Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng năm 2020 là một năm dài đối với những “chiến sĩ áo trắng”, những người đã nỗ lực, dấn thân, nhất là những người trực tiếp phòng chống đại dịch Covid-19 với tinh thần không quản khó khăn, sẵn sàng cống hiến, hy sinh, cùng với lực lượng quân đội, công an, ngoại giao… để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Chống dịch Covid-19 thành công là một ví dụ đẹp về “ý Đảng, lòng dân”, là tổng hòa của ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương và gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến lãnh đạo Bộ Y tế, đến đội ngũ giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở cách ly, các cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở khám, chữa bệnh trong suốt một năm qua với tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, không ngừng nỗ lực, cống hiến cao cả, tận tâm hết mình vì một Việt Nam an toàn trước đại dịch.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện trung ương và tuyến cuối chưa khắc phục tốt. Cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh còn là vấn đề. Thủ tướng đề nghị bản thân ngành y tế cũng phải biến nguy cơ thành thời cơ để tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị trước hết, thực hiện đồng bộ các biện pháp ngành y tế, đặc biệt “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế về phòng chống Covid-19. Các ngành chức năng như công an, quân đội, các tỉnh có biên giới cần các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn nhập cư trái phép. Nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với biểu hiện lơ là, chủ quan, coi thường lợi ích cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19 để đón Tết lành mạnh, an toàn.
Thủ tướng hoan nghênh quyết định của lãnh đạo Sở Y tế TP. Hà Nội tạm đình chỉ công tác Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ do chưa thực hiện đúng quy trình trong việc tổ chức cách ly tập trung khi cho một người ra khỏi nơi cách ly khi chưa đủ 14 ngày. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta cương quyết, xử lý nghiêm, kể cả hành chính và hình sự, những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định phòng, chống dịch. Thái độ dứt khoát như vậy để ngăn chặn có hiệu quả, không để dịch lây lan ra cộng đồng”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm 2020 của mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân, công tác y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện đạt các chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2020; đã trình và được Quốc hội thông qua ngay trong một kỳ họp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS; tham mưu cho Đảng, Chính phủ triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ở mức cao hơn và sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới ở giai đoạn đầu, với phương châm “4 tại chỗ”, phù hợp với thực tiễn và thực lực của đất nước…
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Y tế vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập, đó là chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế còn sự chênh lệch khá lớn giữa các tuyến và giữa các vùng, miền; dịch bệnh Covid-19 luôn có nguy cơ bùng phát; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao ở hầu hết các vùng miền; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế một số nơi thiếu, chưa đạt tiêu chuẩn; phân bổ nhân lực y tế chưa hợp lý giữa các vùng, các tuyến; chi phí khám, chữa bệnh ngày càng tăng nhưng mức đóng BHYT chưa được điều chỉnh...
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu
Năm 2021, kế thừa những kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, ngành y tế sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm; tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân; Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân hướng tới sự hài lòng của người bệnh; triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế...
Q.HOA