ông nói tiếp: “Nếu gia đình tìm thấy em gái tôi cũng không đưa em tôi về quê đâu, để em tôi nằm lại đây với anh em đồng đội. Tôi đang ở trong cái tuổi gần đất xa trời, nguyện vọng lớn nhất của tôi là muốn thấy nấm mộ của em gái…”.

 

 

Tại Nghĩa trang quốc gia đường 9 Quảng Trị. Ảnh: TRẤN HUẤN

Phó trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường 9 Nguyễn Văn Quản cho biết, đây là nơi yên nghỉ của hơn 10.800 anh hùng liệt sĩ với đầy đủ của ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Theo ông Quản, dù thời tiết nắng nóng, nhưng những ngày này, hằng ngày nghĩa trang đón hàng trăm đoàn khách từ khắp mọi miền Tổ quốc về tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Ông Hoàng An, cựu TNXP tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Đã thành thông lệ, mỗi năm bản thân tôi đều tham gia đoàn thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ để thắp nén hương tri ân các anh”.

Chiến tranh đã lùi xa, miền đất lửa Quảng Trị nay đã thay da đổi thịt. Nhưng hình ảnh các anh, các chị vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ chúng tôi hôm nay và mai sau. Đứng trước bạt ngàn những ngôi mộ liệt sĩ trải dài hun hút, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các Anh hùng liệt sĩ. Với chúng tôi, cũng như triệu triệu người con dân Việt, lời căn dặn của Bác vẫn luôn ghi khắc ở trong trái tim: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. 

 NGUYỄN LINH

 
 
 

Tags: chính trị
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip
Xem trước Hyundai Grand i10 sắp về VN, Ford Maverick gặt 80 nghìn đơn sau 1 tháng ra mắt