A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đầu tư cho sự nghiệp văn hóa ở địa phương còn thấp

VHO- Chỉ tiêu đầu tư cho văn hóa không chỉ phản ánh chỉ số phát triển văn hóa mà còn nêu bật thực trạng thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa. Vì vậy xem xét mức đầu tư cho văn hóa là minh chứng quan trọng. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho con người ở các địa phương.

Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho con người ở các địa phương.

Văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội. Phát triển sự nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư. Đầu tư cho văn hóa trở thành giải pháp để “văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc” (Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam). Vấn đề đầu tư cho văn hóa đã được đề cập trong các văn kiện ở nhiều kỳ đại hội, trở thành nghị quyết của các Hội nghị Ban chấp hành Trung ương. Trong đó nổi bật là Hội nghị lần thứ X của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Kết luận 30 - KL/TW ngày 20.7.2004 về đầu tư văn hóa: “Tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách văn hóa nhà nước”.

Hát Xoan Phú Thọ, di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại

Đây là văn kiện đầu tiên của Đảng ghi rõ tỷ lệ đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Tìm hiểu vấn đề này, cần căn cứ vào thực tế chi ngân sách ở các địa phương cho sự nghiệp văn hóa thông tin, để từ đó phân tích, đồng thời so sánh mức chi cho kinh tế nhằm tìm hiểu sự quan tâm đến văn hóa của các địa phương. Chỉ tiêu đầu tư cho văn hóa không chỉ phản ánh chỉ số phát triển văn hóa mà còn nêu bật thực trạng thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa. Vì vậy xem xét mức đầu tư cho văn hóa là minh chứng quan trọng. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho con người ở các địa phương.

Lễ hội chùa Hương

Khảo sát và dựa vào niên giám thống kê ở một số tỉnh từ năm 2015 - 2020 đều nhận thấy tình trạng chung là đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn rất thấp. 10 năm sau Kết luận số 30 - KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, chưa một tỉnh nào đạt mức đầu tư 1,8% tổng chi ngân sách địa phương cho văn hóa. Thủ đô Hà Nội - Trung tâm văn hóa của cả nước nhưng trong 5 năm từ 2015 - 2020, mức chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin chưa bao giờ đạt 0,8% tổng chi ngân sách địa phương. Cụ thể năm 2015, Hà Nội chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin là 812 tỉ đồng, chiếm 0,72% tổng chi ngân sách, nhưng đến 2018, mức chi chỉ có 127 tỉ đồng chiếm 0,095% tổng chi ngân sách. Năm 2020, Hà Nội mới chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin với tỉ lệ cao nhất là 0,767% tổng chi ngân sách.

Vĩnh Phúc là một tỉnh có nguồn thu lớn, nơi có nhiều di tích, di sản văn hóa cấp quốc gia, nhưng trong giai đoạn từ 2015 - 2020, kinh phí chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin là rất thấp. Năm cao nhất là 2015, mức chi đạt 0,95% tổng chi ngân sách địa phương. Nhưng mức chi này trong 5 năm lại càng giảm sút theo kiểu “phú quý giật lùi”. Năm 2015, Vĩnh Phúc chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin, thể thao, phát thanh truyền hình là 229,144 triệu đồng thì đến năm 2017 chỉ còn là 207,279 triệu đồng, chiếm tỉ lệ 0,544 tổng chi ngân sách địa phương, tỷ lệ này đến năm 2019 còn giảm xuống mức 0,43%, và lại tăng lên vào năm 2020 là 0,641%.

Ở khu vực miền núi phía Bắc, Lai Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, nguồn thu rất thấp nhưng tỉ lệ chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin lại cao gấp đôi so với Hà Nội hay Vĩnh Phúc. Cụ thể, năm 2018, Lai Châu chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin, phát thanh truyền hình, thông tấn, thể thao là 1,18% tổng chi ngân sách của tỉnh, thì đến năm 2020, tỉ lệ này đã tăng lên mức 1,6%. Đây là tỉnh có tỉ lệ chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin cao nhất toàn quốc, nhưng cũng chưa đạt mức 1,8% tổng chi ngân sách địa phương như Kết luận 30 - KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã đề ra.

Như vậy, năm 2004, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận thấy thực trạng các địa phương chi ngân sách cho văn hóa thông tin rất thấp nên đã có kết luận: Phấn đấu đến năm 2010, ít nhất đạt được 1,8% trong tổng chi ngân sách. Nhưng thực tế thì mãi đến năm 2020, hầu hết các tỉnh chỉ đạt được từ 50-60% định mức tỉ lệ chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin. Mức chi cho ngành văn hóa thông tin thấp, khiến cho hoạt động của lĩnh vực này chậm phát triển, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi xét đến chức năng của nó. Đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, các giá trị nhân văn bị bào mòn, văn hóa không trở thành động lực cho phát triển. Mức đầu tư cho văn hóa thấp, nhiều địa phương không phát huy được lợi thế xây dựng một bộ phận văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa quan trọng giúp tăng nhanh nguồn thu cho ngân sách. Vì thế, ở nhiều địa phương luôn rơi vào tình trạng bất cập, tạo thành một vòng luẩn quẩn trong đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa.

Đầu tư cho văn hóa thấp nên chậm phát triển, vì chậm phát triển nên tỉ lệ dành cho đầu tư văn hóa lại càng thấp. Nhằm khắc phục tình trạng này, cần có các giải pháp hiệu quả. Theo đó:
Vấn đề cấp bách hiện nay là các địa phương cần đổi mới nhận thức cụ thể, đúng đắn và thiết thực về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước”.

Hà Nội đang đẩy mạnh đầu tư phát triển các không gian văn hóa sáng tạo

Vấn đề thứ hai là cần nhanh chóng thể chế hóa, đổi mới cơ chế, chính sách về đầu tư cho văn hóa, xóa bỏ cơ chế xin cho hoặc định mức đầu tư chỉ do một số người ở Sở Tài chính quyết định.
Vấn đề thứ ba là cần chú trọng thay đổi nhận thức cố hữu rằng văn hóa chỉ là “ngành tiêu tiền”, ngành không sản xuất, nên “khi thu được thì cho”, khi khó khăn thì cắt bỏ nhiều nguồn lực đầu tư cho văn hóa.
Thậm chí với danh nghĩa tiết kiệm, ngành VHTTDL là ngành đầu tiên được xem xét cắt bỏ nhiều nguồn đầu tư nhất. Cần thay đổi nhận thức coi nhẹ vai trò của văn hóa, xem văn hóa không phải là ngành sản xuất; thay vào đó cần xác định đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho nguồn lực con người. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng phát triển nhanh ở mỗi địa phương.

TS. TRẦN HỮU SƠN, Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian ứng dụng

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip
Xem trước Hyundai Grand i10 sắp về VN, Ford Maverick gặt 80 nghìn đơn sau 1 tháng ra mắt